Kẻ cầm dao bầu chém chết 3 người ở Bạc Liêu sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu...

Nếu kết quả giám định trước, trong, và sau khi gây án đối tượng được xác định bị tâm thần thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Giết người' theo Điều 123 - Bộ luật Hình sự 2015

Tình trạng người tâm thần gây án không còn xa lạ ở nước ta. Nó đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề và đau đớn cho chính thân nhân của họ và cho xã hội...

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ người tâm thần gây trọng án. Có thể kể tới vụ người mẹ trẻ siết cổ con trai và cháu ruột đến chết xảy ra vào ngày 20-7 tại Khu đô thị xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội); vụ người đàn ông tâm thần giết cha đẻ, vợ và con gái xảy ra vào ngày 22-7 tại thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, Bình Định hay vụ vụ bệnh nhân tâm thần Thạch Sà Khêl (35 tuổi, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cầm dao bầu truy sát nhiều người ở ấp Đay Tà Ni, khiến nhiều người thương vong vào ngày 24-7;... là những vụ án mới nhất về người tâm thần gây án gây rúng động dư luận…

Đã có rất nhiều vụ việc người bị bệnh tâm thần gây ra trọng án, vậy hình thức xử lý căn cứ theo các quy định của pháp luật như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh (VPLS Hoàng Huy) cho biết, pháp luật Việt Nam quy định về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, khi xảy ra vụ án:

- Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Khi xác định có dấu hiệu tội phạm” căn cứ theo Điều 143 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015; và “Khi có đủ căn cứ xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can” theo Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

- Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định đối tượng đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra: Quyết định trưng cầu giám định theo Điều 205 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 02 trường hợp:

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể được xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra theo điểm b, khoản 1, Điều 229 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Tình trạng người tâm thần gây án gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề và đau đớn cho chính thân nhân của họ và cho xã hội...

Về trách nhiệm dân sự: Trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có gây ra thiệt hại thì người giám hộ của người bị bệnh nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

Trong vụ án mới nhất xảy ra ngày 24-7, Đại tá Trần Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết ngày 26-7, Cơ quan điều tra đưa Thạch Sà Khêl đi giám định tâm thần. Nếu kết quả giám định trước, trong, và sau khi gây án đối tượng được xác định bị tâm thần thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 - Bộ luật Hình sự 2015

Những án mạng thương tâm xảy ra mà người gây án là người tâm thần cũng đặt ra vấn đề về công tác quản lý người tâm thần ở địa phương. Để giảm thiểu những vụ việc người tâm thần sống trong cộng đồng gây án đòi hỏi vai trò quan trọng nhất từ sự chăm sóc, quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương.

Khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân quá nặng thì sẽ chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý.

Việt Cường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/xu-ly-nguoi-bi-tam-than-gay-ra-trong-an-the-nao-503763/