Kế hoạch 50 năm ở Syria 'ươm trái ngọt', quyền lực Nga thành bất diệt?

Chỉ cần mở rộng và củng cố sự hiện diện của mình ở các cảng Tartus và Latakia, Nga sẽ duy trì quyền lực ở Syria vô thời hạn.

Cảng Tartus.

Cảng Tartus.

Nga sẽ không rời đi

Dự án 500 triệu USD do Nga tài trợ để hiện đại hóa cảng thương mại Tartus của Syria đang được tiến hành tốt. Sự tham gia của Moscow là một tín hiệu rõ ràng cho thấy vai trò của nước này trong cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ ở Syria vẫn chưa kết thúc.

Nga lần đầu tiên can thiệp vào cuộc chiến Syria vào năm 2015, nhưng mối quan hệ gần gũi của nước này với chính quyền Tổng thống Assad đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều.

Các nhà phân tích cho rằng việc tiếp cận cảng Tartus, căn cứ quân sự quan trọng của Nga từ thời Liên Xô, là động lực chính khiến Moscow tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột.

Ghazi Dahman, một nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề Trung Đông, nhận định: “Nga coi tình hình Syria như một cơ hội địa chiến lược xuất phát từ những thay đổi đang diễn ra trong cán cân quyền lực khu vực”.

“Vai trò mạnh mẽ của Nga trong cuộc xung đột Syria cho thấy hiệu quả của nước này trong việc đảm bảo vị thế trên nấc thang quyền lực toàn cầu”.

Tartus phản ánh cam kết của Moscow trong việc tiếp tục hiện diện và khẳng định vị thế thống trị của mình ở khu vực Trung Đông, đồng thời chỉ ra lịch sử hợp tác lâu dài giữa Nga và Syria trên nhiều lĩnh vực, theo The National.

Năm 1971, nhà lãnh đạo Syria Hafez Al Assad đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Moscow, một hiệp ước được coi như biểu tượng cho sự tôn trọng lẫn nhau cũng như sự tương đồng về thế giới quan của cả hai.

Nga và Syria tiếp tục tôn vinh tình hữu nghị dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Bashar Al Assad. Chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria đã giúp củng cố quyền lực của Tổng thống Assad và cho phép chính phủ của ông giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước.

Moscow đã vận hành cơ sở hải quân tại Tartus kể từ khi ký thỏa thuận với Damascus vào đầu những năm 1970 như một phần của khoản nợ trị giá hàng tỷ USD. Về mặt lịch sử, cảng này từng là một trạm sửa chữa và tiếp nhiên liệu với sự hiện diện hạn chế của quân đội Nga.

Nơi đây cũng cho phép các tàu chiến của Nga trên Địa Trung Hải tiếp nhiên liệu trên đường đến các căn cứ trên Biển Đen, giúp hành trình ngắn hơn, đơn giản hơn so với đi qua eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tartus cũng được coi là một phương án dự phòng vững chắc nếu quan hệ với Ankara suy giảm đến mức hải quân và đường tiếp tế của Nga bị cắt đứt ngoài Biển Đen.

Chỗ dựa vững chắc

Khinh hạm "Đô đốc Essen" ở cảng Tartus của Syria.

Vào năm 2017, Nga đã tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như đối với Syria bằng cách đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê Tartus thêm 49 năm.

Viktor Bondarev, người đứng đầu ủy ban an ninh và quốc phòng của Thượng viện Nga, nói với hãng tin RIA vào thời điểm đó rằng, thỏa thuận cho phép Moscow mở rộng căn cứ hải quân và cho phép tàu chiến Nga tiếp cận các vùng biển và cảng của Syria. Nơi đây cũng sẽ cho phép Nga hiện diện tới 11 tàu chiến, bao gồm cả những tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Căn cứ Tartus là đặc điểm nổi bật nhất trong ảnh hưởng bên ngoài của Nga, vì nó cho phép nước này kiểm soát và ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn kéo dài tới châu Âu, thông qua khả năng di chuyển và giám sát của các máy bay ném bom chiến lược”, chuyên gia Dahman nhận định.

“Ngoài ra, nó mang lại cho Nga cơ hội điều động tốt để cân bằng với lực lượng NATO (Thổ Nhĩ Kỳ) đang tìm cách khống chế Nga, thông qua các nước Đông Âu và từ phía Nam bằng cách mang lại những thay đổi ở các nước Trung Á”.

Lực lượng của Moscow đã sử dụng Tartus để hỗ trợ cuộc chiến của chính quyền Damascus chống lại các nhóm nổi dậy. Tư lệnh Nga Andrei Krasov cho biết vị trí chiến lược của cảng là một phương tiện để đất nước của ông “củng cố vị thế của mình ở Trung Đông với tư cách là một nhà hòa bình và là người bảo đảm cho an ninh toàn cầu”.

Tiến sĩ Khattar Abou Diab, giáo sư quan hệ quốc tế tại Sciences Po ở Paris, cho biết: “Kể từ khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột Syria, họ đã mở rộng và củng cố sự hiện diện của mình ở các cảng Tartus và Latakia, nơi Nga thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp, vô thời hạn”.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ke-hoach-50-nam-o-syria-uom-trai-ngot-quyen-luc-nga-thanh-bat-diet-a508870.html