Kẻ giết 5 người xin hiến tạng sau khi bị tử hình

Bị cáo giết hại 5 người trong một gia đình xin được hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản.

Tại phiên xử Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) về tội Giết người, Cướp tài sản sáng 9/7, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Nạn nhân là vợ chồng ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi) và 3 đứa con nhỏ.

Tại phiên tòa, Tình thừa nhận hành vi như bản cáo trạng của VKS quy kết. "Bị cáo có tính rất ghét bất kỳ ai chửi nặng lời với mình. Bị cáo có nhắc bị hại rất nhiều lần nhưng bà Hồng không bỏ, vẫn cứ chửi nên bị cáo tức giận và sát hại", Tình khai trước HĐXX lý do giết bà Mai Thị Hồng.

Bị cáo 18 tuổi không nhớ đã đâm vợ ông Chinh bao nhiêu nhát. Tình khai lý do giết ông Chinh vì sợ nạn nhân sẽ chống trả. Hung thủ thừa nhận là người chủ động tấn công ông chủ trước.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình bị tuyên tử hình (Ảnh VNE)

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình bị tuyên tử hình (Ảnh VNE)

Sau khi sát hại 5 nạn nhân, Tình còn khai sau khi xuống dưới nhà và phát hiện bà Hồng còn "ú ớ, chửi" nên Tình đã lấy con dao 33 cm ở bếp đâm tiếp cho đến khi bà chủ gục chết.

Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo 18 tuổi bình thản trả lời, ít bộc lộ cảm xúc, có lúc đưa tay lên gãi đầu.

Trả lời vị chủ tọa, Tình nói: "Bị cáo có ân hận nhưng bị cáo không thể mô tả sự ân hận của bị cáo được".

Nói lời sau cùng, bị cáo hối hận nói: "Trước hết, tôi xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ của tôi mà gây hậu quả lớn như thế. Xin lỗi ba mẹ vì con chưa trả hiếu được cho ba mẹ. Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ mà con phải trả giá bằng mạng sống của mình. Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản".

Còn nhớ trước đó Nguyễn Hải Dương gây nên vụ thảm án ở Bình Phước cũng từng xin được hiến tạng cho y học nhưng không được đồng ý.

Ngày 17/11, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Bình Phước đã tiêm thuốc độc thi hành án tử hình đối với Nguyễn Hải Dương — tử tù gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Bình Phước gây chấn động dư luận.

Trước khi tử hình, Nguyễn Hải Dương bàn bạc với người thân để xin được thực hiện nguyện vọng cuối cùng — hiến xác cho y học nhằm chuộc lại 1 phần lỗi lầm mình gây ra trong quá khứ. Tuy nhiên, nguyện vọng này của Dương sẽ không được thực hiện.

Trước đó nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc lấy, ghép mô; bộ phận cơ thể và tạo nguồn cung cấp mô, tạng dồi dào phục vụ cho việc cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật điều chỉnh về việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người mà tiêu biểu là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006.

Trong đó có quy định cụ thể về điều kiện hiến xác; bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể cho thấy pháp luật về vấn đề này còn khá nhiều điểm bất cập, đặc biệt là trong các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết có cân nhắc, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài là một nhu cầu cấp thiết.

Anh Thư (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/ke-giet-5-nguoi-xin-hien-tang-sau-khi-bi-tu-hinh-3361494/