Kế hoạch của các địa phương

Có thể khẳng định, các kết quả đạt được về công tác phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý quy hoạch… tại các địa phương thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đó là: Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông... được tăng cường. Để kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, ngành Xây dựng các địa phương đã có những kế hoạch cụ thể nhằm triển khai các công việc trong năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình: 5 nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2021 là năm đầu thực hiện các Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Ngành Xây dựng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư với 5 nhiệm vụ trọng tâm là:

Tiếp tục thực hiện các Chỉ thị và kế hoạch của UBND Thành phố nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn.

Triển khai đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030. Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị giai đoạn 2020 - 2025.

Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho UBND TP.HCM nội dung Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, Chương trình phát triển đô thị TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050. Xây dựng kế hoạch chuyển 5 huyện thành đơn vị hành chính đô thị giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm…

Đổi mới, sáng tạo, tinh gọn trong cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của công dân và DN làm thước đo như: Gắn mã “QR code” vào giấy phép xây dựng, vào chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin; Sử dụng 01 bản vẽ cho 02 thủ tục cấp Giấy phép xây dựng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tiếp tục tuyên truyền để người dân sử dụng App mobile SXD247 nhằm nâng cao vai trò kiểm tra và giám sát của người dân trong việc chấp hành pháp luật xây dựng.

Triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước thay thế các giải pháp cấp nước tạm, đảm bảo 100% hộ dân được cấp nước sạch; Chủ trương, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố giai đoạn 2030 - 2050; thông qua đề cương, quy trình đánh giá rủi ro, đảm bảo an toàn cây xanh đường phố.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị Nguyễn Thanh Hải: Đẩy mạnh quản lý đầu tư xây dựng

Năm 2021, ngành Xây dựng Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Ngành, đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch; phát triển đô thị một cách đồng bộ, theo quy hoạch, kế hoạch; huy động các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị; quản lý phát triển công nghiệp sản xuất VLXD theo hướng chế biến sâu, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tổ chức triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Ngành.

Tập trung tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, chất lượng công trình, hạ tầng kỹ thuật đô thị, VLXD, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương để triển khai thực hiện.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới về thể chế, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ; thực hiện tốt quy định tự chủ tài chính. Tăng cường việc lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, có tính kế thừa cao, đồng thời nâng cao vai trò tham gia, phản biện của cộng đồng dân cư và các tổ chức, hội nghề nghiệp đối với quy hoạch.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Lê Mạnh Dũng: Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trước những thách thức mới và thực tiễn công tác, ngành Xây dựng Đồng Nai đề ra giải pháp để thực thiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 là: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng, bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN. Tăng cường phối hợp thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề xây dựng...

Chủ động xây dựng kế hoạch và tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng BR-VT Mai Trung Hưng: Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quản lý ngành

Trên những thành tích đã đạt được của năm 2020, theo ông Mai Trung Hưng - Phó giám đốc Sở Xây dựng BR-VT, trong năm 2021, Sở phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quản lý ngành được giao với 2 chỉ tiêu chính là có tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 59%. Và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Phổ biến sâu rộng Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản... Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, cũng như nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch, đánh giá tổng thể các đồ án quy hoạch đô thị trên toàn tỉnh để làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch; tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình và công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thực hiện công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; khảo sát, công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng; tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thoát nước, đảm bảo chống úng ngập trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn năm 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình Lê Anh Tuấn: Nâng cao quản lý quy hoạch xây dựng

Năm 2021, ngành Xây dựng Quảng Bình sẽ tập trung quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tích cực tham mưu UBND tỉnh lập các quy hoạch vùng liên huyện, để có định hướng phát triển mang tính tổng thể trong điều kiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được bãi bỏ, tiến tới tích hợp vào quy hoạch tỉnh; chủ động điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị, giám sát quản lý cảnh quan kiến trúc và cấp phép xây dựng. Tập trung triển khai lập chương trình phát triển đô thị và trình phê duyệt các khu vực phát triển đô thị cho các đô thị để triển khai dự án theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, trình thông qua HĐND tỉnh để triển khai thực hiện; chủ động thu hút đầu tư nhà ở xã hội, phân tích đánh giá tình hình phát triển nhà trọ cho thuê phục vụ người thu nhập thấp để có hướng phát triển phù hợp. Cần hình thành một số đô thị đặc thù, gắn kết nhu cầu nhà ở xã hội hoặc khu đất nhà ở xã hội, thu hút dân cư lấp đầy đô thị bằng các chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tiến Tài: Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng

Năm 2021, Sở Xây dựng Bắc Ninh tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng hơn nữa, tập trung cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị để thành lập các thị xã và thành phố thuộc tỉnh.

Cụ thể, hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Chờ và vùng phụ cận đến năm 2030, đô thị phố Mới và vùng phụ cận đến năm 2035, đô thị Lim và vùng phụ cận (đô thị Tiên Du) để làm cơ sở lập Đề án nâng loại đô thị, Đề án đề nghị thành lập các thị xã Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du. Hoàn thành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh (đô thị lõi) đến năm 2035, tầm nhìn 2050.

Tập trung lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, du lịch, triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng các công trình công cộng, công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật… góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế xã hội.

Đề xuất, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị còn thiếu theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương như: Trung tâm văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện; công viên - hồ điều hòa, bệnh viện, hệ thống thu gom và xử lý nước thải,…

Trước mắt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm hoàn thành mục tiêu thành lập thành phố Từ Sơn, thị xã Yên Phong, công nhận các đô thị Chờ mở rộng, đô thị Lim mở rộng là đô thị loại IV.

Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế Nguyễn Đại Viên: Tập trung chương trình phát triển đô thị

Ngành Xây dựng TT-Huế phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung hoàn thành các Đề án phân loại đô thị.

Triển khai chương trình phát triển đô thị TT-Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị như: TP Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, đô thị Phong Điền, Chân Mây - Lăng Cô; tiếp tục nâng cấp các đô thị mới Thanh Hà (huyện Quảng Điền) và Vinh Hiền, (huyện Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại V; hoàn thành thẩm định hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn TP Huế và vùng phụ cận.

Phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/2000 và phân khu chức năng, tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Chân Mây Lăng Cô và đô thị mới; Phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/2000 đối với địa bàn các thị xã và huyện (bao gồm các xã); Phấn đấu lấp đầy quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500, khi các quy hoạch phân khu được phê duyệt và ưu tiên triển khai quy hoạch chi tiết trong khu vực đô thị; rà soát, sớm tham mưu ban hành kế hoạch lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trí Đức

Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình Trần Hải Lâm: Đồng hành cùng người dân, tổ chức, DN

Năm 2020, ngành Xây dựng Hòa Bình luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng; tập thể công chức, viên chức trong ngành tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,69%. Giá trị tổng sản lượng của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở ước đạt trên 22 tỷ đồng, đạt 134% kế hoạch. Về công bố chỉ số và xếp hạng mức độ chính quyền điện tử, Sở Xây dựng đạt 78,1/100 điểm (xếp thứ 9/17); Về chỉ số cải cách hành chính đạt 87,83/100 điểm, xếp 9/20 các sở, ban, ngành. Các nhiệm vụ Sở được giao hoàn thành đúng và trước hạn.

Năm 2021, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 29%, 91,07% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch Sở Xây dựng Hòa Bình tăng cường tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, phân công, phân cấp rõ ràng, tạo hành lang pháp lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tổ chức thẩm định, tham gia góp ý các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tăng cường quản lý về Nhà ở và thị trường BĐS, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật. Tiếp tục thực hiện dự án văn phòng điện tử; phần mềm một cửa; hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.

Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh bố trí hỗ trợ nguồn vốn cho UBND các huyện, thành phố lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cho các thị trấn được mở rộng và sáp nhập các xã vào thị trấn theo đề án sắp xếp các huyện, xã trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo bố trí nguồn vốn để thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Phùng Văn Thanh: Thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng

Năm 2021, ngành Xây dựng Hải Phòng tập trung thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, chủ động xây dựng phương án giải trình để bảo đảm Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng lộ trình. Hoàn thiện Đề án chỉnh trang đô thị theo hướng: Mở rộng không gian đô thị, chỉnh trang các dòng sông, công viên, vườn hoa... Sở sẽ tham mưu cho Thành phố hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng các dự án lớn như xây dựng cầu Nguyễn Trãi, Cầu Rào 1…; triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành để sớm đưa huyện Thủy Nguyên thành thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận (trước năm 2025); chuyển đổi huyện Kiến Thụy thành đơn vị hành chính quận (trước năm 2030) theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI. Tiếp tục tham mưu, triển khai xây dựng chung cư cũ xuống cấp, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ bố trí, sắp xếp các hộ dân về ở chung cư và triển khai phương án khai thác các khu vực thương mại, dịch vụ, bảo đảm đúng quy định pháp luật để sớm phục vụ nhân dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái Nguyễn Lâm Thắng: Không để thiếu vốn cho công tác lập quy hoạch

Năm 2020, Sở Xây dựng được giao 8 nhiệm vụ. Sở đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2021, ngành Xây dựng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ và ngày càng thông thoáng hơn; Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm; Quan tâm đến công tác quy hoạch với quan điểm không để thiếu vốn cho công tác lập quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước; Xây dựng cơ chế, đề án triển khai áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; Phối hợp với đơn vị tư vấn lập và trình UBND tỉnh duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phân khu, các khu công nghiệp theo Quy hoạch chung đô thị Yên Bái; Tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ theo Chương trình hành động năm 2020 và chương trình hành động theo kế hoạch năm 2021 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ; Hoàn thành kế hoạch của Tỉnh ủy Yên Bái về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2021.

Báo Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ke-hoach-cua-cac-dia-phuong-298925.html