Karate Việt Nam - Đường đi chưa hết gập ghềnh

Chiến dịch chuẩn bị cho ASIAD 2018 và Olympic 2020 của đội tuyển karate Việt Nam nhận thêm động lực sau tấm Huy chương đồng của võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan tại Giải Karate K1 - 2018 vừa diễn ra tại Hà Lan. Tuy nhiên, với karate Việt Nam, hiện vẫn còn không ít vấn đề băn khoăn cần nhìn nhận, giải quyết để có thể tận dụng tối đa cơ hội thành công tại đấu trường Olympic và châu lục.

Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư trọng điểm đã rõ tính hiệu quả khi nguồn kinh phí dành cho thể thao có hạn. Với nhiều môn thể thao, khâu xã hội hóa không được thực hiện tốt nên các vận động viên đội tuyển quốc gia hoàn toàn phải trông vào nguồn kinh phí nhà nước mà karate là ví dụ điển hình. Đến lúc này, Liên đoàn Karate Việt Nam vẫn chưa ra đời dù được thai nghén đã lâu.

Đó là điều gây ngạc nhiên bởi karate là môn thể thao thế mạnh, từng mang về 4 Huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại ba kỳ ASIAD (năm 2002, 2006, 2010) và có vận động viên Nguyễn Hoàng Ngân từng giành chức vô địch thế giới. Điều đó thể hiện nguồn tiềm năng dồi dào của môn thể thao này tại Việt Nam.

Karate đã được đưa vào chương trình thi đấu Olympic 2020, có nghĩa vị thế của môn thể thao này được nâng lên một bước, nhất là khi nhà quản lý thể thao đã tính tới cơ hội giành huy chương Olympic. Tuy nhiên, muốn hoàn thành mục tiêu đó thì việc đầu tiên phải làm là giành vé trực tiếp tham dự Olympic. Để hiện thực hóa, ngành Thể thao đã quyết định đầu tư cho Nguyễn Thị Ngoan (Quân đội) sau khi nữ võ sĩ này cho thấy sự phát triển ổn định qua các giải trẻ thế giới, châu lục.

Vấn đề là nguồn kinh phí của Tổng cục Thể dục thể thao dành cho môn karate vẫn không hơn so với trước khi môn thể thao này được góp mặt ở đấu trường Olympic. Vậy là lại phải “liệu cơm gắp mắm” và tìm nguồn kinh phí để vận động viên có thêm điều kiện tập luyện, thi đấu hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Olympic 2020 cũng như tranh chấp Huy chương vàng ASIAD 2018.

Đơn vị chủ quản của Nguyễn Thị Ngoan quyết định chia sẻ gánh nặng tài chính với bộ môn, giúp cô được dự ít nhất 6-8 giải quốc tế/năm (nhiều gấp 3 lần so với các vận động viên cùng đội tuyển) nhằm tích điểm để lọt vào nhóm 10 võ sĩ hàng đầu thế giới - đồng nghĩa với việc giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2020. Khoản đầu tư vào khoảng hơn 1 tỷ đồng/ năm và đó là khoản chi bắt buộc để bảo đảm cho vận động viên được thi đấu quốc tế.

Nhờ được đầu tư, Nguyễn Thị Ngoan có sự phát triển nhanh chóng về chuyên môn. Cô là võ sĩ karate đối kháng đầu tiên của Việt Nam giành ngôi vô địch giải đấu thuộc hệ thống K1 của karate thế giới vào tháng 9-2017, rồi có mặt trong nhóm 10 võ sĩ dẫn đầu thế giới ở hạng 61kg nữ. Đến giải K1 tại Hà Lan vừa qua, Nguyễn Thị Ngoan giành vị trí thứ ba, củng cố vị trí trong nhóm 10 võ sĩ hàng đầu thế giới.

Nhưng, như ông Vũ Sơn Hà - Trưởng bộ môn karate (Tổng cục Thể dục thể thao) nói: “Dù đã đạt được thành công ban đầu song Nguyễn Thị Ngoan vẫn cần được đầu tư nhiều hơn. Võ sĩ này vẫn cần được thi đấu quốc tế nhiều hơn, cũng như cần một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế đặc biệt”.

Không phải ngẫu nhiên khi trong các cuộc gặp với lãnh đạo ngành Thể thao gần đây, Ban huấn luyện đội tuyển karate quốc gia luôn đề cập đến việc đầu tư trang thiết bị tập luyện cho vận động viên để cải thiện sức mạnh, tốc độ… cũng như chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế chuyên biệt. Kinh phí nhà nước khó đáp ứng nhu cầu, nên người trong cuộc càng có lý do chờ đợi sự ra đời của Liên đoàn Karate Việt Nam, qua đó thúc đẩy khâu xã hội hóa nhằm hỗ trợ tốt hơn cho những võ sĩ hàng đầu.

Rõ ràng là còn nhiều việc cần giải quyết để karate Việt Nam có thể hoàn thành nhiệm vụ tại ASIAD 2018 và vòng loại Olympic 2020.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/897547/karate-viet-nam---duong-di-chua-het-gap-ghenh