Karaoke quấy rối làng xóm

Karaoke vốn là món ăn tinh thần của nhiều người trong những dịp đặc biệt, nhưng hiện tại đã vô tình trở thành một loại hình tra tấn người khác.

Một đám tiệc, chỉ cần dàn loa, micro kết nối phần mềm karaoke trên điện thoại di động, là đủ hành hạ làng xóm . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một đám tiệc, chỉ cần dàn loa, micro kết nối phần mềm karaoke trên điện thoại di động, là đủ hành hạ làng xóm . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Gọi đò ơi, gọi đò ơi... ai đưa tôi qua đò, ơi hỡi đò ơi…”, mới 5 giờ sáng, giọng ca “vàng” karaoke từ nhà hàng xóm đã réo rắt “gọi đò” thẳng vào cửa sổ nhà chị T.D. (40 tuổi, đường Võ Trường Toản, quận Bình Thạnh, TPHCM) khiến cả hai vợ chồng chị không sao ngủ được. Từ trước Tết Nguyên đán tới giờ, karaoke đang thật sự là nỗi ám ảnh của các khu dân cư.

Người người, nhà nhà mê làm ca sĩ

Chị D. gọi xóm gần nhà mình là xóm “ca lẻ”, bởi xóm này hầu như ai cũng mê hát karaoke. Kể về xóm “ca lẻ”, chị D. lắc đầu ngao ngán: “Xóm này ca dữ lắm, ưng giờ nào ca giờ đó. Khổ cái là quá nhiều nhà và người cùng ca, mà làm gì có phòng cách âm… nên cả xóm “phục vụ” nhau nguyên ngày luôn. Họ ca đủ thể loại, từ nhạc tiền chiến, bolero, vọng cổ, nhạc trẻ đến cả remix cũng chơi tới. Có người bài nào cũng ca nhưng không biết giai điệu, thành ra làm khổ người nghe”.

Nhà chị D. và một số nhà khác trong khu cũng tặc lưỡi, thôi vài ba ngày tết ráng chịu đựng, qua tết chắc bớt. Ai dè, tình hình chuyển biến theo một cách khác. “Sau tết, 5 giờ sáng đang ngủ, tui giựt mình nghe hàng xóm mở karaoke hát. Dù âm thanh có vặn nhỏ so với hồi tết nhưng vẫn chĩa qua cửa sổ nhà tui như thường. Đến 7 giờ bên đó lục đục đi làm thì tắt hẳn tiếng ca, cả nhà tui nhẹ nhõm. Ai ngờ, khi bà con nhà bên bển đi làm về, cơm nước xong lại lôi nhau ra ca tiếp. Hết tết chưa phải là hết karaoke nha”, chị D. kể.

Ngay tại quận 1, tình hình karaoke tại gia thiếu ý thức cũng không thiếu khi ai cũng thích làm ca sĩ. Chị Phạm Thị Thanh Tr. (ngụ phường Nguyễn Thái Bình) kể: Con hẻm trên đường Ký Con gần nhà tui có mấy nhà đặc biệt thích hát buổi trưa. Cứ đúng giờ cơm, giấc ngủ trưa là mở karaoke lên hát. Mà con hẻm nhỏ chút xíu, hai ba nhà cùng hát cứ như đang choảng nhau, ca sĩ tại gia lại “có thù” với âm nhạc nữa nên kinh khủng lắm. Một số nhà khác bức xúc, trả đũa lại bằng cách mở loa karaoke rồi rống to hơn bên kia. Cứ vậy riết làm ồn nguyên xóm, ăn cơm hết thấy ngon, ngủ cũng không xong…”.

Tại khu vực vùng ven và ngoại thành, karaoke còn lên ngôi mạnh mẽ hơn. Không chỉ là hát với dàn karaoke trong nhà mà nhiều người mạnh tay chi tiền thuê trọn bộ karaoke hiện đại, từ dàn âm thanh, loa kẹo kéo, màn hình karaoke cỡ lớn, micro không dây, karaoke bluetooth… hay dàn nhạc sống. “Cứ tới cuối tuần, từ chiều thứ sáu trở đi, con hẻm chừng hơn 50m dẫn vào khu nhà trọ nơi gia đình tôi đang thuê có tới hai đến ba tụ điểm cuồng hát. Có khi họ hát từ sáng tới chiều mới hãi. Đóng cửa kín mít vẫn không thể nào thoát được thứ âm nhạc hỗn tạp đó”, anh Hoàng Tâm (ngụ quận 9) lắc đầu kể.

Trước đây, dân cư các xóm trọ cuồng hát đã đành, nay dân cư tại các chung cư cũng mê karaoke không kém. Chị Võ Thị T.N. (chung cư A.B tại khu vực giáp ranh Dĩ An, Bình Dương với quận Thủ Đức) kể: “Hai ba người, thậm chí một người họ cũng mở máy lên hát. Điên cái đầu!”.

Dọn nhà, mất mạng vì karaoke

“Thứ bảy họp lớp nha mọi người. Sau khi ăn trưa xong tụi mình đi karaoke tới tối luôn nha. Không say không về…”. Đọc xong lời kêu gọi họp lớp đầu năm của lớp trưởng nhắn trên trang Facebook của lớp, anh Nguyễn Thanh Tý (29 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) năn nỉ ngay: “Ê, nói nghe, bỏ qua tiết mục karaoke được không mấy bạn? Kiếm quán cà phê nào đó rồi tụi mình nói chuyện vì cả năm rồi mới gặp nhau. Họp lớp mà rủ đi karaoke là tui nhất quyết không đi đó. Không có màn tra tấn kinh dị nào hơn, vào đó ai hát ai nghe? Ở xóm tui, tui bị tra tấn đủ lắm rồi…”. Và rút cuộc, anh Tý đã nghỉ họp lớp vì các bạn nữ quá “cuồng hát”, không chịu từ bỏ tiết mục karaoke.

Còn trường hợp anh Hoàng Tâm, từ ngày có gia đình gần bên cách tuần thuê hẳn dàn nhạc sống với mấy cái loa to tướng xoay ra đủ hướng, rồi thì bạn bè không biết đâu tới hát karaoke từ 5 giờ chiều tới hơn 10 giờ đêm, thậm chí chặn hẳn một phần con hẻm để ngồi hát và ăn uống... anh bảo chỉ muốn ra hẻm đập banh chành. “Cũng có góp ý mấy lần mà thấy không chuyển biến, có nhiêu đó mà đôi co hoài nên sau tết là tôi chuyển nhà trọ luôn”, anh Tâm nói.

Mới đây đã có người mất mạng từ việc hát karaoke kém ý thức. Đó là trường hợp ông Nguyễn Minh Ph. (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cùng vài người sau khi nhậu xong kéo nhau về nhà ông Th. cùng xóm để hát karaoke. Lúc này, ông Nguyễn Viết Lộc (hàng xóm ông Th.) cũng vừa đi nhậu về cần nghỉ ngơi. Thấy nhà ông Th. hát karaoke quá lớn, ông Lộc qua yêu cầu hát nhỏ lại thì hai bên đôi co. Bức xúc, ông Lộc xách dao qua nhà ông Th. đâm chết ông Ph.

Tác hại của hát karaoke kém ý thức nhiều vô kể. Tuy nhiên, không ít người vẫn cuồng hát. Đâu riêng ngày tết, lễ lạt, họp mặt mà ngày thường cứ thích là hát thôi. Nhất là bây giờ, khi công nghệ lên ngôi, nào dàn máy karaoke, nào dàn loa di động công suất lớn (loa kẹo kéo), rồi thì micro di động với cả loa và micro bluetooth…, ôi thôi, hát bất chấp ở đâu, giờ nào, đến nhà có đám tang cũng karaoke, nhạc sống luôn! Thậm chí, dịch vụ cho thuê dàn nhạc karaoke công suất lớn cũng đến tận thôn xóm.

Karaoke vốn là món ăn tinh thần của nhiều người trong những dịp đặc biệt, nhưng hiện tại đã vô tình trở thành một loại hình tra tấn người khác. Việc hát karaoke không có gì sai nhưng hát ở đâu, hát lúc nào, âm lượng ra sao, giờ đã trở thành điều quan trọng, bởi không khéo có ngày… mất mạng như chơi!

Khó xử phạt người dân hát karaoke bằng loa di động

Theo luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn - Tây Nguyên, hiện nay pháp luật nước ta có nhiều quy định về xử phạt tiếng ồn, như tại Điều 6 Nghị định 167/2913 NĐ-CP của Chính phủ, quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Mức xử phạt sẽ tăng lên đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức gây ra tiếng ồn có thực hiện hoạt động kinh doanh, với mức phạt cao nhất là 160 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh, tùy theo mức độ tiếng ồn đo được. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt các cá nhân, gia đình sử dụng loa di động, loa kéo cũng không đơn giản. Loại hình giải trí này thường được người dân sử dụng vào ngày nghỉ hoặc buổi tối trước 22 giờ.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết, vài năm nay, loa kéo, loa di động phục vụ nhu cầu hát karaoke của người dân xuất hiện ở khắp nơi. Pháp luật có chế tài với hành vi này nhưng để có cơ sở xử phạt theo quy định của pháp luật về vi phạm tiếng ồn thì phải thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, đo mức độ tiếng ồn, xác định tính chất ở từng điểm gây ồn. Trong khi đó, phường không có thiết bị và chuyên môn… nên rất phức tạp.

Tại TPHCM, vào giữa tháng 12-2017, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đã chỉ đạo Công an TPHCM, Sở TN-MT và UBND các quận, huyện kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý mọi vi phạm quy định về tiếng ồn trên địa bàn TP. Sau đó, Sở TN-MT đã công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh gây ồn từ người dân. Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều người dân cho biết, cá nhân, gia đình thường sử dụng loa di động để hát karaoke vào buổi tối hoặc ngày nghỉ, nhưng khi họ phản ánh qua số điện thoại 08.38293653 (đường dây nóng của sở) thì thường xuyên không có người bắt máy. Nên chăng cần thiết lập hệ thống tổng đài hoặc đường dây nóng bằng số điện thoại di động để người dân phản ánh mọi thông tin liên quan đến hoạt động giải trí, kinh doanh gây ồn mọi lúc, mọi nơi chứ không riêng gì chỉ phản ánh hát karaoke gây ồn trong khu dân cư.

HẢI THU

CA DAO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/karaoke-quay-roi-lang-xom-503923.html