'Joyeux Noël' - câu chuyện Giáng sinh kỳ lạ thời Thế chiến I

Bộ phim của đạo diễn Christian Carion kể lại khoảnh khắc khó tin nơi chiến địa châu Âu máu lửa giữa những năm 1910 khi binh lính các phe ngừng bắn, cùng chung vui đêm Giáng sinh.

Mùa hè năm 1914, có lẽ không người dân châu Âu nào có thể ngờ rằng những đốm lửa xung đột ở “lục địa già” sẽ bùng cháy trở thành Thế chiến I - cuộc chiến với quy mô hủy diệt bậc nhất mà loài người chưa từng chứng kiến cho đến thời điểm đó.

 Joyeux Noël là bộ phim ra đời năm 2005 của đạo diễn Christian Carrion.

Joyeux Noël là bộ phim ra đời năm 2005 của đạo diễn Christian Carrion.

Những trận chiến hầm hào kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời của cuộc đại chiến, đã hủy diệt không biết bao nhiêu sinh mạng người dân và binh sĩ cả hai phe, cũng như đẩy hàng triệu số phận ở các quốc gia tham chiến vào những khúc quanh khó lường.

Một số phận nhỏ bé như thế là Nikolaus Sprink (Benno Fürmann) - một ca sĩ opera có tiếng ở Berlin, Đức. Anh phải giã từ sự nghiệp và người vợ hiền Anna Sørensen (Diane Kruger) để lên đường ra trận.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Đức cha Palmer (Gary Lewis) cũng quyết định rời bỏ quê hương Scotland để trở thành Cha tuyên úy giữa những chiến hào miền bắc nước Pháp nhằm làm chỗ dựa về mặt tinh thần cho những người lính hàng ngày phải đối mặt với cái chết như Gordon (Alex Ferns) hay Jonathan (Steven Robertson).

Cũng đang đối đầu với những tay lính Đức để bảo vệ quê hương là viên sĩ quan người Pháp Camille René Audebert (Guillaume Canet) - người hàng ngày chiến đấu trong nỗi lo sợ cho gia đình nhỏ của mình đang kẹt lại ở một vùng làng quê đã rơi vào vòng kiểm soát của đối phương.

Tác phẩm từng nhận đề cử Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Nhưng trong đêm Giáng sinh, khi tuyết rơi phủ trắng mảnh đất chết chóc nơi hàng nghìn người lính đã bỏ mạng, nơi những người còn sống vẫn đang phải từng giờ, từng phút chạy trốn cái chết đến từ súng đạn, bom mìn, lưỡi lê và dây thép gai, đột nhiên binh lính ở cả hai phía chiến tuyến nhận ra rằng mình vẫn khao khát được sống, khao khát được nếm một chút dư vị thanh bình, đầm ấm của đêm Giáng sinh.

Chính cái khát vọng chung ấy đã khiến những cá nhân như Sprink, như Đức cha Palmer, như Audebert, quyết định cùng nhau tạo nên một phép lạ trong đêm Giáng sinh - thời khắc duy nhất không có tiếng súng, không có hận thù giữa Thế chiến I.

Đi tìm sự bình an giữa nơi chiến địa khốc liệt

Là một sản phẩm hợp tác của cả ba quốc gia Anh - Đức - Pháp, bộ phim Joyeux Noël (Giáng sinh vui vẻ) ra đời năm 2005 của đạo diễn Christian Carion là tác phẩm tái hiện hiện tượng đặc biệt từng xảy ra ở một số mặt trận trong Thế chiến I như vùng Frelinghien miền Bắc nước Pháp.

Đó là việc binh sĩ các bên đồng ý ngừng bắn trong đêm Giáng sinh, thậm chí là tổ chức những hoạt động tập thể để kỷ niệm ngày Thiên Chúa Giáng sinh trước khi quay về chiến hào của mình để tiếp tục chuỗi ngày chết chóc đẫm máu.

Xuyên suốt cuộc đại chiến, gần 10 triệu binh lính Pháp, Anh, Scotland, Đức, Nga và nhiều quốc gia khác phải bỏ mạng bởi những cuộc chiến hầm hào ở Ypres, ở Somme, ở Verdun, bởi khí độc lần đầu được áp dụng để “giết nhiều người nhất có thể”, bởi súng máy, xe tăng bắt đầu được sử dụng rộng rãi khiến tỷ lệ thương vong trở nên khủng khiếp.

Dù cuộc chiến đang tới hồi căng thẳng nhất, binh lính hai phe trong Thế chiến I vẫn tìm cách chia sẻ đêm Giáng sinh an lành.

Do đó, Hưu chiến Lễ Giáng sinh quả là một sự kiện đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì sự tương phản giữa một bên là chết chóc, một bên là hòa bình; mà đặc biệt còn bởi thời khắc ngừng bắn trong đêm Giáng sinh cho thấy ngay giữa tột đỉnh của hận thù và bạo lực, thì nhân tính, sự khao khát đoàn tụ, khao khát hơi ấm gia đình vẫn có chỗ đứng trong lòng mỗi cá nhân dù họ đang bị cuốn vào cuộc chiến bất tận.

Để làm nổi bật chủ đề ấy, đạo diễn Christian Carion đem tới cho khán giả phân đoạn mở đầu cực kỳ ấn tượng với giọng đọc tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Đức của ba đứa trẻ ngây thơ đang lặp lại những câu rao giảng trong sách giáo khoa của mỗi quốc gia về “chân lý” rằng ba dân tộc Anh, Pháp, Đức không thể cùng chung sống trên mảnh đất châu Âu, cũng như “chỉ có thể giết họ, chúng ta mới được sống”.

Tiếp nối mạch phim ấy, Carion và nhà quay phim Walther Vanden Ende khắc họa một cách sống động sự dữ dội của Thế chiến I - nơi bất cứ bên nào “thò đầu” ra khỏi chiến hào hoặc đặt chân vào mảnh đất không người (No Man’s Land) giữa hai chiến tuyến, đều bị coi là đã tự ký giấy khai tử cho bản thân.

Tất nhiên, toàn bộ sự hận thù, bạo liệt, chết chóc ấy chỉ được đạo diễn kiêm biên kịch Christian Carion sử dụng để làm nền cho trung tâm của Joyeux Noël: những thời khắc lạ lùng nhất của chiến tranh trong đêm Giáng sinh hưu chiến.

Những người hôm qua có thể giết nhau bằng lưỡi lê, ngày mai có thể bắn tỉa nhau bằng súng trường, nay lại chia sẻ mảnh sôcôla, chai rượu, rồi cùng ngồi cầu nguyện, cùng nghe thánh ca, hay thậm chí cùng đá bóng và thu dọn xác chết đồng đội.

Với những ai không nắm rõ lịch sử Thế chiến I, những tình huống như thế trong địa ngục chiến tranh quả là khó tin, dù ngay từ đầu ê-kíp khẳng định đây là tác phẩm “dựa trên sự kiện có thật”. Nhưng dù có tin hay không, khi theo dõi đêm Giáng sinh kỳ lạ, người xem cũng tìm thấy cảm giác thư thái, bình an. Đó quả là hiệu ứng hiếm thấy từ một tác phẩm chọn đề tài chiến tranh.

Ước vọng của mỗi con người trong đêm Giáng sinh

Nói về một câu chuyện rất dễ lấy lòng khán giả và có phần hình ảnh và nhạc phim xuất sắc, nhưng Joyeux Noël không hẳn là một tác phẩm hoàn hảo khi kịch bản còn chứa đựng vài trường đoạn ủy mị lạc lõng so với bầu không khí chung. Đồng thời, diễn xuất của dàn diễn viên trong phim không thực sự đáng nhớ, đặc biệt là Diane Kruger trong vai Anna Sørensen.

Bởi vậy, tuy nhận đề cử giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, nhưng nếu chỉ xét Joyeux Noël như một tác phẩm về đề tài chiến tranh của Pháp, thì bộ phim thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn Christian Carion vẫn còn thua những tác phẩm xuất sắc khác cùng thể loại như Un long dimanche de fiançailles (2004) hay Indigènes (2006).

Câu chuyện trong phim mang tính nhân văn rất cao khi cho thấy nhân tính luôn tồn tại trong mỗi cá nhân dù trong thời khắc hiểm nghèo nhất.

Bóng ma lẩn khuất của đám chính trị gia tham vọng và thủ đoạn - những kẻ chỉ coi Sprink, Đức cha Palmer, hay Audebert như con tốt thí trên ván cờ quyền lực trong cuộc đại chiến - cũng phần nào khiến chất lạc quan chất chứa trong những giây phút ngừng chiến vẫn nhuốm màu bi kịch.

Nhưng sau tất cả, không ai theo dõi Joyeux Noël để tìm hiểu bối cảnh khốc liệt của chiến trường hay toan tính thâm hiểm của các nhà lãnh đạo châu Âu trong Thế chiến I. Công chúng tìm đến Joyeux Noël là để thấy những người lính vì niềm tin, vì nỗi nhớ quê hương, vì khát khao bình yên hạnh phúc, đã xích lại gần nhau để cùng đưa ra quyết định đình chiến.

Quyết định hưu chiến dũng cảm ấy của những người lính vốn thường ngày phải đặt cả tính mạng vào tay đám sĩ quan, tướng tá chỉ quan tâm tới mệnh lệnh, tới chiến thắng, là bằng chứng cho thấy ngay giữa thời khắc đen tối nhất, giữa chiến địa khốc liệt nhất, nhân tính vẫn còn đó trong mỗi con người, và chỉ chờ đúng thời điểm để bộc phát, lan tỏa và kết nối.

Và thời điểm ấy chính là đêm Giáng sinh - thời khắc cuối năm khi mỗi người có dịp xích lại gần nhau để chia sẻ tình cảm, sự trân quý, và tất nhiên là cả những bộ phim đáng thưởng thức, như Joyeux Noël.

Việt Phương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/joyeux-noel-cau-chuyen-giang-sinh-ky-la-thoi-the-chien-i-post1028834.html