Kalibr Nga sinh ra từ đâu: Là tên lửa 'gốc Đức'

Nhờ có Phidel Castro và chiến dịch 'Anadyr' mà cả thế giới biết đến vũ khí Xô Viết.

Xin được giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết thú vị của chuyên gia quân sự Nga Viktor Sokirko với tiêu đề và phụ đề trên. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 18/11/2019.

Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga /ТАSS

Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga /ТАSS

Nói chung, không hiểu vì sao mà rất nhiều người tin rằng nước Mỹ nếu không phải là ông tổ thì chí ít cũng là nhà sản xuất tên lửa có cánh (hành trình) chủ yếu trên thế giới.

Vâng, và ngay bản thân thuật ngữ tiếng Anh “cruise missile” nên được dịch chính xác là “tên lửa có cánh” (ở Liên Xô, thuật ngữ chỉ lớp vũ khí này chính thức được dưa vào sử dụng theo một sắc lệnh của Bộ Quốc phòng Liên Xô ngày 30/ 9/1969).

Học viên của hầu hết các trường quân sự Xô Viết khi nghiên cứu các tính năng kỹ- chiến thuật của vũ khí các quốc gia là kẻ thù tiềm năng đã rất ngạc nhiên và thán phục khả năng của các tên lửa “Tomahaw” và “Harpoon” Mỹ- chúng có thể bay ở độ cao cực thấp với tốc độ lớn, và còn có thể bay bám theo địa hình.

Có lẽ, chỉ có những quân nhân phục vụ trong binh chủng Tên lửa Xô Viết mới biết rằng Quân đội Liên Xô cũng có một kiểu vũ khí tương tự- các tên lửa có cánh Liên Xô.

Công tác thiết kế, chế tạo và thử nghiệm trên thực địa tên lửa có cánh Liên Xô được giữ bí mật tuyệt đối. Đến bây giờ thì chúng ta có thể quan sát các đoạn video cảnh phóng "Kalibr" từ Biển Caspian vào các trận địa của chiến binh ở Syria gần như ở chế độ thời gian thực, chứ trong những ngày đó (trước đây), bất kỳ một thông tin nào về tên lửa có cánh đều được đóng dấu "Tối mật" (nói cho đúng thì hiện nay các tính năng kỹ- chiến thuật chính xác của “Kalibr”, chứ chưa nói đến các “Zircon” siêu thanh, cũng vẫn đang được giữ bí mật).

Và lần đầu tiên, khi tên lửa có cánh Xô Viết đã sẵn sàng chờ lệnh phóng là vào năm 1962, khi Liên Xô tiến hành Chiến dịch “Anadyr” và bí mật đưa các hệ thống tên lửa “Meteor” (“Sao băng”) đến Cuba trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Caribe.

Chính những tên lửa này đã trở thành “nhân vật chính” của chiến dịch đặc biệt, tuy vẫn không làm lu mờ vai trò của các hệ thống phòng không S-75, các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa chiến thuật “Luna” (“Mặt Trăng”) và “Sopka” (“Ngọn đồi”).

Tổ hợp “Meteor” (“Sao Băng”) phóng tên lửa có cánh lớp “đất đối đất” độc nhất vô nhị vào thời điểm đó được đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô tháng 3/1957.

Kiểu tên lửa được đưa đến Hòn đảo Tự do (Cuba) khi đó có ký hiệu là FKR-1 (viết tắt tiếng Nga- từ “Tên lửa có cánh chiến trường đầu tiên” và các chữ viết tắt này, để giữ bí mật, đã được giải mã thành "Fidel Kastro Rus-1"- cũng viết tắt là FKR-ND).

Các tính năng kỹ- chiến thuật của nó khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn hiện nay, và dù tầm bắn lúc đầu chỉ 80 km và sau được Tổng công trình sư Vladimir Chelomey nâng lên tới hơn 200 km, nhưng kiểu tên lửa có cánh này cũng đã làm "kẻ thù" khiếp vía vì nó có thể mang đầu tác chiến hạt nhân.

(Xin mở ngoặc ngắn- Vladimir Nikolayevich Chelomey – sinh 30/6/ 1914 tại Siedlec, Ba Lan hiện nay, mất ngày 8/12/1984 tại Matxcova- Liên Xô. Tổng công trình sư kỹ thuật tên lửa- vũ trụ, nhà khoa học lĩnh vực cơ khí và điều khiển học. Hai lần Anh hùng Lao động XHCN (1959, 1963). Giải thưởng Lenin và ba giải thưởng Nhà nước Liên Xô-ND).

Quân đội Mỹ đã đi trước Quân đội Liên Xô trong lĩnh vực tên lửa có cánh, nhưng khoảng cách giữa hai bên không quá lớn. Tên lửa MGM-1 Matador- tên lửa cận âm chiến thuật phóng từ mặt đất đầu tiên của Mỹ có tầm bắn tới 1. 000 km được Quân đội Mỹ đưa vào trang bị năm 1951 (đến năm 1954, những tên lửa này đã được triển khai tại Châu Âu).

Nhưng Liên Xô khi đó cũng đã có các tên lửa có cánh các biến thể khác nhau. Điểm giống nhau ban đầu của các tên lửa có cánh đầu tiên của Liên Xô và của Mỹ- đều có gốc từ “chiến lợi phẩm” – bom bay V-1 thu được của Quân Đức năm 1944.

Và cả hai đồng minh trong liên minh chống Phát xít ở hai bên bờ đại dương khi đó đều dựa vào những nguyên lý cơ bản của bom bay V-1 Đức để chế tạo tên lửa có cánh của mình.

Về sau này, các nhà khoa học Mỹ và Liên Xô mới xây dựng các trường phái kỹ thuật tên lửa riêng và chế tạo những kiểu tên lửa có cánh khác biệt của mình,- nhưng nói chung, tất cả các tên lửa đó đều có “nguồn gốc Đức”.

Cách đây không lâu, “Rosatom” (Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga –ND) vừa mới giải mật một sắc lệnh về việc chế tạo tên lửa có cánh đầu tiên của Liên Xô – đó là sắc lệnh giao nhiệm vụ chế tạo kiểu tên lửa có cánh trang bị cho tàu ngầm, nhưng phóng khi tàu nổi trên mặt nước- tên lửa này được đặt mã số là P-5.

Mệnh lệnh bí mật của Bộ Chế tạo máy hạng trung Liên Xô (thực chất đó là một bộ của chính phủ Liên Xô chịu trách nhiệm về ngành công nghiệp hạt nhân– kể cả sản xuất đầu đạn hạt nhân- Bộ này là tiền thân của “Rosatom” ngày nay- ND) này được ký năm 1955.

Theo đó, Bộ chế tạo máy hạng trung giao Phòng Thiết kế- Thử nghiệm số 52 chế tạo 40 quả đạn cho tổ hợp P-5 để thử nghiệm trên tàu ngầm. Qua nghiên cứu các tàu liệu lưu trữ của “Rosatom”, ta có thể khẳng định rằng P-5 là kiểu tên lửa có cánh phóng từ biển đầu tiên trên thế giới với các cánh tự mở sau khi phóng.

Tên lửa P-5 được đưa vào trang bị cho tàu ngầm năm 1959, còn từ năm 1962, nó bắt đầu trang bị cho các tàu nổi. Nhân tiện xin bổ sung thông tin là các tên lửa “Harpoon” phóng từ tàu ngầm biến thể UGM-84 Mỹ mãi đến năm 1977 mới được đưa vào trang bị, còn tên lửa “Tomahawk” trang bị cho tàu ngầm được Hải quân Mỹ triển khai trực chiến năm 1983.

Tuy nhiên, cũng phải cần nhấn mạnh một ý- Mỹ chỉ tập trung ưu tiên phát triển tên lửa có cánh tầm xa phóng từ trên không (máy bay), chứ không ưu tiên phát triển tên lửa có cánh phóng từ biển (tàu nổi và tàu ngầm).

Tên lửa hành trình P-5 quả thực có thể được gọi là “bà” của “Kalibr”, vì khi chế tạo P-5 các công trình sư Xô Viết khi đó đã ứng dụng rất nhiều những nguyên lý cơ bản mà hiện nay ngành chế tạo tên lửa vẫn đang dùng.

Như nhiều người kể lại, Tổng công trình sư Vladimir Chelomey ngay từ năm 1954 đã có lần mở tung cả hai cánh cửa sổ và nói với các đồng nghiệp rằng “các cánh của tên lửa sẽ được mở ra như vậy khi bay”.

Có nghĩa là, một năm trước khi có lệnh triển khai thiết kế (sắc lệnh như đã nói ở trên-ND), đã có những ý tưởng và nguyên lý cho P-5 trong tương lai, còn sắc lệnh (như đã nói trên) chỉ là một phương tiện pháp lý để chắc chắn đảm bào cung cấp kinh phí và ở một chừng mực nào đó đảm bảo rằng "sản phẩm" sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Và mọi việc đã diễn ra đúng như vậy.

P-5 có những khác biệt rất đáng kể so với tất cả các tên lửa thời kỳ đó, kể cả cả với đối thủ cạnh tranh chính là tên lửa P-10 do Phòng thiết kế Taganrog của Georgy Beriev chế tạo.

Container chứa tên lửa nằm ngang khi tàu ngầm di chuyển, trước khi phóng, nắp được mở và container nâng lên đến góc cần thiết để phóng (15 độ). Động cơ phóng và động cơ hành trình được khởi động ngay trong container, và cánh được mở - sau khi tên lửa đã ra khỏi container. Nhờ vậy, tốc độ bắn tăng lên và giảm được thời gian tàu nổi trên mặt nước (khi đó chưa có công nghệ phóng tên lửa từ dưới mặt nước).

Kết quả là tên lửa có cánh P-5 (theo định danh của NATO - SS-N-3C) đã được đưa vào trang bị và có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất bằng cả đầu đạn bộc phá lẫn đầu đạn hạt nhân. Với trọng lượng phóng là 5,4 tấn, đường kính khoảng 1 mét và chiều dài 10,8 m, tên lửa có tầm bắn 500 km với tốc độ 1.300 km/h.

Kiểu tên lửa này được trang bị cho tàu ngầm diesel-điện dự án 651 (đã có 16 chiếc tàu ngầm dự án này được đưa vào trực chiến). Vào cuối những năm 1980- đầu những năm 1990, những chiếc tàu ngầm dự án trên được thanh lý và các tên lửa có cánh phóng từ biển đầu tiên P-5 được sử dụng làm mục tiêu trên không (cho huấn luyện và diễn tập).

Trong loạt tên lửa dòng này, sau đó lần lượt xuất hiện các tên lửa có cánh hiện đại hóa P-6 trang bị cho hạm đội tàu ngầm, P-35 "Progress"- cho các tàu nổi. Những tên lửa nói trên (P-6 và P-35) đã trở thành loại vũ khí chính cho các tàu hạng nặng Hải quân Liên Xô thời kỳ đó - các tàu tuần dương “Grozny”, “Varyag”, “Đô đốc Fokin”, “Đô đốc Golovko”, cũng như cho một số tàu chống ngầm lớn, sau được cải hoán thành các tàu tuần dương mang tên lửa.

Tuy nhiên, thời thế thay đổi và hạm đội tàu ngầm cần loại vũ khí mới - tên lửa có cánh phóng khi tàu ngầm đang lặn sâu dưới biển.

Trong lịch sử tên lửa có cánh, Liên Xô-Nga đã chế tạo được nhiều mẫu tên lửa- nhiều không kém bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Mỹ. Bắt đầu từ năm 1944 với tên lửa 10KHN được chế tạo theo mẫu tên lửa V-1 của Đức và tiếp theo là 16KH, tất cả các dự án tiếp theo còn lại đều có “gốc Liên Xô” và sau đó là “gốc Nga”.

Tổng cộng – đã có hơn 20 mẫu tên lửa có cánh đã và đang có trong trang bị của Quân đội Nga. Trong số đó có cả "Kalibr" nổi tiếng hiện nay.

Đã có thêm một thế hệ tên lửa có cánh mới nữa của Nga – đó là các tên lửa có cánh siêu thanh (M>5) – như “Kinzhal” và “Zircon”, - những tên lửa mới này hiện chưa có đối thủ cạnh tranh xứng tầm.

Tên lửa có cánh siêu thanh X-51A Waverider đang được thiết kế tại Mỹ và được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt để phục vụ học thuyết “Chiến tranh chớp nhoáng toàn cầu” với yêu cầu chính là giảm thời gian bay - rõ ràng là còn lâu mới theo kịp các đối thủ Nga (tức Kinzhal” và “Zircon”).

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng ( dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/kalibr-nga-sinh-ra-tu-dau-la-ten-lua-goc-duc-3392053/