Kaczynski – Nhà toán học tài ba trở thành kẻ khủng bố

Biên bản khám nghiệm tang vật do Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho thấy tất cả những quả bom mà Kaczynski (giáo sư toán học trẻ nhất trong lịch sử của Đại học Berkeley, Mỹ) chế tạo đều được đặt trong một chiếc hộp bằng gỗ, gồm 1 ống kim loại chứa thuốc nổ dài 25cm, đường kính 6cm. Kíp nổ được nối với 1 cục pin và khi mở nắp hộp ra, mạch điện sẽ đóng lại, gây nổ.

Ngày 25-5-1978, giáo sư Buckley Crist, chuyên ngành kỹ thuật vật liệu tại Đại học Northwestern, thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, nhận được một bưu phẩm không để tên người gửi. Nghi ngờ, ông Buckley Crist báo cho cảnh sát địa phương. Khi trung sĩ Terry Marker mở ra để kiểm tra thì gói bưu phẩm phát nổ khiến Marker nát bàn tay trái.

Từ đó cho đến ngày 24-4-1995, đã có 16 gói bưu kiện được gửi đến cho 16 người khác. Hậu quả là 3 nạn nhân chết, 23 bị thương. Thủ phạm là Theodore John Kaczynski, giáo sư toán học trẻ nhất trong lịch sử của Đại học Berkeley, bang California, Mỹ…

Lý tưởng hay tâm thần

Chào đời ngày 22-5-1942 ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, Theodore John Kaczynski là con trai trưởng trong một gia đình lao động Ba Lan nhập cư. Kết thúc bậc tiểu học, chỉ số thông minh (IQ) của Kaczynski đạt 167 điểm nên trường trung học Evergreen Park đặc cách cho anh ta bỏ qua lớp 6, lên thẳng lớp 7.

Trong suốt những năm trung học, Kaczynski luôn đứng đầu lớp, đặc biệt là môn toán. Đến năm lớp 11, trường Evergreen Park một lần nữa đặc cách cho Kaczynski lên thẳng lớp 12. Lúc tốt nghiệp, Kaczynski nhận được học bổng của Đại học Harvard khi mới 16 tuổi.

Kaczynski lúc là giảng viên Đại học Berkeley, bang California.

Năm 1962, Kaczynski lấy bằng cử nhân toán tại Đại học Harvard. 5 năm sau, Kaczynski bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại Đại học Michigan, đồng thời đoạt giải Sumner B. Myers về “luận án toán học xuất sắc nhất trong năm”.

Được Đại học Berkeley, bang California mời làm giảng viên, cuối năm 1967, Kaczynski, 25 tuổi, trở thành giáo sư toán học trẻ nhất trong lịch sử của trường đại học này, chuyên ngành hình học giải tích. Tài năng của Kaczynski đã tạo ra ấn tượng mạnh với đội ngũ giảng viên của trường Berkeley. Giáo sư Peter Duren nói: “Kaczynski không giống như những tiến sĩ khác. Trong đầu anh ta có sẵn những mạch toán học, chỉ cần chạm vào là nó biến thành bài giảng…”.

Nhưng cũng từ đó, quan điểm của Kaczynsk về xã hội bỗng dưng thay đổi. Ngày 30-6-1969, Kaczynski đột ngột bỏ việc. Chuyển về sống với cha mẹ ở thị trấn Lombard, bang Illinois một thời gian, Kaczynski làm một căn nhà bằng gỗ nằm trong một khu rừng hẻo lánh ở hạt Lincoln, bang Montana, nơi không có điện và nước máy.

Ông nói: “Mục tiêu ban đầu của tôi là sống bằng cách tự cung tự cấp. Tôi học các kỹ năng như nhận diện thực vật, côn trùng ăn được. Tôi có một chiếc xe đạp cũ và thỉnh thoảng tôi vẫn dùng nó để ra thư viện thị trấn, nơi tôi có thể đọc các tác phẩm kinh điển về sự tồn tại của loài người mà không cần nhờ đến cuộc cách mạng công nghiệp”.

Theo Kaczynski, các dự án bất động sản và các nhà máy công nghiệp đã khiến ông không thể sống một cách hòa bình với thiên nhiên vì sự tàn phá của nó đối với đất đai, rừng núi, sông hồ. Ông nói: “Khi tôi đi bộ đến một khu vực hoang dã mà tôi yêu thích, tôi cảm thấy rất sốc vì người ta đã mở một con đường xuyên qua nó. Tiếng gầm rú của những loại máy đào, máy xúc, xe ủi, xe lu đã khiến tôi quyết định rằng thay vì cố gắng để sống chung với thời đại công nghiệp thì tôi sẽ trả thù. Với tôi, bạo lực là cách tốt nhất để đánh bại những kẻ cố tình phá hoại thiên nhiên”.

Những quả bom tự chế

Tháng 9-1975, Kaczynski bắt đầu học cách chế tạo bom từ những vật liệu dễ tìm, nhưng phải mất gần 3 năm, nó mới hoàn chỉnh. Biên bản khám nghiệm tang vật do Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho thấy tất cả những quả bom mà Kaczynski chế tạo đều được đặt trong một chiếc hộp bằng gỗ, gồm 1 ống kim loại chứa thuốc nổ dài 25cm, đường kính 6cm. Kíp nổ được nối với 1 cục pin và khi mở nắp hộp ra, mạch điện sẽ đóng lại, gây nổ.

Quả bom FBI thu được trong căn nhà gỗ của Kaczynski.

Ngày 25-5-1978, quả bom đầu tiên được Kaczynski gửi đến cho Giáo sư Buckley Crist, chuyên ngành kỹ thuật vật liệu tại Đại học Northwestern.Theo Kaczynski, nếu không có những nghiên cứu của Buckley Crist thì không thể có những con đường đi xuyên qua những đầm lầy, chịu được tải trọng của những loại xe hạng nặng.

Tuy nhiên, lúc nhận hộp bưu phẩm, do nghi ngờ nên Giáo sư Buckley Crist đã báo cảnh sát và khi trung sĩ Terry Marker mở ra, quả bom phát nổ khiến ông nát bàn tay. Tiếp theo, một sinh viên Đại học Northwestern là John Harris cũng nhận được một bưu phẩm. Mở ra, nó phát nổ khiến Harris mất 3 ngón tay, bàn tay và cánh tay bị bỏng nặng

Vào ngày 15-11-1979, Kaczynski thực hiện vụ đánh bom thứ 3 bằng cách gửi một gói bưu phẩm từ thành phố Chicago đến Washington DC trên chuyến bay số 444 của Hãng hàng không American Airlines. May mắn thay, khi chiếc Boeing 727 lên đến độ cao 6.000m thì hộp chứa bom bốc khói khiến nó phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo FBI, nếu quả bom phát nổ, nó sẽ “xóa sổ” cả máy bay lẫn 198 hành khách và phi hành đoàn. Liên hệ với vụ đánh bom thứ nhất, FBI quyết định thành lập một chuyên án, đặt tên là UNABOMB (đánh bom không xác định) với 150 đặc vụ tham gia. Bên cạnh đó, FBI còn treo giải thưởng 1 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm.

Từ đó cho đến năm 1985, Kaczynski thực hiện 6 vụ đánh bom nữa nhưng các nạn nhân chỉ bị thương, phần lớn cụt tay, bỏng và mù mắt. Nạn nhân đầu tiên tử vong bởi UNABOMB là Hugh Scrutton, 38 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng máy tính ở Sacramento, ở bang California. Ngày 11-12-1985, khi ra bãi đỗ xe, Hugh Scrutton thấy một bưu phẩm mà ai đó đặt trên cốp xe của mình. Lúc vừa mở ra thì nó phát nổ. Và bởi vì lần này Kaczynski đã nhồi thêm đinh vào bom nên Scrutton chết ngay tại chỗ.

2 năm sau - ngày 20-2-1987, Gary Wright, chủ một cửa hàng máy tính ở Salt Lake City, bang Utah khi dọn dẹp một chiếc thùng gỗ vô danh thì bỗng nhiên nó phát nổ. Vụ nổ khiến Wright đứt dây thần kinh ở cánh tay trái còn trên thân thể ông, các bác sĩ gắp ra 200 cây đinh!

6 năm sau đó, không thấy xảy ra thêm một vụ nổ nào, và cuộc điều tra của FBI cũng chưa tìm ra manh mối. Họ chỉ biết rằng tất cả những nạn nhân đều có liên quan đến những công việc về xây dựng công nghiệp. Bất ngờ, ngày 22-6-1993, Charles Epstein, nhà di truyền học thuộc Đại học Tiburon, bang California khi mở một chiếc hộp gửi tới phòng thí nghiệm của ông thì nó phát nổ. Hậu quả là Epstein thủng 2 màng nhĩ, mất 3 ngón tay.

2 ngày sau, David Gelernter, giáo sư ngành Khoa học máy tính, Đại học Yale, bang Connecticut là nạn nhân tiếp theo. Gelernter mù mắt phải, mất cánh tay phải đồng thời bỏng nặng toàn thân. Ngày 10-12-1994, Thomas J. Mosser, giám đốc công ty quảng cáo Burston-Marsteller ở thành phố Caldwell, bang New Jersey chết vì một quả bom.

Cùng lúc, tờ The New York Times nhận được một lá thư, trong đó thủ phạm của vụ đánh bom viết: “Tôi đã làm nổ tung Thomas J. Mosser vì ông ta đã giúp Công ty dầu khí Exxon làm sạch sự dơ bẩn của mình sau vụ tràn dầu ở Valdez. Hơn nữa, việc kinh doanh của Exxon dựa trên những nền tảng kỹ thuật nhằm thao túng thiên nhiên, hủy hoại môi trường”.

Lá thư đã khiến việc điều tra của FBI rẽ sang một hướng mới. Và trong khi các đặc vụ liên bang đang sàng lọc những phần tử cực đoan trong các tổ chức bảo vệ môi trường thì ngày 24-4-1995, Gilbert Brent Murray, ở thành phố Sacramento, bang California, chủ tịch ngành công nghiệp gỗ ở California đã tử vong khi mở một gói bưu phẩm. Murray được biết đến như một người vận động hành lang nhằm đề nghị Hạ viện Mỹ thông qua một đạo luật về khai thác gỗ.

Sa lưới

Với 16 gói bưu phẩm gây ra 16 vụ nổ, giết chết 3 người và làm bị thương 23 người khác, UNABOMB đã tạo ra sự kinh hoàng trong xã hội Mỹ suốt từ năm 1978 đến 1995. Hai ngày sau khi chủ tịch ngành công nghiệp gỗ Gilbert Brent Murray bị giết, tờ New York Times nhận được 1 lá thư nữa, nội dung cho biết thủ phạm sẽ ngừng tất cả những vụ đánh bom nếu tờ New York Times hoặc tờ Washington Post đồng ý đăng tuyên bố về sự nguy hiểm cho tương lai của các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Các đặc vụ FBI bắt Kaczynski từ căn nhà gỗ trong rừng.

Lá thư viết: “Các vụ đánh bom của tôi là cực đoan nhưng tôi thấy cần thiết vì sự xói mòn nhân phẩm của những người đang hoạch định những chính sách công nghiệp hiện đại”.

Dựa trên lá thư này và lá thư đầu tiên gửi đến tờ New York Times, nhất là trong mảnh vỡ của tất cả những quả bom khi phục chế lại, FBI đều thấy có khắc hai chữ FC. Căn cứ vào những chi tiết ấy, FBI tìm ra một manh mối: Đó là khi còn là giảng viên ở Đại học Berkeley, bang California, Kaczynski đã có ý định thành lập Câu lạc bộ Tự do - Freedom Club - viết tắt là FC.

Chưa hết, giảng viên Bisceglie - là bạn của Kaczynski đã cung cấp cho FBI một bản sao bài luận văn của Kaczynski viết năm 1971. Bằng phép chiết tự, FBI nhận ra sự giống nhau của cách sử dụng từ ngữ trong luận văn và trong 2 bức thư gửi đến tờ New York Times. Bên cạnh đó, Eugene O'Neill, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ còn cho FBI biết thỉnh thoảng ông vẫn nhận được đơn đặt hàng của một người tên là Kaczynski, mua những hộp gỗ giá 1 USD.

Tuy nhiên, những manh mối đó chưa đủ để kết tội Kaczynski. Sau nhiều ngày theo dõi, FBI biết Kaczynski thường ở trong một căn nhà bằng gỗ, nằm tại một khu vực hẻo lánh ở hạt Lincoln, bang Montana. Bí mật kiểm tra căn nhà, FBI tìm thấy các vật liệu dùng để chế bom, gồm những ống kim loại có khắc 2 chữ FC, một số thùng gỗ, thuốc nổ, pin, kíp nổ…

Tháng 4-1996, Kaczynski bị bắt tại căn nhà gỗ. Khác với những kẻ tội phạm khác, Kaczynski thừa nhận mình là tác giả của tất cả những vụ đánh bom. Bị truy tố bởi 10 tội danh gồm tàng trữ, vận chuyển trái phép chất nổ, đe dọa, chế tạo bom, gửi bom thư, khủng bố và 3 tội giết người cấp độ 1. Các luật sư của Kaczynski là Michael Donahoe và Judy Clarke đã cố gắng biện hộ cho ông ta thoát án tử hình nhưng Kaczynski từ chối.

Kaczynski cố ý tự tử bằng cách treo cổ nhưng được cứu sống. Bác sĩ pháp y tâm thần Park Dietz cho biết Kaczynski không mắc bệnh tâm thần nhưng có một “rối loạn nhân cách chính trị”. Ngày 22-1-1998, sau khi xem xét đơn kháng án của Kaczynski, tòa án liên bang tuyên hủy án tử hình, giảm xuống còn tù chung thân, không ân xá.

Tại nhà tù liên bang ADX Florence, bang Colorado, nơi Kaczynski đang thụ án, khi được hỏi có ăn năn hối hận gì không? Kaczynski trả lời: “Không! Điều làm tôi lo lắng là những năm trong tù có thể khiến tôi mất đi những ký ức về thiên nhiên nhưng lý tưởng của tôi thì không gì phá vỡ được…”.

Vũ Cao (theo InSigh Crime)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/kaczynski-nha-toan-hoc-tai-ba-tro-thanh-ke-khung-bo-498345/