Kẻ đánh gãy chân hiệp sĩ bắt cướp ở Bình Dương đối diện mức án nào?

Theo luật sư, kẻ đánh gãy chân hiệp sĩ ở Bình Dương, gây thương tích 17% có thể bị phạt tù.

Mới đây, anh Tăng Quốc Quy (40 tuổi, ngụ phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vừa có đơn yêu cầu khởi tố lên cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, liên quan đến vụ việc anh bị đánh gãy chân với tỷ lệ thương tích 17%, nhưng người gây án vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù sự việc xảy ra hơn 8 tháng.

Trong đơn, anh Huy trình bày, khoảng 8h30 ngày 2/9/2019, anh cùng vợ đang đi ăn ở ngã ba Gò Mã phường Đồng Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương thì nghe có người tri hô kẻ cướp xe đạp điện.

Anh đuổi theo và lấy lại được xe đạp điện bị cướp, anh và vợ đưa xe quay lại quán ăn để trả lại cho người dân. Tuy nhiên, trên đường về có một người đàn ông (sau đó xác định tên Hiền) chạy ngang qua say xỉn chửi thề, dọa đánh anh Huy.

Vừa về tới quán ăn, anh Huy bất ngờ bị người đàn ông này dùng gậy đánh ngã xuống xe, sau đó tiếp tục đánh trúng chân anh Huy gãy chân, bất tỉnh.

Anh Huy bị đánh gãy chân, thương tích 17%.

Anh Huy bị đánh gãy chân, thương tích 17%.

Sau khi đến bệnh viện, anh Huy được các bác sĩ xác định đa chấn thương, gãy xương chân nặng phải phẫu thuật nối xương. Công an TP Dĩ An sau đó đưa anh Huy giám định thương tích vơi tỷ lệ 17%, đồng thời lấy lời khai và báo sau 2 tháng sẽ trả lời.

"Đến nay, sau hơn 8 tháng, ông ấy vẫn né tránh không gặp tôi và nói công an không cho gặp. Trong thời gian tôi nằm viện, họ chỉ đến gặp xin lỗi 1 lần, hỗ trợ 5 triệu đồng rồi về. Trong khi phía công an đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án”, anh Huy bức xúc nói.

Trả lời với VTC News, luật sư Trương Thị Minh Thông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp này có thể xác định tỷ lệ thương tật làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

"Trường hợp tỷ lệ thương tật của từng người từ 11% trở lên thì đã đủ yếu tố cấu thành "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Thông cho biết.

Cụ thể, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp dùng vũ khí, vật nổ, dùng axit..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, luật sư Thông cho biết, thời hạn điều tra được quy định cụ thể tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Theo đó, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng.

Luật sư Thông cho rằng, hành vi cố ý gây thương tích tỷ lệ dưới 30% thuộc khung 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 nên thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng quy định tại Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, do đó thời hạn điều tra không quá 2 tháng và được gia hạn một lần không quá 2 tháng.

Cơ quan điều tra để 8 tháng là vi phạm thời hạn điều tra theo Luật tố tụng hình sự.

"Ngoài ra hành vi này còn ảnh hưởng xấu đến dư luận vì người dám đứng lên chống lại cái sai trái sẽ không được pháp luật bảo vệ. Cần phải điều tra thêm xem có mối liên hệ nào giữa người cướp và người cố ý gây thương tích", luật sư Thông khẳng định.

Video: Vượt xe buýt bất thành, nam thanh niên đi xe máy suýt mất mạng

Minh Tuấn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ban-tin-113-online/ke-danh-gay-chan-hiep-si-bat-cuop-o-binh-duong-doi-dien-muc-an-nao-ar550409.html