Jupviec và câu chuyện khởi nghiệp thành công làm thay đổi mô hình giúp việc

Nền tảng kết nối nhu cầu của người giúp việc và các gia đình thông qua ứng dụng di động JupViec.vn vừa được Quỹ đầu tư Mỹ Patamar Capital công bố rót vốn đầu tư.

Phan Hồng Minh, người sáng lập JupViec

Mô hình doanh nghiệp xã hội hướng đến nữ giới của JupViec trở thành một trong số ít dự án được các quỹ quan tâm trong việc đầu tư, tạo ra sự tác động rộng lớn đến cộng đồng.

Kinh doanh hướng đến cộng đồng

Patamar Capital (trước đây là Unitus Impact) là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ, được xem là quỹ đầu tư năng động nhất khu vực Đông Nam Á trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (social impact venture capital fund).

Patamar chuyên đầu tư vào các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng (series A) nhằm thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho người có thu nhập thấp tại những thị trường mới nổi tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Trước đó, quỹ này đã đầu tư vào một số startup có tiếng tại Việt Nam như Topica và iCare Benefits của Mobivi.

Chia sẻ quyết định đầu tư, bà Đỗ Hồng Yến - Đại diện Patamar tại Việt Nam cho biết: "Là nhà đầu tư tác động xã hội, chúng tôi dùng "lăng kính giới tính" để đưa ra quyết định này. Patamar tin rằng sự phát triển của JupViec sẽ mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những phụ nữ làm nghề giúp việc, đồng thời giúp thay đổi cách nhìn của cộng đồng về một nghề hết sức cần thiết cho xã hội nhưng thường bị đánh giá thấp".

JupViec ra đời năm 2012 và từng bước đưa mô hình này vào cộng đồng. Trong năm đầu tiên họ mới kết nối được 50 người giúp việc với 500 khách hàng. Năm 2015 tăng lên khoảng 200 người với 3.000 khách hàng. Thời điểm đó Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (CAV) đã đánh giá mô hình này tiềm năng, rót vốn tiếp tục ươm tạo và thúc đẩy JupViec phát triển. Đây cũng là công ty đầu tiên trong lĩnh vực lao động phổ thông tại Việt Nam nhận được vốn đầu tư từ một quỹ mạo hiểm.

Tính đến thời điểm hiện tại, JupViec đã kết nối hơn 3.000 người giúp việc với hơn 60.000 khách hàng cùng gần 2 triệu giờ làm/năm. JupViec có các dịch vụ cung cấp người làm theo khung giờ và theo công việc đăng ký, người giúp việc toàn thời gian trong ngày, người làm dịch vụ vệ sinh sau xây dựng cho các tòa nhà chung cư, khu đô thị mới, cao ốc văn phòng và các hộ gia đình...

Tuy nhiên, con số Jupviec đạt được vẫn còn rất nhỏ trong thị trường dịch vụ rộng lớn này. Phan Hồng Minh - CEO và là người sáng lập JupViec - cho biết: "Thị trường vô cùng lớn, có rất nhiều người cần việc và người cần tìm người giúp việc. Mục tiêu của chúng tôi là cải tiến công nghệ, tăng tính tự động hóa để tăng chất lượng dịch vụ, giới thiệu thêm các dịch vụ mới và mở rộng hoạt động ra các tỉnh, thành".

Mô hình JupViec hướng tới là không ngừng tối ưu hóa dịch vụ để hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của phụ nữ Việt Nam, khi mô hình nhận được hỗ trợ là động lực lớn. "Với vòng đầu tư này, chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng mô hình ra các tỉnh, đồng thời giới thiệu thêm các tiện ích mới giúp khách hàng tối ưu thời gian và thuận tiện hơn trong cuộc sống", Phan Hồng Minh chia sẻ.

Thay đổi cách thức làm việc

Theo bà Yến, Patamar chọn đồng hành cùng sự phát triển của JupViec vì sau thời gian cùng làm việc họ cảm thấy bị thuyết phục bởi các chỉ số kinh doanh, tiềm năng thị trường và đội ngũ nhân sự nhất quán với sứ mệnh cải thiện cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Thời điểm JupViec ra đời, dịch vụ còn khá mới mẻ, việc tìm kiếm, tuyển chọn người làm tại các gia đình thông qua quan hệ họ hàng hoặc dựa vào cảm tính. Trước đó, nghề giúp việc được xem là nghề không đòi hỏi chuyên môn cao, chưa có quy chuẩn để đánh giá là một khó khăn lớn.

Khác với các mô hình kinh doanh khác, đối tượng của JupViec đa số là phụ nữ, họ ở khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, rất nhiều người ở các làng quê nghèo, ít có cơ hội học tập. Trong khi phía có nhu cầu thuê người giúp việc đa số là người có công việc với thu nhập tốt, cần có thời gian để tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Thay vì mỗi gia đình chi trả trọn gói cho người làm mà vẫn khó tìm được người phù hợp, thông qua kết nối các nguồn lực, nhiều hộ tìm được người làm, đồng thời nhiều phụ nữ dễ dàng tìm thêm việc làm vào lúc rảnh rỗi để tăng thu nhập.

Mô hình Hồng Minh gầy dựng đã góp phần thay đổi ngành giúp việc truyền thống, đưa quan điểm hiện đại về nghề vào dịch vụ, hướng thị trường theo cách chuyên nghiệp hơn. JupViec đi theo xu hướng dịch vụ giúp việc theo giờ với ưu điểm đặc thù của nền kinh tế chia sẻ là tiết kiệm chi phí, giảm tính phụ thuộc và thuận tiện cho khách hàng. Mô hình online kết hợp offline đã giúp họ tối ưu hóa nguồn lực và chi phí, đảm bảo phát triển ở quy mô lớn vẫn đáp ứng được chất lượng theo cách thức nhanh nhất mọi lúc và mọi nơi.

Bằng việc áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo và quản lý người lao động, họ tạo ra mô hình theo nhu cầu, giải quyết những khó khăn cụ thể ở các gia đình. Người lao động được sàng lọc và đào tạo đủ tiêu chuẩn trước khi cung ứng.

JupViec cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản về giúp việc gia đình, từ nấu ăn cơ bản, phân loại áo quần, cách chăm sóc trẻ... cho đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp hơn, xử lý tình huống và tác phong làm việc hiện đại phù hợp với công việc cụ thể khách hàng yêu cầu, từ hộ gia đình đến dịch vụ tại các tòa chung cư, khu đô thị, cao ốc văn phòng...

Tiến thêm một bước, năm 2016, JupViec đưa vào vận hành Trung tâm Đào tạo người giúp việc theo tiêu chuẩn Singapore, với sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) - đơn vị có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chia sẻ nỗ lực theo đuổi mô hình JupViec, Hồng Minh cho rằng thị trường rộng lớn đủ cho các doanh nghiệp cùng cạnh tranh và phát triển, luôn có cơ hội cho mọi người. "Thách thức lớn thì cơ hội lớn. Sứ mệnh của chúng tôi là "thay đổi cuộc sống phụ nữ Việt Nam", điều tối quan trọng với tôi hiện nay là sự kiên định với mục tiêu đề ra với thời gian đủ dài cho mô hình kinh doanh đã chọn lựa".

Theo Doanh nhân Sài Gòn

TGO

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/jupviec-va-cau-chuyen-khoi-nghiep-thanh-cong-lam-thay-doi-mo-hinh-giup-viec-15839.htm