Jurgen Gede, cảm ơn và tạm biệt!

Sau vòng chung kết U.19 châu Á 2016 tại Bahrain mà Quang Hải và các đồng đội lập kỳ tích lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết, đoạt vé dự World Cup U.20, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận công lao của Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Jurgen Gede là rất lớn. Ông Tuấn chia sẻ chính việc theo dõi và chỉ ra cách tấn công của chủ nhà Bharain chỉ tập trung vào trung lộ mà U.19 Việt Nam đã thay đổi chiến thuật để có chiến thắng quyết định ở trận tứ kết.

HLV Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao ông Gede (trái)

HLV Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao ông Gede (trái)

Đó là nền tảng mở đầu cho 2 năm rực rỡ 2018-2019 sau đó của bóng đá Việt Nam và ông Gede cũng góp phần thầm lặng sát cánh cùng HLV Park Hang-seo trong đỉnh cao á quân U.23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) với vai trò trinh sát, do thám đối thủ (trước đó ở SEA Games 2017, HLV Hữu Thắng từ chối sự có mặt của ông, kết quả U.23 Việt Nam bị loại sau vòng bảng). Tư vấn nhưng vị GĐKT cư xử rất đúng mực, chỉ tham gia góp ý mà không lấn sân công tác chuyên môn của HLV trưởng.

Với 20 năm kinh nghiệm làm HLV các CLB Đức và châu Á, trong 2 nhiệm kỳ 4 năm, cựu danh thủ của CLB Schalke 04 đã đóng góp không nhỏ cho các đội tuyển trẻ Việt Nam với vai trò cố vấn cho HLV trưởng tại các giải quốc tế. Hiếm có “ông Tây” GĐKT nào chịu khó lặn lội, “có mặt trên từng cây số” kể cả các sân bóng tỉnh lẻ, theo dõi sát sao các giải đấu trẻ ở mọi cấp độ để tìm kiếm nhân tài cho các đội tuyển như Gede (2 cầu thủ từ U.21 SLNA là Xuân Mạnh và Phan Văn Đức chính là từ sự tiến cử của ông với HLV Park).

Chính vì vậy mà VFF, dù phải nói thẳng là không thực tình cần một ông GĐKT, quyết định lần thứ 2 tái ký hợp đồng với Jurgen Gede (bản hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 6-2020) với tự tin “bản thân ông Gede cũng muốn ở lại với bóng đá Việt Nam”. Tuy nhiên cuộc thương thảo đã thất bại, vị chuyên gia 64 tuổi người Đức quyết định chia tay với dải đất hình chữ S.

Có thể vì không đạt được thỏa thuận về giá trị bản hợp đồng mới (nhất là trong bối cảnh lương của HLV Park Hang-seo tăng “khủng”) nhưng theo chúng tôi, lý do chính khiến ông Gede ra đi là do đôi bên không gặp nhau trong vai trò, vị trí của chức danh GĐKT. Theo đúng nghĩa đây là “bộ não”, “kiến trúc sư” của cả nền bóng đá, có nhiệm vụ hoạch định chiến lược dài hơi từ bóng đá trẻ đến các đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, trên thực tế ông Gede chỉ “hữu danh vô thực”, suốt 4 năm qua chỉ được VFF sử dụng “hỗ trợ” cho bóng đá trẻ, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Thậm chí hơn 1 năm qua, ông Gede còn không xuất hiện ở các giải đấu trẻ quốc tế nữa.

Lãnh đạo VFF khẳng định đã có kế hoạch và ứng viên thay thế, nhưng hẳn người ta còn nhớ trước ông Gede, một GĐKT rất có tài và tâm huyết người Đức khác là Rainer Wilfeld đã bị VFF thờ ơ, lãng phí ra sao. Ngày ấy, ông Wilfeld đến Việt Nam theo sự hợp tác giữa 2 Chính phủ nên VFF không phải trả đồng lương nào nhưng hầu như không bố trí công việc. Tại AFF Cup 2004, vị GĐKT phải tự nguyện vác camera đi quay phim các trận đấu của đối thủ để tư vấn cho HLV Calisto (tuyển Việt Nam năm ấy đang chuyển giao lực lượng nhưng bất ngờ giành HCĐ) và sau đó rời Việt Nam không kèn không trống sau 4,5 năm… không có chuyện gì làm(?).

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202005/jurgen-gede-cam-on-va-tam-biet-3001889/