Kẻ giết người có thói… 'thù lâu nhớ dai'

Mâu thuẫn tranh chấp đất đai tưởng đã 'đào sâu chôn chặt', ai ngờ Đoàn Văn Nghĩa (SN 1988, quê tỉnh Bến Tre) lại là kẻ 'thù lâu nhớ dai', chưa nguôi ngoai ý định trả thù.

Sau khi uống rượu, Nghĩa dùng hung khi đi “tính sổ” với láng giềng khiến người chết tức tưởi, còn Nghĩa bóc lịch dài dài với mức án tù chung thân.

Trước bục khai báo, Đoàn Văn Nghĩa kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Giết người” và kêu oan đối với tội danh “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã vạch trần tội ác của gã công nhân thiếu lương tính.

Tội ác phát sinh vào ngày 12/8/2012, khi Đoàn Văn Nghĩa từ TP. Hồ Chí Minh về Bến Tre thăm gia đình. Chiều cùng ngày, Nghĩa điều khiển xe mô tô đến nhà ông Nguyễn Văn Quý ăn nhậu. Uống chưa đã, Nghĩa tiếp tục đến nhà ông Huỳnh Văn Nam nhậu cùng một số người. Khi ma men nhập vào, Nghĩa bất chợt nhớ lại mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai trước đây giữa gia đình gã với gia đình ông Lưu Văn Tiến (SN 1961, ngụ cùng ấp).

Vụ việc xảy ra đã lâu nhưng Nghĩa vẫn nuôi ý định tàn độc là sát hại ông Tiến để trả thù. Khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, khi đang uống rượu, Nghĩa lén đi xuống phía sau nhà ông Nam lấy con dao dài để đi trả thù.

Sau đó, gã cầm dao đi bộ đến nhà ông Lưu Văn Tiến cách đó khoảng 100 mét. Lợi dụng sơ hở, Nghĩa đột nhập vào nhà ông Tiến. Qua ánh sáng đèn ngủ, kẻ sát nhân nhìn thấy ông Tiến đang say ngủ trong mùng ở tư thế nằm ngửa. Ngay tức khắc, Nghĩa dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân.

Bị chém bất ngờ, ông Tiến hoảng sợ vùng dậy chạy ra khỏi giường kêu cứu nhưng trong cơn say máu, Nghĩa kéo nạn nhân lại để chém tiếp. Lúc này, anh Lưu Văn Tam, con ông Tiến nghe tiếng kêu cứu liền thức dậy. Bà Trương Thị Dung, láng giềng sát nhà ông Tiến cũng nghe nên chạy đến.

 Đoàn Văn Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh H. Đức)

Đoàn Văn Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh H. Đức)

Khi anh Lưu Văn Tam vào trong buồng thấy bố bị thương nặng, còn Nghĩa cầm dao chạy ra ngoài theo lối cửa sau nhà. Anh Tam dìu bố nằm trên chiếc võng giăng ở nhà sau, rồi tìm điện thoại gọi người thân đến cứu giúp.

Riêng chị Trương Thị Dung từ nhà chạy sang đứng ở thềm cửa trước của gian nhà sau. Đúng lúc này, Nghĩa từ trong nhà ông Tiến chạy ra nên dùng dao tấn công, gây thương tích ở tay trái chị Dung. Nghĩa tiếp tục nắm cổ áo kéo chị Dung ra để thực hiện tội phạm đến cùng. Lúc này anh Tam nghe có tiếng kêu cứu liền chạy ra, nhặt đoạn gỗ đước ở sân đánh vào lưng Nghĩa làm rớt con dao xuống đất. Thấy bị lộ, Nghĩa bỏ chạy khỏi hiện trường.

Ngay sau đó, các nạn nhân được đưa đi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) cấp cứu. Do vết thương quá nặng nên ông Tiến tử vong sau một thời gian nằm viện. Riêng chị Dung bị tổn thương cơ thể do thương tích là 28%. Gây án xong, Nghĩa bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc. Lưới trời lồng lộng, đến năm 2017, gã mới bị Công an Sóc Trăng bắt giữ khi đang lẩn trốn tại thị xã Vĩnh Châu.

Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bến Tre phạt Nghĩa tù chung thân về tội “Giết người”; 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt buộc Nghĩa phải chấp hành cho cả hai tội là tù chung thân.

Bị cáo Đoàn Văn Nghĩa kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Giết người” và kêu oan đối với tội danh “Cố ý gây thương tích”. Tại tòa, Nghĩa cho rằng không gặp bị hại Dung nên không thể gây thương tích.

HĐXX đã phân tích, làm rõ hành vi phạm tội của Nghĩa và cho rằng những chứng cứ trong hồ sơ, lời khai của các nhân chứng hoàn toàn phù hợp với diễn biến vụ án. HĐXX sơ thẩm tuyên bị cáo với các mức án là đúng người, đúng tội nên bác kháng cáo của Nghĩa.

Chỉ vì tâm tính nhỏ nhen, ích kỷ, “thù lâu nhớ dai” cộng với bản chất lưu manh côn đồ, Nghĩa đã hủy hoại tương lai của gã và gây tai họa cho láng giềng. Bản án nghiêm khắc dành cho Nghĩa là cơ hội để gã sám hối trở lại làm người, đồng thời là bài học cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa chung đối với tội phạm.

(Tên bị hại đã được thay đổi)

An Dương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/ky-su-phap-dinh/ke-giet-nguoi-co-thoi-thu-lau-nho-dai-306892.html