Kẻ chặt đầu hàng xóm, chém lìa tay công an đối diện hình phạt nào?

Luật sư phân tích, nếu theo kết quả điều tra ban đầu, hành vi của Tâm đã đủ yếu tố cấu thành tội 'Giết người' và tội 'Chống người thi hành công vụ'. Hình phạt cho hai tội này là rất nặng.

Như Dân Việt đã thông tin, chiều ngày (8.4), Đại tá Nguyễn Chí Công - Trưởng Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, đơn vị này vừa bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thanh Tâm (48 tuổi, trú khóm 3, phường 3, TP Sa Đéc) để điều tra.

Trước đó, vào khoảng 17h50 ngày 7.4, phía Công an nhận được tin báo tại số nhà 72/8, đường Vườn Hồng, khóm 3 có một thi thể bị chặt đầu. Nạn nhân được xác định là người hàng xóm của Tâm tên là Hồ Thanh Nhàn (59 tuổi).

Nghi phạm Nguyễn Thanh Tâm.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, lực lượng Công an xác định Tâm là nghi phạm trong vụ án này nên mời về trụ sở làm việc, tuy nhiên nghi phạm này không chấp hành.

Khi phát hiện lực lượng công an, nghi phạm liền cầm 2 con dao đóng cửa cố thủ trong nhà, đến khi lực lượng công an xông vào bắt giữ thì nghi phạm dùng dao chống trả khiến Trung tá Phạm Văn Minh - Trưởng Công an phường 3 bị chém đứt lìa đốt ngón tay út và áp út cùng 1 vết thương sâu vào bắp tay phải.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi của của Tâm là man rợ, cần phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Theo luật sư Hòe, để kết luận chính xác về tội danh và hình phạt thì cần phải điều tra một cách toàn diện, làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của nghi phạm cũng như xác định có yếu tố lỗi của nạn nhân hay không?.

Tuy nhiên, nếu theo kết quả điều tra ban đầu, có thể thấy, hành vi của nghi phạm Tâm đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 và tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 BLHS 2015.

“Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân giết chết nạn nhân Nhàn là do nạn nhân đi vào vườn đất nhà của Tâm không xin phép nên hắn tức giận chém chết rồi chặt đầu nhằm phi tang.

Nhà của nghi phạm Tâm.

Hành vi này quá man rợ, có thể bị truy cứu theo khoản 1 Điều 123 BLHS về tội “Giết người” vì thỏa mãn tình tiết định khung quy định tại điểm i và điểm n của điều luật này. Nếu ai vi phạm điều luật này có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Hòe thông tin.

Đối với hành vi chém trung tá công an của Tâm, luật sư Hòe cho rằng, hành vi này cũng đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 330 BLHS. Với tội này, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt theo quy định tại khoản 1 điều luật là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, luật sư Trương Quốc Hòe cũng phân tích thêm, tội “Chống người thi hành công vụ” không quy định về hậu quả mà chỉ cần người phạm tội có các hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật” là đã cấu thành tội phạm.

Trong vụ án này, hành vi của Tâm đã gây ra hậu quả là làm cho trung tá Minh bị thương. Chính vì vậy, theo quan điểm của luật sư, trung tá Minh cần làm thêm một bước là giám định tỷ lệ thương tật.

Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11%, nghi phạm có thể vẫn bị truy cứu về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Còn nếu tỷ lệ thương tật trên 11% thì cần truy cứu về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ phù hợp hơn.

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/ke-chat-dau-hang-xom-chem-lia-tay-cong-an-doi-dien-hinh-phat-nao-864702.html