Kẻ diệt chủng Rwanda khiến 800.000 người chết lẩn trốn suốt 26 năm

Liên Hợp Quốc phối hợp với Pháp đã truy lùng và bắt giữ thành công nhân vật hàng đầu của cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, khiến hàng trăm nghìn người bị tàn sát dã man.

Felicien Kabuga, đối tượng khét tiếng trong cuộc diệt chủng năm 1994 nhắm vào người Tutsi và người Hutus ôn hòa ở Rwanda, đã bị bắt ngày 16/5 sau 26 năm lẩn trốn. Kabuga được mô tả là già yếu, ít giao thiệp với hàng xóm và thường đi dạo quanh căn hộ khá giả của mình ở ngoại ô Paris.

Người từng là triệu phú giàu có bậc nhất ở Rwanda này đã 84 tuổi, bị truy nã gắt gao nhất đất nước Đông Phi với khoản tiền thưởng 5 triệu USD cho ai giúp bắt được ông ta.

Kabuga sống bằng tên giả trong một tòa chung cư 5 tầng ở Asnieres-sur-Seine, ngoại ô Paris, với sự giúp đỡ của con cái, theo Bộ Tư pháp Pháp.

Sống kín đáo ở ngoại ô Paris

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm diệt chủng khét tiếng vào đầu ngày 16/5.

“Tôi thấy người đàn ông này đi ra ngoài, dường như mỗi ngày một lần, một mình hoặc với ai đó”, ông Jean-Yves Breneol, 72 tuổi, sống cùng tòa chung cư với Kabuga, nói. “Ông ấy không nói nửa lời”.

Người hàng xóm Breneol nói rằng ông nghĩ Kabuga có thể đã sống trong tòa nhà 4 hoặc 5 năm. “Chúng tôi không biết tên ông ấy, không hay biết bất cứ điều gì liên quan”, ông Breneol tiếp tục.

Những người hàng xóm như ông Breneol không biết ông Kabuga đến Pháp khi nào và bằng cách nào.

 Tòa chung cư nơi nghi phạm diệt chủng Felicien Kabuga bị bắt ở Asnieres-sur-Seine, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters.

Tòa chung cư nơi nghi phạm diệt chủng Felicien Kabuga bị bắt ở Asnieres-sur-Seine, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters.

Nhưng họ đã bị choáng khi biết ông Kabuga là người bị tòa án Liên Hợp Quốc truy nã với 7 tội danh hình sự, gồm tội diệt chủng và kích động diệt chủng, tất cả đều liên quan đến cuộc diệt chủng đẫm máu năm 1994 ở Rwandan khiến khoảng 800.000 người chết. Họ ngã ngửa khi biết quá khứ của người sinh sống gần kề hàng ngày.

“Đó là một cú sốc”, người hàng xóm trong tòa chung cư giới thiệu mình là Jean-Guillaume nói thêm rằng ông Kabuga có vẻ yếu đuối.

“Đó là một người già, rất già. Ông ấy bị bệnh”.

Kabuga hiện bị giam giữ tại nhà tù La Sante ở trung tâm Paris, theo Reuters. Hãng tin không tìm được bất cứ phát biểu công khai nào của ông ta.

Bức tường ở mặt trước của nhà tù được thiết kế bằng đá kiên cố, có gắn camera an ninh, biểu tượng 3 màu của quốc kỳ Pháp và dòng chữ “Nhà tù La Sante”. Nó nằm ở quận Montparnasse của Paris.

Tài trợ cho cuộc diệt chủng

Vụ bắt giữ Kabuga đặt dấu chấm hết cho cuộc truy tìm kéo dài hơn 2 thập kỷ, xuyên châu Phi và châu Âu.

Theo bản cáo trạng của tòa án Liên Hợp Quốc, ông Kabuga là một doanh nhân người Hutu. Ông bị cáo buộc thành lập và đóng góp tài chính cho quỹ tài trợ cho các dân quân trẻ để tàn sát khoảng 800.000 người Tutsi và người Hutus ôn hòa, cũng như nhập khẩu số lượng lớn dao rựa.

Ông Kabuga là người thân cận với Tổng thống Juvenal Habyarimana, người đã chết trong chiếc máy bay bị bắn hạ ở thủ đô Kigali của Rwandan năm 1994, động thái châm ngòi cho mối căng thẳng sắc tộc từ lâu giữa người Hutus và người Tutsi. Hai trong số các cô con gái của Kabuga đã kết hôn với người nhà gia đình Tổng thống Habyarimana.

Nhà tù La Sante ở trung tâm Paris, nơi ông Kabuga đang bị giam giữ. Ảnh: Reuters.

Là một trong những người đàn ông giàu nhất Rwanda, từ trước cuộc diệt chủng, ông Kabuga đã thâu tóm nhiều đồn điền và nhà máy sản xuất trà và cà phê quốc gia. Ông cũng đồng sở hữu Đài Phát thanh và Truyền hình Milles Collines, nơi truyền đi những thông điệp chống phá người Tutsi, thổi bùng mối thù hận dân tộc.

Những vết sẹo của cuộc diệt chủng vẫn khắc sâu trong tâm lý người dân Rwandan.

“Đây là tin tốt khi kẻ lên kế hoạch và tài trợ cho cuộc diệt chủng đã lẩn trốn trong một thời gian dài nay đã bị bắt giữ. Đó là tin tốt cho tất cả, đặc biệt là những người sống sót”, bà Valerie Mukabayire, lãnh đạo của AVEGA, nhóm phụ nữ sống sót sau nạn diệt chủng, nói.

Bà Mukabayire, 64 tuổi, nói rằng bà đã mất người thân trong đó có chồng bà trong cuộc diệt chủng. Nhóm phụ nữ sống sót sau cuộc diệt chủng của bà có hơn 19.000 thành viên.

“Chúng tôi đã lo lắng rằng tuổi già của ông ta (Kabuga) sẽ cản trở việc thực thi công lý. Nhưng bây giờ chúng tôi rất vui khi ông ấy bị bắt giữ”, bà Mukabayire nói qua điện thoại với Reuters.

Hai người phụ nữ đọc bài báo viết về Felicien Kabuga đăng ngày 12/6/2002 tại Nairobi. Ảnh: Reuters.

Vụ bắt giữ Kabuga sẽ khiến ông ta phải trình diện Tòa án Phúc thẩm Paris, sau đó sẽ bị chuyển lên Tòa án Quốc tế có trụ sở tại Hague, Hà Lan và Arusha, Tanzania.

Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda (ICTR), thành lập bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1994 để xét xử những người gây ra nạn diệt chủng Rwanda, đã đóng cửa vào năm 2015. Cơ chế cư trú quốc tế cho Tòa án Hình sự (IRMCT) đã được ủy quyền thực hiện các chức năng còn lại của ICTR.

“Đối với công lý quốc tế, việc bắt giữ Kabuga chứng minh rằng chúng ta có thể thành công khi có được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Công tố viên trưởng của IRMCT, Serge Brammertz, nói.

Hạnh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-diet-chung-rwanda-khien-800000-nguoi-chet-an-minh-26-nam-post1085855.html