Karaoke box: Hộp nhỏ, tiền to

Mô hình thu hút giới trẻ đam mê ca hát...

8 giờ tối tại trung tâm thương mại ở quận 2, Thu Hà (19 tuổi) và em gái bắt đầu bước vào 2 phòng karaoke box rộng khoảng 2m2 để nuôi giấc mơ làm ca sĩ. Đây là mô hình hát karaoke được du nhập từ Hàn Quốc vào Việt Nam và được giới trẻ khá ủng hộ.

Cứ khoảng 2 tuần Hà sẽ đến đây để mua xu hát vì giá khá rẻ so với hát karaoke thông thường. Trung bình một buổi tối chỉ tốn khoảng 100.000 đồng/người. Hà cho biết, mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với hát karaoke truyền thống mà lại tiện lợi và thoải mái.

So với phòng hát truyền thống, Hà không phải đặt phòng trước cũng như không phải tốn kém cho các khoản phí khác như đồ uống, trái cây và các món ăn vặt. Không cố định vị trí, Hà cho biết, nhiều lúc chờ đến xuất xem phim cũng có thể chui vô mấy cái “hộp hát” này tại mấy rạp phim để ca vài bài.

Mặc dù đã có gia đình nhưng vì không có nhiều thời gian lại tiện vì gần nhà, chị Diễm Trang (30 tuổi, Tân Bình) cũng ghé karaoke box. “Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng mua xu thì có hể hát đến 10 bài là đủ mệt và giải tỏa stress rồi”, chị Trang chia sẻ. Theo Trang, mô hình karaoke box rẻ, tự do hát không ảnh hưởng ai dù đôi khi còn cảm giác chật chội. “Tuy nhiên, đó là quãng thời gian tôi dành cho riêng mình một cách thoải mái nhất”, chị Trang đánh giá về mô hình giải trí này.

Karaoke box là một phòng hát mini khoảng 1,5-2m2, cao hơn 2m, trong đó được trang bị các thiết bị như dàn âm thành, micro, màn hình cảm ứng kết nối mạng internet, 2 cái ghế. Phòng hát được cách âm và có máy điều hòa. Muốn sử dụng máy, khách mua xu sau đó bỏ vào. Mỗi xu có giá từ 3.000-5.000 đồng sẽ được hát trong 3-3,5 phút. Theo quản lý của trung tâm thương mại quận 2, mô hình karake box thu hút khá nhiều bạn trẻ. Thậm chí, phòng hát nhỏ này còn hấp dẫn cả du khách nước ngoài.

Hiện có nhiều nhà cung cấp và trang thiết bị lắp đặt cho mô hình karaoke box, trung bình vốn đầu tư lắp đặt mỗi box khoảng 30 triệu đồng. Một nhà đầu tư karaoke box cho biết doanh thu mỗi tháng từ 20-30 triệu đồng, tùy từng địa điểm. Tuy nhiên, không phải box karaoke nào cũng đắt khách. Khác với mô hình chuỗi dịch vụ khác, kinh doanh karaoke box phần vốn lớn nhất nằm ở chi phí thuê địa điểm ở các trung tâm thương mại.

Thực tế, vài năm trở lại đây, các mô hình hát kẹo kéo, karaoke box... làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các phòng karaoke truyền thống. Nhiều quán karaoke phải thay đổi công nghệ thường xuyên để theo kịp thị trường.

Câu chuyện của Công ty Maseco là một ví dụ. Thương hiệu Arirang của Maseco gồm các sản phẩm như đầu karaoke kỹ thuật số, ampli, loa, TV... rất nổi tiếng và quen thuộc với các phòng karaoke ở Việt Nam. Nhưng trước sự xuất hiện của internet cùng nền tảng kỹ thuật số đã khiến thương hiệu giảm đi sức hút. Mặc dù Maseco đã tích cực thay đổi công nghệ nhưng vẫn không hiệu quả.

Báo cáo trước cổ đông tại đại hội đầu năm 2019, lãnh đạo Maseco cho biết ngành kinh doanh điện tử có doanh số tiêu thụ sụt giảm nhiều nhất trong năm qua. Bằng chứng cho thấy nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Maseco chỉ đạt 127 tỉ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu, cụ thể giá vốn là 162 tỉ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Maseco âm 34 tỉ đồng, gấp đôi mức lỗ nửa đầu năm 2018.

Trào lưu kinh doanh karaoke mini thu hút các nhà đầu tư ở quy mô lớn hơn. Đặc biệt khi mô hình này đã thành công ở Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo Công ty nghiên cứu iMedia, giá trị của thị trường karaoke mini ở Trung Quốc đạt 3,18 tỉ nhân dân tệ (khoảng 473 triệu USD) năm nay, gần gấp đôi năm ngoái.

Tại Việt Nam, cuối năm 2017, Công ty Cổ phần SMCorp chuyên cung cấp thiết bị ngành karaoke bắt tay phát triển dự án Okara Studio. Sau 2 năm, đơn vị này có hơn 100 địa điểm khắp cả nước. Thậm chí, đơn vị chuyên phát triển hệ thống nhà hàng karaoke là ICOOL, sau hơn 1 năm cũng phát triển được 50 địa điểm đặt các karaoke box tại trung tâm thương mại.

Một đơn vị khác là doanh nghiệp ngành game Gold Game cũng tham gia kinh doanh dịch vụ karaoke box bên cạnh các khu vui chơi ở các trung tâm thương mại. Buồng karaoke mini là mô hình hợp tác giữa nhà bán lẻ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Doanh nghiệp có thêm một kênh tiếp cận khách hàng, còn nhà bán lẻ thì có thể tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng.

Bên cạnh phòng karaoke mini, một số đơn vị còn triển khai mô hình phòng thu di động. Đến đây, khách hàng không chỉ hát, thu âm mà còn có thể thu hình để tự tạo cho mình những video ca nhạc theo ý muốn với hiệu ứng, phông nền bài hát.

Một doanh nghiệp phát triển các công nghệ cho karaoke là Hanet Electronics Việt Nam đã đầu tư phòng tạo MV di động có tên gọi Lizks Studio, đồng thời hợp tác kinh doanh nhượng quyền. Phí phòng thu tính theo gói từ 20.000 đồng với 10 phút đến 100.000 đồng với 60 phút hát.

Người dùng nạp tiền trực tiếp hoặc thanh toán qua ứng dụng. Sau khi hát xong, kết thúc bài hát người dùng sẽ nhận file ghi âm giọng hát qua số điện thoại hoặc ứng dụng. Bên cạnh đó, Hanet cũng phát triển mạng xã hội ca hát để người dùng chia sẻ các bản thu âm, MV ca nhạc của mình. Trên diễn đàn của ICOOL, ngoài các thành phố lớn, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, miền Tây... cũng đang quan tâm và chờ mô hình này về tỉnh

Ngọc Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/karaoke-box-hop-nho-tien-to-3331713/