JÜRGEN KLINSMANN: Từ cậu bé bán bánh mỳ đến cầu thủ săn bàn của bóng đá Đức

Xuất thân từ một cậu bé bán bánh mỳ ở nước Đức, Klinsmann đã trở thành một trong những tiền đạo nổi tiếng bậc nhất làng bóng đá thế giới.

Klinsmann - cầu thủ đầy trách nhiệm, luôn chiến đấu đến phút cuối cùng.

Klinsmann - cầu thủ đầy trách nhiệm, luôn chiến đấu đến phút cuối cùng.

NGƯỜI THỢ LÀM BÁNH MÌ VÀ TAY SĂN BÀN THIÊN BẨM

Sau thế chiến thứ hai, kinh tế nước Đức rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Những người lao động bình thường phải rất vất vả để kiếm sống. Điều đó cũng không là ngoại lệ với một người vô danh như Siegfried Klinsmann. Siegfried đã phải làm việc nhiều nơi trước khi dừng lại ở Goeppingen, bang Baden-Wuerttemberg, nơi ông hành nghề làm bánh mỳ và thầy dạy thể dục dụng cụ.

Với bốn người con trai, Siegfried hình dung ra viễn cảnh sẽ có một đội thể dục gia đình. Tuy vậy, người con trai thứ hai của ông, Jürgen Klinsmann, lại tỏ ra thích thú với quả bóng di động hơn là những dụng cụ cố định. Quan sát tỉ mỉ Jürgen chơi bóng, Siegfried nhận thấy rằng con trai mình thật sự có năng khiếu bóng đá. Loại bỏ những bài tập thể dục bắt buộc, ông để Jürgen tự do theo đuổi trái

bóng tròn.

Tám tuổi, Klinsmann bắt đầu chơi bóng cho đội trẻ TB Gingen, một đội bóng nghiệp dư địa phương. Có một câu chuyện nổi tiếng rằng trong trận đấu giữa TB Gingen và SV Aichelberg, Klinsmann đã ghi đến 16 bàn trong trận thắng 20-0 của TB Gingen. Hơn thế nữa, kết thúc mùa giải ấy, cậu bé mới 9 tuổi này ghi được tổng cộng 106 bàn thắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Klinsmann là một tay săn bàn thiên bẩm.

Năm 1978, khi Jürgen lên 14 tuổi, ông Siegfried sở hữu được tiệm bánh mì ở Botnang, vùng ngoại ô thành phố Stuttgart, thủ phủ bang Baden-Wuerttemberg. Gia đình Klinsmann chuyển đến đó sinh sống. Ngoài những giờ tập đá bóng, Jürgen có thêm một công việc nữa là phụ giúp gia đình trông coi tiệm bánh mỳ. Từ hai bàn tay trắng, bằng sức lao động của mình, ông Siegfried đã gầy dựng nên một gia đình với khả năng kinh tế và đời sống đi vào ổn định. Chính vì thế, ông hiểu rõ giá trị của việc lao động chăm chỉ, thái độ làm việc, và cả ý thức, trách nhiệm với gia đình.

Chính điều này đã tác động lớn đến sự nghiệp của Jürgen sau này, giúp anh trở thành một cầu thủ mẫu mực, giàu sức chiến đấu và khát khao chiến thắng, một huấn luyện viên hết mình vì công việc và một người đàn ông trong gia đình đầy trách nhiệm. Trong cuốn sách viết về Klinsmann, tác giả Michael Horeni đã dẫn lại lời dạy của người cha Siegfried dành cho Jürgen: “Hãy trung thực trong thi đấu, khiêm tốn trong chiến thắng, chấp nhận thất bại mà không đố kị và luôn có thái độ đứng đắn”. Và khi giã từ cõi đời vào năm 2005, có lẽ người thợ làm bánh mì này đã rất mãn nguyện về đứa con trai của mình.

SỰ NGHIỆP CẦU THỦ LỪNG LẪY

Dẫu cho lấy được tấm bằng Diploma cho nghề làm bánh mì năm 18 tuổi, nhưng đứa con trai thứ hai, Jürgen, của ông Siegfried Klinsmann vẫn không nối nghiệp cha, mà trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ngay từ những ngày đầu tiên đã cho thấy đó là lựa chọn đúng đắn, để rồi sau này Jürgen đã có một sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy.

Năm 1980, sau khi gia nhập đội trẻ của Stuttgart Kickers được 2 năm, Klinsmann đã được gọi vào đội U-16 quốc gia, đội được dẫn dắt bởi huyền thoại Berti Vogts. Từ đó, sự nghiệp của anh thăng tiến nhanh chóng. Klinsmann được kí hợp đồng chuyên nghiệp lần đầu tiên năm 17 tuổi với Stuttgart Kickers để góp mặt cùng đội này chơi tại giải hạng Hai của Đức. Sau khi chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Klinsmann với 19 bàn thắng cho Kickers ở mùa giải 1983-1984, đội bóng đang chơi tại giải hạng Nhất VfB Suttgart đã đưa anh về sân Neckarstadion, tên gọi sân nhà của VfB lúc bấy giờ.

Ngay trong mùa giải đầu tiên, Klinsmann đã ghi đến 15 bàn thắng, trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng thứ hai cho VfB. Những mùa giải sau đó, sự tiến bộ không ngừng đã mang lại cho anh những thành công đầu tiên. Ngày 12/12/1987 đã trở thành một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Klinsmann, anh được huấn luyện viên đội tuyển Tây Đức, ông Franz Beckenbauer, cho ra sân trong trận gặp Brazil tại Brasilia, đánh dấu lần đầu tiên khoác áo “Die Mannschaft”, để rồi 5 tháng sau đó, anh có bàn thắng đầu tiên ở đội tuyển quốc gia. Hơn thế nữa, cuối mùa giải ấy, chàng tiền đạo này được bầu là cầu thủ của năm của bóng đá Tây Đức.

Và rồi tên tuổi của Klinsmann lan rộng sang các giải bóng đá lớn ở châu Âu, được những “đại gia” như Barcelona, Inter Milan... để ý và mời gọi. Sau khi kết thúc mùa giải 1988-1989 trong màu áo VfB Stuttgart, anh lên đường sang Italia để đến với đội bóng sọc đen - xanh thành Milan, Inter, bắt đầu những năm tháng dài chơi bóng ở nhiều nước. Klinsmann là một trong số ít những cầu thủ Đức từng thi đấu tại 4/5 giải đấu mạnh hàng đầu châu Âu - gồm Đức, Italia, Pháp, và Anh. Và ở nước nào, anh cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cổ động viên không chỉ qua những màn trình diễn trên sân cỏ, mà còn là sự thông thạo ngôn ngữ của những nước ấy và những thái độ đứng đắn với mọi người, đức tính mà anh học từ người cha. Có lẽ vì vậy mà Klinsi, như theo cái cách mà cổ động viên gọi anh, trở thành một trong những cầu thủ Đức được nhiều người yêu thích nhất, từ khi còn là cầu thủ cho đến khi giã từ sự nghiệp thi đấu.

Tại Italia, Klinsmann từng giúp Inter vô địch UEFA Cup năm 1991. Sang Pháp, anh đưa Monaco vào đến bán kết Champions League năm 1994. Đến Anh, Klinsmann đã chinh phục được giới truyền thông và cổ động viên nước này, những người thường hiếm dành cho người Đức một mối thiện cảm nào, khi được bầu chọn là cầu thủ suất sắc nhất giải Ngoại hạng. Italia và Anh cũng là những mảnh đất ghi dấu những vinh quang của Klinsmann trong màu áo của đội tuyển quốc gia Đức khi lần lượt anh nâng cao chiếc cup vô địch tại World Cup 1990 và EURO 1996.

Nhắc đến Klinsmann, người ta nhớ đến đó là một cầu thủ đầy trách nhiệm, luôn chiến đấu đến phút cuối cùng. Đó là chàng tiền đạo tóc vàng với những bước chạy dũng mãnh, nhanh nhẹn mà mềm mại, có thể ghi bàn từ nhiều vị trí, trong lẫn ngoài vòng cấm, với nhiều kiểu dứt điểm đa dạng và tinh tế, từ vô lê, đánh đầu và nhất là kiểu “xe đạp chổng ngược” đặc trưng. Đó là hình ảnh của người luôn khát khao ghi bàn, khát khao chiến thắng mỗi khi chứng kiến anh lao mình xuống mặt cỏ như một chiến phi cơ sau những pha ăn mừng bàn thắng.

Kết thúc EURO 2004, đội tuyển Đức không vượt qua vòng đấu bảng. Đó là một thất bại đáng hổ thẹn cho một đội tuyển từng ba lần vô địch thế giới và 3 lần vô địch châu Âu. Ông Rudi Völler ngậm ngùi rời chiếc ghế huấn luyện viên trưởng. Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) tìm người thay thế. Hàng loạt những tên tuổi lão làng như Ottmar Hitzfeld, Jupp Heynckes, Otto Rehhagel... được nhắc đến nhưng rồi chiếc ghế trống vẫn không thuộc về họ.

Có người cho rằng những nhân vật này không nhận chức huấn luyện viên trưởng là vì họ không muốn tự làm khó mình bởi đội tuyển lúc này như một đống đổ nát. Hơn thế nữa, bóng đá Đức đang khan hiếm nghiêm trọng thế hệ kế cận, trong khi World Cup 2006, giải đấu được tổ chức trên sân nhà, đang đến gần. Và rồi DFB đã chọn Klinsmann, như cái cách từng chọn những “công thần” của “Die Mannschaft” trước kia cho vị trí huấn luyện viên đội tuyển quốc gia: Beckenbauer, Berti Vogts, Völler... với hy vọng Klinsmann sẽ mang về thành công như họ. Tuy nhiên, giới bóng đá, truyền thông, người hâm mộ lại không nghĩ vậy, họ tỏ ra hoài nghi bởi cho dù là một cầu thủ xuất sắc, Klinsmann chưa có tí kinh nghiệm trận mạc nào với tư cách là huấn luyện viên, đội tuyển lại đang trong tình thế rất khác. Nhưng Klinsmann biết mình phải làm gì.

Trong một khóa học huấn luyện viên bóng đá, Klinsmann gặp một Joachim Loew, người hiện nay đang dẫn dắt đội tuyển Đức. Sau những cuộc trao đổi, họ nhận ra rằng mình có nhiều điểm tương đồng trong triết lí bóng đá và trong những ý tưởng xây dựng lại một đội tuyển Đức. Cả hai thấy rằng cần phải thay đổi triệt để đội tuyển, từ nhân sự đến lối chơi, trong đó nhấn mạnh những nhân tố trẻ và lối chơi tấn công. Loew, vượt qua ứng viên Ralf Rangnick, về làm trợ lý cho Klinsmann và họ đã cùng nhau bắt đầu những kế hoạch của mình.

Trước tiên, một bản kế hoạch xây dựng những trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ trên toàn nước Đức được trình lên cho DFB và được chấp nhận. Tiếp đến, hàng loạt những cầu thủ còn rất trẻ như Robert Huth, Lukas Podolski, David Odonko... được trao cơ hội góp mặt ở đội tuyển. Sau đó là thay đổi lối chơi. Đội tuyển Đức dưới thời Klinsmann luôn lấy tấn công làm chủ đạo, chơi khoáng đạt và tốc độ, điều mà hiếm khi người ta nhìn thấy ở đội tuyển vốn mang dáng dấp của một cỗ xe tăng lầm lì trước đây. Phong cách đó cũng được áp dụng một cách có hệ thống cho các đội trẻ quốc gia như U-21 nhằm tạo nên một sự kế thừa, tránh sự đứt đoạn.

Tuy nhiên, những kết quả đầu tiên lại không mang nhiều dấu hiệu tích cực. Đội tuyển phải chịu nhận khá nhiều những thất bại trong các trận đấu giao hữu. Hơn thế, hàng thủ ngày càng lỏng lẻo và chưa thấy triển vọng cải thiện, cho dù hàng công chơi có nét và hiệu quả. Klinsmann ngày càng nhận nhiều sức ép và những lời chỉ trích, nhất là việc thường xuyên đi lại giữa Đức và Mỹ, làm việc qua internet. Vậy nhưng Klinsmann vẫn kiên định tin vào những lựa chọn của mình, chấp nhận áp lực và tiếp tục công việc.

Trồng cây rồi cũng có ngày hái quả. Đội tuyển Đức dưới sự dẫn dắt của Klinsmann và cánh tay phải đắc lực Loew đã trình diễn một bộ mặt khác hẳn, đầy tươi sáng tại World Cup 2006. Với lối chơi tấn công hấp dẫn, đội tuyển của nước chủ nhà, trước giải không được đánh giá cao, đã giành huy chương đồng. Đó được xem là một thành công trong hoàn cảnh hiện tại của bóng đá Đức. Và cũng là thành công đầu tay của Klinsmann.

CHƯƠNG NGUYỄN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-thao/202102/jurgen-klinsmann-tu-cau-be-ban-banh-my-den-cau-thu-san-ban-cua-bong-da-duc-920774/