K-pop làm 'rung chuyển' thế giới giải trí bằng cách nào?

Bất chấp những thay đổi trong ngành giải trí toàn cầu vì dịch bệnh, K-pop vẫn vươn mình trở thành hiện tượng văn hóa của thế giới.

BTS được coi là nhóm nhạc thành công nhất mọi thời đại của K-pop

Chỉ tính riêng năm 2020, BTS và Blackpink trở thành hai nhóm nhạc K-pop nổi tiếng nhất thế giới. Điều gì đã giúp K-pop chinh phục được thị trường quốc tế?

Một hệ thống phối hợp chặt chẽ

K-pop thực tế được xây dựng và phát triển 3 thập niên trước với thế hệ đầu tiên gồm những gương mặt như Shinhwa, H.O.T, Seo Taiji and Boys, G.O.D hay Flin.K. Tới thế hệ gen 2, hàng loạt tên tuổi đình đám như Big Bang, DBSK, SNSD, Super Junior… đều vươn tầm và trở thành những nhóm nhạc làm hiện tượng rung chuyển thị trường âm nhạc châu Á.

Thế nhưng, K-pop mới chỉ bành trướng rộng khắp thế giới trong vài năm qua, với sự phát triển của những nghệ sĩ như CL, PSY, BTS, Blackpink. Các nghệ sĩ Hàn Quốc liên tục lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 nổi tiếng thế giới, “Nobody” (Wonder girls), “Fantastic Baby” (Big Bang), “Gangnam Style” (PSY), “Fake love” (BTS)…

Theo Vox, K-pop lan tỏa nhờ là sự tổng hợp của âm nhạc gây nghiện, vũ đạo mượt mà và những nghệ sĩ như cái máy được đào tạo khắc nghiệt để có thể hát và nhảy một cách hoàn hảo đồng bộ nhất.

“Kpop trở thành bộ mặt quốc tế của Hàn Quốc nhờ hệ thống sản xuất được phối hợp chặt chẽ. Hơn bất kỳ ngành công nghiệp âm nhạc quốc tế nào, K-pop có chiến lược để len lỏi vào não bộ của công chúng, nâng tầm nền văn hóa của đất nước này trên sân khấu thế giới”.

Chiến lược của K-pop xuất phát từ mọi yếu tố. Thứ nhất, những màn trình diễn chất lượng cao. Nghệ sĩ Hàn được nhớ tới bởi những màn vũ đạo điêu luyện trên sân khấu, đạt tính thẩm mỹ cao về tổng thể.

Ban nhạc thần tượng đầu tiên đặt nền móng cho K-pop là H.O.T do SM Entertainment thành lập năm 1996, quy tụ được các yếu tố rap, hát và vũ đạo. Nhóm gây được tiếng vang lớn với hàng loạt kỷ lục tại Hàn Quốc, trở thành tiêu chuẩn cho các ban nhạc khác lúc ấy và sau này.

Thứ hai, tính thẩm mỹ về ngoại hình nghệ sĩ K-pop luôn được đề cao. Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn có đặc trưng sản xuất âm nhạc nội bộ. Ở đó, nghệ sĩ được tuyển chọn vào một công ty quản lý.

Toàn bộ quá trình sản xuất từ sáng tác nhạc, stylist, xây dựng hình ảnh, truyền thông… đến đời tư nghệ sĩ cũng đều do công ty quản lý, lo liệu để định hình hình ảnh.

“Mô hình kinh doanh toàn diện, tích hợp đầy đủ ở K-pop đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Ở Mỹ Latinh và các khu vực Tây Âu, hiếm khi thấy kiểu thiết lập hợp lý, tổng hợp này”, Bernie Cho - một giám đốc âm nhạc hơn 21 năm trong ngành âm nhạc, truyền hình và văn hóa đại chúng châu Á nhận định trên tạp chí Music Ally.

Chiến lược chinh phục toàn cầu

DBSK - thế hệ gen 2 của K-pop nổi tiếng khắp châu Á

Không phải ngẫu nhiên K-pop liên tục phát triển, bởi có thể thấy rõ sự biến đổi để chiều theo nhu cầu của khán giả. Trước hết, thay vì các nhóm nhạc chỉ là người Hàn Quốc, K-pop dần theo xu hướng xóa nhòa biên giới khi có những ban nhạc đa quốc tịch. Nghệ sĩ không chỉ là mỗi người Hàn mà còn có quốc tịch Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ… Đây là cách khôn ngoan có thể thu hút khán giả ở các quốc gia khác nhau, đánh vào các thị trường âm nhạc.

Phần âm nhạc đa dạng và pha trộn văn hóa. Các công ty Kpop tìm đến hợp tác quốc tế, bắt tay với các nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu từ Lady Gaga, Jordan Young… Theo phân tích của nhà sản xuất âm nhạc Jordan Young trên Quartz, K-pop có sự ảnh hưởng từ mọi phong cách âm nhạc, từ R&B, hip hop, pop, EDM.

“Bất kể bạn là ai, bạn nói được bao nhiêu tiếng Hàn, bạn vẫn dễ tiếp cận và quen được với K-pop. Nhờ đó, K-pop đã chuyển từ một thể loại âm nhạc trở thành ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 5 tỷ USD”, Young đánh giá.

Ngoài ra, về nội dung các sản phẩm âm nhạc, âm nhạc K-pop dám đụng chạm về nhiều mặt từ tình yêu, tình dục, bức xúc xã hội… nên đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi vị thành niên.

Trên Rolling Stone, nhạc sĩ Rodnae “Chikk” Bell cho rằng, nhạc Hàn luôn có sự khác biệt và thay đổi. “Một bài hát trung bình của người Mỹ là bốn hoặc năm giai điệu, nhưng một bài hát K-pop trung bình 8 - 10 giai điệu. Đây là tin tốt cho những người thất vọng với âm nhạc của Mỹ và muốn tìm sự mới mẻ”, Rodnae chia sẻ.

Cách mạng nhờ internet

Đã được xây dựng tiền đề vững chắc nhưng thành công của một nhóm nhạc K-pop lại gắn liền với các buổi biểu diễn truyền hình trực tiếp. Các chương trình âm nhạc nổi tiếng như Inkigayo, M Countdown là yếu tố quyết định mức độ thành công của một thần tượng hoặc nhóm nhạc. Ở các chương trình này, nghệ sĩ trình diễn và sẽ được xếp hạng dựa theo bầu chọn của khán giả.

Do đó, việc xây dựng cộng đồng fan vững mạnh là một trong những đặc trưng của K-pop. Cộng đồng fan của một nghệ sĩ có tên gọi riêng (về sau nghệ sĩ Việt cũng học tập) như Cassiopia (fanclub của DBSK), Sone (fanclub của SNSD), Army (fanclub của BTS)… Ở đó, fan hâm mộ không chỉ giúp thần tượng chiến thắng mà chính họ là người quảng bá ngành âm nhạc này.

K-pop chinh phục thế giới bằng sự thông minh và cách quảng bá xuất sắc. Tuy nhiên, bộ phận cấu thành nên K-pop là con người. Họ có thể phải chịu đựng cái gọi là “hợp đồng nô lệ” và sự khắc nghiệt. Điều này có thể không ảnh hưởng đến doanh thu nhưng là cái giá quá đắt khi chinh phục thế giới.
Yung Lee, Giáo sư Xã hội học tại Đại học California

Sức mạnh của sự quảng bá này được nhân lên gấp vạn lần trong bối cảnh ngành công nghiệp 4.0 phát triển. Trên Soompi, có một cộng đồng người hâm mộ K-pop với 22 triệu thành viên tới từ nhiều quốc gia, thường xuyên chia sẻ, đăng bài, những bài hát, video… của nghệ sĩ.

Theo Rolling Stone, đây chính là điều đã giúp khi BTS đến Los Angeles để thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên của Kpop tại American Music Awards 2017, nhóm đã được một đám đông cuồng nhiệt chào đón.

Giới chuyên gia cho rằng, Kpop có thể sẽ không có một cuộc cách mạng nếu không nhờ internet. Như lời của Bernie Cho thì “sự phát triển của Kpop không thực sự là những bước tiến mà là quá trình mang tính cách mạng”.

Trong đó về nền tảng internet, khác với Trung Quốc và Nhật Bản - nơi chỉ sử dụng các nền tảng mạng xã hội nội địa, Hàn Quốc đón nhận các nền tảng quốc tế như Facebook, Twitter và YouTube. Từ đây, K-pop bắt đầu có mặt trên các nền tảng âm nhạc quốc tế và thành công của PSY với “Gangnam Style” đạt hơn 4 tỷ lượt xem trên YouTube là một minh chứng.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/k-pop-lam-rung-chuyen-the-gioi-giai-tri-bang-cach-nao-d503155.html