Người phụ nữ gốc Nam Á 'phá trần' trong cuộc đua bầu cử Mỹ

Một ngôi sao của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris được báo chí Mỹ đồng loạt đánh giá là 'người mở đường', 'người phá vỡ rào cản' trong hầu hết sự nghiệp của mình.

Cha mẹ của bà là người nhập cư vào Mỹ - cha đến từ Jamaica, mẹ đến từ Ấn Độ. Bà là phụ nữ da đen đầu tiên trở thành tổng chưởng lý (người đứng đầu ngành công tố) của California - bang lớn nhất nước Mỹ. Đến năm 2016, khi trở thành thượng nghị sĩ California, bà mới chỉ là phụ nữ da đen thứ hai - và người đầu tiên gốc Nam Á - trong lịch sử Thượng viện Mỹ.

Giờ đây, bà Harris, 55 tuổi, lại trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được chọn tranh cử phó tổng thống Mỹ đại diện một đảng chính trị lớn - một quyết định mang tính lịch sử của ông Joe Biden.

 Thượng nghị sĩ Kamala dành cả sự nghiệp làm công tố viên, sau đó vào thượng viện, và được coi là ngôi sao của đảng Dân chủ, đại diện cho tương lai đa sắc tộc của nước Mỹ. Ảnh: New York Times.

Thượng nghị sĩ Kamala dành cả sự nghiệp làm công tố viên, sau đó vào thượng viện, và được coi là ngôi sao của đảng Dân chủ, đại diện cho tương lai đa sắc tộc của nước Mỹ. Ảnh: New York Times.

Sự trẻ trung cho chiến dịch

Nhưng đồng thời, về nhiều mặt, đó cũng là quyết định không quá bất ngờ.

Ông Biden, 77 tuổi, đã lựa chọn một thượng nghị sĩ đang là ngôi sao của đảng Dân chủ, trẻ tuổi, và đem lại sự cân bằng về tuổi tác cũng như vùng miền với chính ông (ông Biden đến từ bờ Đông, bà Harris nổi bật ở bờ Tây nước Mỹ). Bà được cho là sẽ đem tới sức trẻ, thu hút cử tri trẻ và tạo ra sự hưng phấn mới cho chiến dịch của ông Biden vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Hơn nữa, hai người đều có chung đường lối chính trị cánh tả ôn hòa, giữa thời điểm mà phong trào cánh tả cấp tiến đang được đà trong đảng Dân chủ, đòi hỏi những thay đổi hoàn toàn, khác xa hiện tại.

Bà Harris thể hiện mình là người luôn sẵn sàng đấu tranh. Bà nổi tiếng nhờ những màn chất vấn dồn dập, quyết liệt ở Thượng viện. Bà là người chỉ trích Tổng thống Trump vào dạng mạnh mẽ nhất. Bà cũng là đối thủ chính chống lại ông Biden khi tranh cử sơ bộ - nhưng giờ đây chiến dịch ông Biden nói ông không còn “để bụng” những điều đó.

“Tôi quyết định trở thành công tố viên vì tôi tin rằng có những người yếu thế, không có tiếng nói nhưng xứng đáng có tiếng nói trong hệ thống”, bà Harris từng nói.

Dấu ấn những phiên điều trần

Bà Kamala Harris sinh ra ở Oakland, nhưng lớn lên ở Berkeley, bang California, cùng chị gái và người mẹ đơn thân của họ.

Stacey Johnson-Batiste, một người bạn khi nhỏ, nói với CNN rằng bà Harris “như đã sẵn sàng cho thời điểm này từ lâu”, vì đã luôn tự mình đứng lên đòi lợi ích cho mình từ khi còn nhỏ. Bà Johnson-Batiste kể về một lần hồi nhỏ bị một cậu bé giành lấy và phá đồ chơi.

“Cô ta đứng dậy cãi lại cậu bé, bảo vệ cho tôi”, bà nói về bà Harris. “Sau đó cậu bé kia cầm hòn đá hoặc hòn gạch đập vào đầu cô ta, phụ huynh phải tới trường... cô ta là người luôn đứng lên vì những gì cô ta cho là đúng”.

Bà Harris được cho là sẽ đem tới sức trẻ, tạo ra sự hưng phấn mới cho chiến dịch của ông Biden. Ảnh: New York Times.

Bà Harris từng tham gia các hoạt động xã hội liên quan tới tư pháp, như chống buôn bán phụ nữ và vận động trao cơ hội thứ hai, thay vì bản án, cho các phụ nữ phạm tội nhẹ, theo CNN.

Ở tuổi 38, bà Harris bất ngờ đánh bại tổng chưởng lý đương nhiệm của thành phố San Francisco, trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

“Đó là những năm khó khăn trong sự nghiệp của bà”, Debbie Mesloh, cựu cố vấn, nói với CNN.

Bà Harris đã tranh cử với lập trường không ủng hộ án tử hình, vì vậy bà bị chỉ trích gay gắt từ mọi bên khi xảy ra vụ cảnh sát Isaac Espinoza bị bắn chết, làm dư luận phẫn nộ, đòi án tử hình. Bà còn bị Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, rõ ràng có quyền lực hơn hẳn, phê phán ngay tại đám tang của cảnh sát Espinoza.

“Bà ta thực sự đơn độc trong vụ đó, nhưng lập trường của bà vẫn không đổi”, cựu cố vấn Mesloh nói thêm.

Trúng cử dễ dàng vào Thượng viện năm 2016, vì nghị sĩ đương nhiệm không tái tranh cử, bà Harris để lại dấu ấn qua những phiên điều trần, chẳng hạn màn mở đầu gay gắt trong phiên điều trần để phê duyệt Brett Kavanaugh vào chức thẩm phán Tòa Tối cao.

Bà Kamala Harris được biết đến với những câu hỏi quyết liệt trong các phiên điều trần. Ảnh: New York Times.

Ông Jeff Sessions khi bị bà chất vấn cho chức bộ trưởng Tư pháp thậm chí còn nói: “Bị hỏi nhanh như thế thì tôi không theo được - nó làm tôi thấy lo lắng”.

“Bà đang nói tới một người cụ thể nào...”, thẩm phán Kavanaugh từng hỏi lại trong phiên chất vấn mình.

“Tôi chỉ hỏi ông một câu hỏi rất đơn giản - có hay không”, bà ngắt lời.

Nhưng bà không để ai ngắt lời mình, luôn nói “tôi chưa hỏi xong” một cách nghiêm khắc. Dày dạn kinh nghiệm công tố viên, bà dường như thích thú các phiên điều trần, và luôn cười tươi ngay cả trong các đoạn tranh luận gay gắt nhất.

Năm 2016, bà Harris trở thành phụ nữ da đen thứ hai được bầu vào Thượng viện. Ảnh: New York Times.

Mạnh mẽ ủng hộ phong trào biểu tình George Floyd

Làm trong Thượng viện được hai năm, thì vào tháng 1/2019, bà tuyên bố tranh cử tổng thống. Dù khởi đầu mạnh mẽ, chiến dịch của bà nhanh chóng mất đà, gặp nhiều trở ngại, chẳng hạn nội bộ chiến dịch mâu thuẫn hay chủ trương không rõ ràng, nhất là về y tế, để rồi phải dừng cuộc đua sớm khi bỏ phiếu sơ bộ còn chưa bắt đầu, theo New York Times.

Quá khứ làm công tố viên cũng là bất lợi, vì bà hiếm khi truy tố những cảnh sát làm chết dân thường. Bà cũng bị nghi ngờ là sẽ chậm cải tổ tư pháp vì là người “từ trong hệ thống”.

Tình cờ, bà Harris để lại dấu ấn với đòn đả kích chính ông Biden, về lập trường trước đây trong vấn đề chủng tộc tại trường học. Đó được coi là cú “knock-out”, đòn tấn công khiến vợ ông Biden cũng phải ví như “đấm thẳng vào bụng” và làm ông Biden bị báo chí chất vấn liên tục sau đó.

Đáng chú ý, khi đó chưa đến lượt bà Harris phát biểu, nhưng bà đã chen vào cuộc tranh luận trên khán đài cả chục ứng viên với câu nói đơn giản: “Là người da đen duy nhất trên bục, để tôi nói về vấn đề chủng tộc”.

Bà Kamala Harris phải dừng tranh cử sớm khi bỏ phiếu sơ bộ còn chưa bắt đầu. Ảnh: New York Times.

Chiến dịch của bà sau đó quảng bá điều này để chứng tỏ bà sẽ không sợ hãi trước kiểu làm chính trị đầy dọa nạt của Tổng thống Trump. Dù vậy, New York Times bình luận bà Harris có thể xuất sắc khi được chuẩn bị trước, nhưng có thể kém hiệu quả nếu phải “tùy cơ ứng biến”, tương tự ông Biden.

Phía ông Biden nói không còn “để bụng” vụ đó. Bà Harris vốn quen nhà Biden từ trước, nhờ làm việc với con trai ông Biden cũng giữ chức tổng chưởng lý ở Delaware.

“Khi Kamala làm tổng chưởng lý, bà ta làm việc chặt chẽ với Beau”, ông Joe Biden viết trên Twitter về bà Harris. “Tôi theo dõi họ cùng chống lại các ngân hàng lớn, đề cao tầng lớp lao động, và bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành... Tôi tự hào có bà Harris trong chiến dịch của mình”.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris bắt tay trong một buổi tranh luận. Ảnh: New York Times.

Gần đây, nhất là sau cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát ở Minneapolis, bà Harris nổi lên là một người vận động mạnh mẽ cho cải tổ cảnh sát và tư pháp ở cả Thượng viện, trên đường phố cùng người biểu tình, cũng như trên truyền thông, theo Reuters.

Bà thường xuyên lên án kịch liệt Tổng thống Trump, gần đây là vụ ông dùng quân đội dẹp người biểu tình để bước tới nhà thờ chụp ảnh.

Mục tiêu và lập trường của bà trở nên rõ hơn nhiều - vốn là điều thiếu sót khi bà tranh cử tổng thống năm ngoái - và như vậy có thể giúp bà vượt qua những chỉ trích là ít buộc tội cảnh sát khi còn làm công tố viên.

Nỗ lực đó nhận được phần thưởng lớn vào đầu tháng này, khi Ben Crump, luật sư của gia đình George Floyd, viết bài bình luận ủng hộ bà làm phó tổng thống, theo Reuters.

Bà Harris có quan hệ với nhiều nhà tài trợ, nghị sĩ và nhà hoạt động, một phần nhờ là thành viên từ hồi đại học của “hội chị em” Alpha Kappa Alpha - một trong những hội nổi tiếng kết nối sinh viên, cựu sinh viên nhiều đại học ở Mỹ - những mạng lưới kiểu vậy đem lại tiền cũng như sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ.

Lựa chọn của ông Biden sẽ có tác động lớn đến tương lai đảng Dân chủ. Nếu họ đắc cử, không ứng viên nào khác có tiếng nói và địa vị như bà Harris, vì các lãnh đạo đảng này ở Nhà Trắng, Thượng viện, Hạ viện đều đã trên 70 tuổi. Bà có sẵn lợi thế để tranh cử tổng thống các kỳ sau.

Trong những tuần cuối của cuộc đua, bà sẽ trở thành mục tiêu đả kích dồn dập của đảng Cộng hòa. Nhưng với quá trình dài luôn là “người chiến đấu” của bà, những tuần tới sẽ không hề dễ dàng với chiến dịch của ông Trump.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-goc-nam-a-pha-tran-trong-cuoc-dua-bau-cu-my-post1118833.html