Kể chuyện lịch sử bằng tem bưu chính

Câu chuyện lịch sử của 43 năm trước (Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975) đang được kể lại tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - bằng những hình ảnh trên con tem và hiện vật tại căn hầm Tổng hành dinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ – hầm D67.

Dấu ấn ngày 30/4 qua những con tem

Những con tem bưu chính thời kỳ trong và sau chiến tranh, không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ vận chuyển thư, nó còn mang trong mình ý nghĩa lịch sử khi truyền tải những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc trong ngày vui đại thắng... Ví như: Bộ tem tiến công 1975 ghi lại 3 mốc chiến công quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Giải phóng Buôn Mê Thuột (12/3/1975); Giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975); Giải phóng Sài Gòn (30/4/1975). Bộ tem gồm 6 mẫu nhưng được sử dụng 3 mẫu thiết kế hình ảnh của 3 sự kiện, được in lặp lại theo 2 mệnh giá khác nhau.

Bộ tem 514: Kỷ niệm những ngày lịch sử (4 mẫu - phát hành năm 1987) gồm 4 mẫu, do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thiết kế đã đoạt giải tại cuộc thi vẽ mẫu tem do Bưu điện Việt Nam tổ chức. Bộ tem này nhắc nhớ đến những mốc son lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam: Ngày 19/8/1945 - Cách mạng tháng Tám thành công, chiếm Phủ Khâm sai; Ngày 2/9/1945, ngày Quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử; Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries; Ngày 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn, xe tăng bộ đội tiến vào dinh Độc Lập kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn rất nhiều bộ sưu tập tem bưu chính kỷ niệm cho ngày 30/4/1975 cũng như các tem bưu chính mang tính chất tuyên truyền cổ vũ phong trào “Ba đảm đang, ba sẵn sàng” trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta. Như trao đổi của ông Nguyễn Quang Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội: “Triển lãm nhằm tái hiện lại không khí tại Sài Gòn và Thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975”.
Nơi ra đời những quyết định lịch sử
Triển lãm “Ngày Thống nhất đất nước” diễn ra tại nhà D67, hay còn được gọi là Tổng hành dinh, là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư. Đây cũng là nơi cho ra đời nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, chính tại nơi này trong hai năm 1974 - 1975, Bộ Chính trị đã họp hội nghị mở rộng để đi đến quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại tình hình lúc đó, Trung tướng Trần Quang Khánh - nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam bồi hồi: “Sau khi giải phóng xong Điện Biên Phủ, năm 1955 bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tôi còn nhớ như in, lúc đó Quân ủy T.Ư đã có ngay những cuộc họp bàn về việc tiếp quản những vùng mới giải phóng và tìm cách thống nhất đất nước”. Cũng trong căn hầm D67, Quân ủy T.Ư đã đưa ra nhiều nhận định sắc bén tại các cuộc họp bàn về việc bảo vệ miền Bắc khỏi chiến tranh phá hoại và đồng thời đẩy mạnh kháng chiến ở miền Nam.
“Đúng như dự đoán, năm 1972 Mỹ đã đánh ra miền Bắc, tăng cường chiến tranh phá hoại. Đến năm 1973 - 1974 địch đánh ra đường 9 Nam Lào. Tại căn hầm D67, T.Ư tổ chức hội nghị quyết định tiến công giải phóng miền Nam. Cuối cùng, Quân ủy T.Ư đã đi đến quyết định trong năm 1975 sẽ mở cuộc tiến công lớn giải phóng miền Nam lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh” - Trung tướng Trần Quang Khánh nhớ lại.
Thông điệp về tinh thần yêu nước
Căn hầm D67 vẫn còn vẹn nguyên các hiện vật, khung cảnh của Tổng hành dinh ngày nào. Nơi đây lại một lần nữa là nơi để những nhân chứng lịch sử gợi nhớ về những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng, đúng thời điểm, thời cơ để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi sau này. Khi có dịp quay lại căn hầm D67, các cựu chiến sĩ cách mạng năm xưa không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại những dấu mốc hào hùng ấy. Thượng tá Trần Văn Thực - nguyên cán bộ cơ quan Binh chủng Thông tin chia sẻ, nhiệm vụ giải phóng miền Nam là điều mong ước lớn nhất lúc bấy giờ. Nhưng theo suy tính ban đầu của quân đội ta, việc giải phóng phải kéo dài trong hai năm 1975 và 1976. Tuy nhiên, năm 1975, quân ta đã chiến thắng.
Căn hầm D67 đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời chiến và hiện nay nó đang mang trong mình một sứ mệnh mới, là nơi truyền đi thông điệp về tinh thần yêu nước. Đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay, cần tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.

Phạm Quý

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ke-chuyen-lich-su-bang-tem-buu-chinh-315240.html