'Justice League: Liên minh Công lý': Giải trí, nhưng thiếu điểm nhấn

Tác phẩm tiếp theo của DCEU mang đậm tính giải trí, nhưng đồng thời bộc lộ sự lúng túng của Warner Bros. trong việc định hình phong cách và khiến tổng thể còn thiếu sự thuyết phục.

Trailer bộ phim 'Justice League: Liên minh công lý' Tác phẩm tiếp theo thuộc Vũ trụ siêu anh hùng DC (DCEU) sau "Wonder Woman" (2017), quy tụ những siêu anh hùng nổi tiếng nhất của truyện tranh DC.

Thể loại: Hành động, giả tưởng
Đạo diễn: Zack Snyder
Diễn viên chính: Ben Affleck, Gal Gadot, Ray Fisher, Ezra Miller, Jason Momoa
Zing.vn đánh giá: 6/10

Justice League là tác phẩm thứ năm thuộc chuỗi DCEU của DC và Warner Bros.

Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) của ông lớn Warner Bros. có lẽ là chuỗi phim ồn ào nhất trong vài năm trở lại đây. Từ Man of Steel (2013) cho đến Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) và Suicide Squad (2016), loạt tác phẩm gặt hái doanh thu tại phòng vé, nhưng đồng thời gây tranh cãi lớn về mặt chất lượng.

Điều đó khiến DCEU chưa sở hữu nền tảng vững chắc để có thể bắt kịp đối thủ trực tiếp là Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) vốn đang thống trị mảng phim siêu anh hùng trên toàn cầu.

Tranh cãi xoay quanh số phận của DCEU khiến siêu dự án Justice League bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải chịu vô số lời bàn tán, đồn đại không dứt từ khi còn chưa chấp bút.

Là tác phẩm trọng điểm nhằm tái định hình DCEU, lùm xùm xung quanh Justice League khiến Warner Bros. thực sự lo lắng. Nhiều nguồn tin cho rằng hãng phim ngày càng bất đồng quan điểm với Zack Snyder - đạo diễn trực tiếp thực hiện Man of Steel, Batman v Superman, và nay là Justice League.

Tới tháng 5/2017, Snyder chính thức rời dự án Justice League vì bi kịch mất con gái, và Joss Whedon - đạo diễn của hai tập Avengers - được thuê để hoàn thiện bộ phim.

Điều đó càng khiến bộ phim vướng phải hoài nghi bởi sự thay thế nhân sự cực kỳ quan trọng, nhiều cảnh phim cần quay lại vào phút chót, cũng như thời lượng ngắn bất thường so với quy mô tác phẩm.

Câu chuyện đơn giản và phù hợp đại chúng

Bộ phim Justice League diễn ra sau những sự kiện trong Batman v Superman: Dawn of Justice. Cái chết của Superman (Henry Cavill) khiến thế giới ngày một bất ổn.

Batman / Bruce Wayne (Ben Affleck) phát hiện ra dấu hiệu của những kẻ xâm lược đến từ ngoài hành tinh. Chúng kéo đến Trái Đất với mục đích tìm kiếm tung tích các tạo vật cổ đại có tên Mother Box, qua đó có thể biến Trái đất trở thành hành tinh chết.

Đồng thời tại Themyscira - quê hương của Wonder Woman / Diana Prince (Gal Gadot), ác nhân Steppenwolf (Ciarán Hinds) được triệu hồi theo tín hiệu kích hoạt của Mother Box. Hàng chục nghìn năm trước, liên minh các vị thần và bộ tộc cổ đại đã chiến đấu chống lại binh đoàn ác quỷ của hắn, chặn đứng âm mưu xâm lược.

Trong lần trở lại, Steppenwolf trở nên khôn ngoan hơn và nhanh chóng tìm cách thu thập đủ Mother Box nhằm tái chiếm hành tinh xanh. Nhận thấy hiểm họa khôn lường, Batman và Wonder Woman bèn tập hợp những cá nhân ưu tú sở hữu siêu năng lực để cùng nhau chống lại kẻ thù chung.

Nội dung tổng thể của Justice League rất đơn giản, dễ theo dõi.

Justice League sở hữu phần cốt truyện đơn giản với mô-típ quen thuộc của một tác phẩm siêu anh hùng, nhưng khác biệt so với lý tưởng thể hiện trong Man of Steel hay Batman v Superman.

Phần nội dung tập trung vào liên minh những người phi thường cùng sát cánh chống lại kẻ thù chung là rất đặc trưng và phù hợp với đại chúng. Bộ phim mới đồng thời không tìm đến một số vấn đề sâu xa hơn như nguy cơ đến từ siêu năng lực hay ảnh hưởng của người ngoài hành tinh đối với xã hội đại chúng.

Câu chuyện của trong Justice League có lớp lang, có cao trào phát triển liên tục, có nút thắt nhằm tăng sự kịch tính, kết nối các nhân vật, cũng như hướng đến cách xử lý vấn đề cuối cùng sao cho đủ hợp lý. Bộ phim không khai thác các xung đột tư tưởng xã hội, nhưng vẫn thể hiện được triết lý nhân sinh cơ bản thông qua hoàn cảnh và lời thoại của nhân vật.

Điều này giúp Justice League vẫn kế thừa định hướng nghiêm túc của DCEU, nhưng không còn u ám, nặng nề, mà nay mang tính giải trí cao hơn, mở ra tương lai tươi sáng, dễ chịu cho toàn bộ vũ trụ điện ảnh.

Các nhân vật mới ấn tượng và đáng nhớ

Bên cạnh các nhân vật quen thuộc từng xuất hiện trong các tác phẩm trước, Justice League chính thức giới thiệu ba thành viên mới của Liên minh Công lý. Đầu tiên là Victor Stone (Ray Fisher) - cá nhân lai nửa người nửa máy mang biệt danh Cyborg.

Là nhân vật quan trọng đóng vai trò quyết định trong phim, câu chuyện về nguồn gốc và hoàn cảnh của Cyborg được ưu tiên đầu tư hơn hẳn so với các nhân vật còn lại. Khán giả nắm tương đối đầy đủ nguồn gốc sức mạnh siêu nhiên của anh, cũng như nỗi mặc cảm mà anh gặp phải trước “món quà” ngoài ý muốn.

Toàn bộ câu chuyện của Justice League thực tế còn là hành trình của Cyborg nhằm thoát khỏi mặc cảm để chấp nhận bản thân, sử dụng khả năng của bản thân để phụng sự những điều tốt đẹp.

Nhưng tính cách nghiêm túc có phần khô khan của Cyborg không gây ra ấn tượng nào đặc biệt. Anh khiến khán giả hứng thú hơn nhờ tạo hình nửa người nửa máy độc đáo, cùng các năng lực độc nhất vô nhị.

Các nhân vật mới của DCEU có màn chào sân trong Justice League.

Tiếp theo là bộ đôi Barry Allen / The Flash (Ezra Miller) và Arthur Curry / Aquaman (Jason Momoa). So với Cyborg, Flash và Aquaman có phần lép vế về mặt đất diễn, nhưng không vì thế mà họ trở nên kém hấp dẫn hơn. Không chỉ sở hữu ngoại hình nổi bật, cả hai gây ấn tượng bằng tính cách tưng tửng với nhiều câu thoại và nét biểu cảm hài hước.

Thường xuyên bị đặt lên bàn cân so sánh với Flash phiên bản truyền hình do Grant Gustin thể hiện, nhưng giờ thì Ezra Miller hoàn toàn có thể tự hào rằng nhân vật của anh có bản sắc hoàn toàn khác biệt, đáng nhớ hơn hẳn so với người đồng nghiệp.

Còn Jason Momoa đem đến hình ảnh Hải Vương vừa ngầu, vừa bụi bặm, nhưng vẫn rất hài hước và đa cảm. Hoàn cảnh và năng lực của hai nhân vật sau này sẽ được khai thác kỹ lưỡng hơn trong các bộ phim riêng của họ.

Sau thành công của phim riêng Wonder Woman, nhân vật nữ hùng do Gal Gadot thủ vai trở thành biểu tượng yêu thích mới của khán giả hâm mộ DCEU. Không ngạc nhiên khi bóng hồng duy nhất của Justice League được ưu ái cho khá nhiều đất diễn, cùng vai trò truyền cảm hứng quan trọng. Và Gadot tiếp tục thành công trong nhiệm vụ hóa thân thành nữ thần chiến binh Amazon mạnh mẽ, quả cảm và không kém phần xinh đẹp.

Với màn ra mắt ấn tượng trong Batman v Superman: Dawn of Justice, Ben Affleck được kỳ vọng sẽ nâng tầm nhân vật Hiệp sĩ Bóng đêm - đầu não của cả đội trong tác phẩm mới. Song, sự thể hiện của anh có phần hụt hơi so với các đồng nghiệp.

Batman ở Justice League thiếu đi một cái đầu lạnh với cá tính quyết đoán, đầy mưu lược cần thiết mà người hâm mộ kỳ vọng. Anh vẫn cẩn thận và liều lĩnh ở một số quyết định quan trọng, nhưng chưa đủ thuyết phục và đáng nhớ.

Chưa kể, với nhiều đất diễn hơn, diễn xuất hạn chế của Ben Affleck ngày càng lộ rõ. Gương mặt đơ cứng của anh cứ thế lặp đi lặp lại, nhất là khi siêu anh hùng trở lại nhân dạng Bruce Wayne ngoài đời thường.

Hành động hoành tráng, nhưng thiếu điểm nhấn

Justice League sở hữu mảng hành động khá hoành tráng với những trường đoạn giao đấu xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, lối dựng phim gấp gấp với việc chuyển cảnh, cắt cảnh liên tục khiến cho các cảnh hành động trong phim bị thiếu liền mạch, hoặc ngắn, cụt và rời rạc. Hậu quả là phần hành động trong phim thiếu sự kịch tính và không có điểm nhấn nào đáng kể.

Bên cạnh đó, kỹ xảo của bộ phim còn tồn tại nhiều vấn đề. Là bom tấn được đầu tư cực lớn, nhưng không ít cảnh phim của Justice League lộ rõ kỹ xảo hình ảnh giả tạo, như phần gương mặt của Superman (Henry Cavill) và đặc biệt là tạo hình cùng cử động của nhân vật phản diện Steppenwolf. Đây chắc chắn là điểm trừ không đáng có đối với một tác phẩm lớn có vai trò quyết định tới vận mệnh của cả DCEU.

Mảng hành động chiếm phần lớn trong phim, nhưng không để lại phân cảnh nào đáng nhớ cụ thể.

Phần âm nhạc vốn là điểm nhấn của các tác phẩm thuộc DCEU giờ cũng trở thành điểm trừ đáng tiếc. Nhạc nền do Danny Elfman biên soạn hoàn toàn mờ nhạt và lép vế nếu so với những gì Hans Zimmer và Junkie XL từng thực hiện trong Man of Steel hay Batman v Superman: Dawn of Justice.

Bản nhạc nền lừng danh của chính Elfman trong Batman phiên bản năm 1989 được tái sử dụng có thể gây ấn tượng ở một vài phân cảnh, nhưng giờ nó đã quá lỗi thời, không đủ để gánh vác cả một tác phẩm đồ sộ như Justice League.

Điểm yếu ở phần kịch bản và dựng phim

Justice League sở hữu câu chuyện tươi sáng, đơn giản và dễ theo dõi. Tiếc rằng kịch bản phim lại chưa phát triển tốt bản thân câu chuyện. Nhiều sự kiện quan trọng xảy ra và có cách giải quyết đơn giản, thiếu chi tiết xây dựng, giải thích. Điều này khiến bộ phim trở nên hời hợt, thiếu thuyết phục.

Nhiều chi tiết hài hước được đưa vào nhằm giúp cho bầu không khí tác phẩm trở nên tươi sáng hơn. Nhưng bên cạnh một số phân đoạn gây cười hợp lý đến từ The Flash, thì cũng còn không ít cảnh gượng gạo, lệch tông so với bầu không khí chung.

Bên ngoài nhóm Liên minh Công lý, hệ thống nhân vật phụ xuất hiện khá mờ nhạt và đều chỉ dừng lại ở vai trò khách mời nhằm gợi mở cho các tác phẩm tiếp theo. Đó là viên cảnh sát trưởng James Gordon (J. K. Simmons), hay người cha đang thụ án tù của The Flash - Henry Allen (Billy Crudup). Họ hoàn toàn có thể bị xóa bỏ mà không gây ảnh hưởng gì tới cốt truyện chung.

Cách kể chuyện và dựng phim của Justice League thực sự có vấn đề.

Vai phản diện trong phim không tạo ra hiệu quả mong đợi. Công bằng mà nói, Steppenwolf ban đầu cho thấy mình là ác nhân thuộc dạng khá, với tính cách mạnh mẽ, tàn bạo và không phải là kẻ “nói nhiều hơn làm”. Nhưng ấn tượng cuối cùng mà nhân vật này tạo ra quá mờ nhạt so với Zod của Man of Steel, hay cả Doomsday trong Batman v Superman.

Steppenwolf không thành công trong việc tạo ra sự khủng bố, tuyệt vọng cho nhóm nhân vật chính và khán giả. Rốt cuộc, hắn trở thành gã ác nhân “đầu voi đuôi chuột” và thực sự đáng quên.

Khâu dựng phim cũng là vấn đề đáng bàn. Dường như lo ngại thời lượng lớn sẽ khiến khán giả khó theo dõi, Warner Bros. yêu cầu ê-kíp cắt dựng Justice League gọn gàng hơn xuống thời lượng hai tiếng.

Với một tác phẩm có quy mô lớn, khoảng thời gian khiêm tốn ấy lập tức khiến vấn đề nảy sinh. Mọi sự kiện diễn ra quá nhanh, liên tục “đến và đi” đầy đơn giản và dễ dàng. Người xem chưa kịp nắm rõ tinh thần của một sự kiện nào đó thì phân cảnh tiếp theo đã diễn ra.

Hậu quả là người xem như phải theo dõi một bộ phim đang bị tua nhanh, thiếu khoảng lặng, thiếu điểm nhấn và thiếu cao trào cần thiết. Sự hấp dẫn, kịch tính của tác phẩm càng về cuối càng suy giảm, khi khán giả chẳng thể kết nối, đồng cảm với nhân vật.

Nhìn chung, Justice League cho thấy rõ bước chuyển mình của Warner Bros. trong việc tái định hình đường lối phát triển của DCEU trong tương lai: tươi sáng, đậm chất giải trí và phù hợp với đại chúng hơn.

Là một xuất phẩm lai tạp giữa hai luồng tư tưởng khiến bản thân bộ phim trở nên nửa vời. Dù sao, đây vẫn là tác phẩm giải trí đáng để thưởng thức, đặc biệt là với những fan của truyện tranh DC.

Phim bắt đầu trình chiếu trên toàn quốc từ 17/11 dưới tựa Justice League: Liên minh Công lý.

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/justice-league-lien-minh-cong-ly-giai-tri-nhung-thieu-diem-nhan-post796888.html