JVE lòng vòng 'gỡ rối' cho tên gọi 'Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch'

Xung quanh những ý kiến trái chiều của các nhà khoa học Việt Nam, người dân và chuyên gia về đề xuất xây dựng công trình 'Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch' của JVE đề xuất lên TP.Hà Nội ngày 15/9 vừa qua, JVE đã lên tiếng giải thích những thắc mắc.

Sáng 22/9, công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt (JVE- đơn vị tham gia xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch) tổ chức thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE, nhiều ý kiến nghi ngờ JVE xây dựng công trình nhằm thu lợi về mình. Tuy nhiên, JVE khẳng định, sông Tô Lịch không phải là nơi đơn vị kiếm tiền, không phải nơi Nhật Bản kiếm lợi nhuận.

Hình ảnh mô phỏng về đề xuất xây dựng "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”.

Hình ảnh mô phỏng về đề xuất xây dựng "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”.

“JVE và liên danh Tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với Thành phố như nhà đầu tư sẽ được kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch hay để xuất Thành phố ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp", ông Tuấn Anh cho hay.

Về dư luận xung quanh việc gắn chữ “tâm linh” trong tên của Dự án đề xuất, theo ông Tuấn Anh, đây những yếu tố dịch vụ tâm linh hay những tượng đài... không phải là việc bị cấm, vấn đề là có hợp lý hay không. Theo các chuyên gia văn hóa, tâm linh có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải.

Vì theo bài viết “Nhà sử học Lê Văn Lan kể chuyện sông Tô Lịch 2000 năm”, sông Tô Lịch có yếu tố tâm linh trong lịch sử tồn tại 2000 năm. Theo nghiên cứu của Giáo sư sử học Lê Văn Lan, các di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy con người xuất hiện ở khu vực Hà Nội từ trước Công Nguyên, tương ứng với thời kỳ của các Vua Hùng. Hà Nội xưa là một vùng đất lầy lội, rồi khi nước biển rút dần, từ vùng đất này nổi lên những gò đất, trong đó gò cao lớn nhất và linh thiêng nhất là gò Long Đỗ (tức Rốn Rồng). Những người tới sinh sống ở đó chính là tổ tiên của người Hà Thành sau này,...

Ông Nguyễn Tuấn Anh.

“Có nhiều chuyên gia lại nói rằng “tâm linh” có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải”. Chuyên gia nói như vậy là cố tình nói chệch hướng vấn đề. Bởi, trước khi dòng sông chưa được xử lý triệt để mùi hôi thối, ô nhiễm, thì sẽ không ai đặt tượng đài vào. Dự án xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm cả bên trong và bên ngoài sông Tô Lịch, từ đó làm sống lại và hồi sinh dòng sông mà trước kia Vua, quan vẫn thường vãn cảnh, sau đó mới đặt các tượng đài”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngày 15/9/2020, công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt (JVE) gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về việc đề xuất “giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Đề xuất này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Đa số ý kiến mong chờ việc “hồi sinh” dòng sông gắn liền với lịch sử Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu về hai chữ “tâm linh” trong tên dự án.

Trước đó, hồi tháng 5/2019, một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và thu được kết quả bước đầu khá tích cực.

Phạm Tùng - Lê Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/jve-long-vong-go-roi-cho-ten-goi-cong-vien-lich-su-van-hoa-tam-linh-to-lich-a490554.html