K-League khai mạc từ ngày 8/5, làm mẫu cho các giải đấu châu Á

Sau hơn 2 tháng lùi lịch thi đấu, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã quyết định cho K-League trở lại từ đầu tháng 5 với rất nhiều những hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Đây có thể là hình mẫu cho những giải bóng đá khắp châu Á cũng đang mong muốn được trở lại thi đấu cho hết mùa giải 2020.

Quy định không được nói trên sân ở các trận đấu sẽ rất khó thực hiện. Ảnh: PA

Quy định không được nói trên sân ở các trận đấu sẽ rất khó thực hiện. Ảnh: PA

Trong đó, nhận được phản ứng nhiều nhất là điều lệ nghiêm cấm các cầu thủ nói chuyện với đồng đội trên sân trong suốt trận đấu. Trước trận, cũng sẽ không có màn bắt tay giao lưu giữa hai đội bóng.

Bên cạnh đó, các huấn luyện viên ở ghế huấn luyện và các thành viên ban tổ chức tham dự vào trận đấu cũng phải đeo khẩu trang, những khán đài đóng kín với khán giả.

K-League 2020 chưa chính thức khai mạc khi trận đấu đầu tiên của giải đấu này giữa hai CLB là đội đương kim vô địch Jeonbuk Motors và Suwon Bluewings có lịch thi đấu ngày 29/2 đã không thể tổ chức được. Giải đấu đã bị hoãn lại từ khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn cách ly xã hội do COVID-19.

Dù có nhiều điều khoản mới bắt buộc các đội bóng phải tuân thủ, nhưng từ giữa tháng 4, các câu lạc bộ cũng trở lại tập luyện đầy hào hứng sẵn sàng cho việc thi đấu.

Cả các màn ăn mừng bàn thắng cũng sẽ rất khác. Ảnh: PA

Chia sẻ về quyết định của ban tổ chức K-League, đội trưởng Kim Do-hyeok của CLB Incheon United cho biết cách làm này sẽ làm khó cho việc trao đổi thông tin giữa các cầu thủ khi thi đấu và cả nhiều vấn đề riêng tư khác nữa.

“Ai cũng biết các cầu thủ thì thường nhổ bọt trong các trận đấu, có thể việc đó nhịn được nhưng không nói chuyện với đồng đội là điều khó thực hiện được. Nếu chúng tôi không thể trao đổi trên sân thì có lẽ cũng khó có thể thi đấu được” - Kim Do-hyeok chia sẻ.

Đến nay Hàn Quốc ghi nhận hơn 10.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 240 trường hợp tử vong. Theo Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trung tuần tháng 4, số ca tử vong 1 tuần đã giảm xuống ở mức 1 con số. Tuy vậy, cổ động viên vẫn sẽ không được đến sân xem giải bóng đá chuyên nghiệp có lịch sử lâu đời nhất châu Á này khởi tranh.

Cùng khởi động lại với giải vô địch quốc gia còn có giải bóng đá hạng Nhất (khai mạc ngày 8/5) và mùa giải bóng bầu dục của Hàn Quốc (khai mạc ngày 5/5) cũng sẽ diễn ra trên những sân vận động không khán giả.

“Được chơi bóng trước các cổ động viên thật tuyệt, nhưng nếu mỗi người chúng ta làm tốt trách nhiệm của mình để giảm nguy cơ lan rộng của dịch bệnh thì các cổ động viên sẽ sớm được trở lại sân đấu để cổ vũ” - Kim Do-hyeok chia sẻ.

Các trận đấu không khán giả sẽ diễn ra ở những vòng đấu đầu, trước khi ban tổ chức họp bàn phương án tiếp theo. Ảnh: PA

HLV Kim Do-gyun của đội Suwon cũng đồng tình với việc các HLV buộc phải làm quen với cách truyền đạt cho học trò qua khẩu trang: “Có thể chúng tôi sẽ thấy không thoải mái khi hướng dẫn học trò trong trận đấu nhưng ở thời điểm này, đó là những điều chúng tôi phải làm.”

Theo kế hoạch, mỗi đội bóng sẽ thi đấu tổng cộng 27 lượt trận - số lượt trận giảm đáng kể so với lịch thi đấu 38 lượt trận trước đó.

Các đội bóng sẽ thi đấu 22 lượt trận trước khi chia thành 2 nhóm. 6 đội đầu bảng xếp hạng vào bảng chung kết A chọn đội vô địch và 6 đội cuối bảng xếp hạng vào bảng chung kết B chọn 2 đội xuống thi đấu tại giải hạng Nhất (K-League 2) mùa giải năm sau.

Trước đó, ban tổ chức K-League từng nhóm họp một lần tìm cách đưa giải đấu trở lại nhưng chỉ một giải pháp thi đấu không khán giả là chưa đủ.

Giải vô địch quốc gia Nhật Bản J-League cũng dự kiến trở lại từ ngày 9/5, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa bàn được giải pháp phù hợp từ chuyện giảm số trận đấu xuống đến cách đảm bảo an toàn trên sân. K League sắp xếp hợp lý có thể là hình mẫu cho nhiều giải đấu quốc gia ở châu Á học tập theo.

Minh Đăng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-thao/kleague-khai-mac-tu-ngay-85-lam-mau-cho-cac-giai-dau-chau-a-20200426025634931.htm