Jose Mourinho đã lỗi thời?

Phong độ tụt lùi của Tottenham trong giai đoạn quan trọng tại Premier League khiến nhiều người nghi ngờ về cách Jose Mourinho vận hành đội bóng.

Điều gì đang xảy ra ở Tottenham? Tất cả đều hướng đến tâm điểm Jose Mourinho để trả lời câu hỏi đó, và họ cũng bắt đầu tự tin hơn với nhận định bấy lâu nay: “Jose Mourinho đã lỗi thời”.

Jose Mourinho có lỗi thời?

Trận thua 1-3 trên sân nhà, trước một đội bóng mình đã từng dẫn dắt, cộng hưởng thêm những tranh cãi với đồng nghiệp phía đối phương, lẽ ra những chất liệu ấy đủ để báo chí Anh lấy Mourinho ra làm tâm điểm ít nhất phải 3 ngày. Nhưng tất cả chỉ là 1-2 bài báo được đăng tải ngay ngày hôm sau của trận đấu. Sau đó, Mourinho đi vào quên lãng.

Khi báo chí không còn coi Mourinho như một “món ngon” nữa, điều đó có thể đến từ khẩu vị của người đọc. Họ không còn quan tâm đến HLV Bồ Đào Nha như ngày nào. Họ coi ông như bất kỳ một HLV nào khác. Họ nói ông đã lỗi thời. Và họ càng tin vào điều đó hơn khi chính giới chủ Tottenham bắn tiếng đại ý rằng Tottenham không có vé Champions League mùa sau, thì Mourinho cũng không còn được sử dụng nữa.

Có đúng là Mourinho đã lỗi thời hay không? Câu hỏi này bây giờ mới trở nên thú vị thực sự. Ở vào thời đại mà chiến thuật bóng đá được cải tiến hàng ngày, những thứ mang tên “dữ liệu phân tích” ngày càng trở nên “danh giá” hơn trong mắt những người làm bóng đá, có vẻ như Mourinho lỗi thời trước làn sóng những HLV trẻ tài năng đang nổi lên.

 Huấn luyện viên Jose Mourinho đang trải qua mùa giải 2020/21 không thành công cùng Tottenham. Việt hóa: Hà My.

Huấn luyện viên Jose Mourinho đang trải qua mùa giải 2020/21 không thành công cùng Tottenham. Việt hóa: Hà My.

Tuy nhiên, bóng đá dù sao cũng vẫn là những gì được thể hiện trên sân, được nhìn bằng mắt chứ không phải bằng số liệu điện toán. Và hãy nhìn trên sân đi, Mourinho đã thể hiện thế nào?

Triết lý kiểm soát không gian, tạo ức chế cho đối thủ, chờ đợi cơ hội và coi việc không để thủng lưới mới là cơ sở đầu tiên cho việc kiếm tìm chiến thắng được coi là đặc sản của Mourinho từ khi ông ra mắt ở Chelsea cách đây 17 năm. Và nếu ông tiếp tục duy trì triết lý, lối chơi ấy một cách bảo thủ, chúng ta hoàn toàn có thể nhận xét ông đã lỗi thời. Nhưng thực tế, ông không hề bảo thủ đến thế, ông vẫn làm tốt công việc của mình dù kết quả của Tottenham là quá nghèo nàn.

Cách điều chỉnh lối chơi của Mourinho ở thời gian ông làm việc tại Man Utd có lẽ nên được mang ra làm dẫn chứng. Mourinho là người dám thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của một CLB. Nếu ai nói ông không thể tạo ra một đội bóng biết chơi tấn công chủ động, người đó đã sai lầm.

Kể từ khi quay lại Chelsea lần thứ 2, Mourinho đã chứng minh ông hoàn toàn có thể xây dựng lối chơi như thế. Tất nhiên, chúng ta đừng so sánh nó với lối tấn công cống hiến đến liều lĩnh của những đội bóng khác. Lối tấn công của Mourinho luôn có kiểm soát, bởi mạo hiểm là thứ ông không “quen biết” nó bao giờ.

Có một nghịch lý là mùa giải Tottenham có kết quả tệ như mùa 2020/21, thì Harry Kane lại đang chơi như tiền đạo hay nhất Premier League nói riêng và đứng trong top những tiền đạo hay nhất thế giới nói chung. Đó cũng là Harry Kane khác hẳn với những gì chúng ta thấy dưới thời Pochettino. Và đó chính là kết quả của Mourinho với con mắt tinh tường biết khai thác tối đa tiềm năng cầu thủ của mình.

Jose Mourinho biến Kane trở thành chân sút đáng sợ hàng đầu Premier League. Ảnh: Reuters.

Trước đây, Harry Kane thường có một “thói quen xấu” là khởi đầu mùa giải khá chậm chạp. Thường thì phải sau 6-7 vòng đầu, anh mới bắt đầu nóng máy thực sự. Không ai lý giải được nguyên nhân sâu xa, bởi phải có những dữ kiện từ quá trình tích lũy và chuẩn bị của CLB mới có thể phân tích được. Dưới tay Mourinho, thói quen xấu ấy đã không còn. Ngay từ đầu mùa giải, Kane xuất phát với tốc độ cao nhất và trở thành ngôi sao sáng nhất Premier League.

Dưới bàn tay Mourinho, Kane cũng chơi khác hẳn với vùng không gian rộng và đa nhiệm hơn. Chính sự thay đổi này đã khiến tương tác giữa Kane với các vệ tinh xoay quanh anh liền lạc, nhịp nhàng và ăn ý hơn.

PSG đang muốn đưa Kane về, bởi Mbappe có vẻ đã muốn ra đi. Nếu Tottenham thu được tiền tấn từ vụ chuyển nhượng này, họ sẽ phải nhớ đến Mourinho, người đã “mông má” cỗ xe Ferrari của mình trở thành một sát thủ đường đua vua phá lưới.

Lối chơi của Tottenham dưới tay Mourinho cũng không còn là thứ bóng đá chơi với đội hình thấp, tạo nhiều khối phòng ngự dựa vào số đông và chờ cơ hội phản công như Mourinho từng giới thiệu cách đây gần 20 năm. Sự chủ động là thứ chúng ta dễ nhận ra nhất. Cơ hội uy hiếp khung thành cũng nhiều hơn. Cách pressing cũng hiện đại hơn khi các cầu thủ cũng chịu tạo áp lực ngay từ vùng sân đối phương. Điều đó có ý nghĩa gì? Nó chính là sự tiến bộ của chính Mourinho, qua một quá trình tự học.

Tuy nhiên, Tottenham vẫn không có kết quả tốt. Kết quả ấy không phải do chiến thuật của Mourinho không hiệu quả. Nó đến từ nguyên nhân ngoài sân bóng thì đúng hơn. Nó khiến mối nghi ngờ về cái gọi là camarilleros tồn tại trong đội bóng. Ở thế giới Latin, hacer la cama (tiếng Tây Ban Nha) hay cama de gato (tiếng Bồ Đào Nha) là từ lóng có hàm ý các cầu thủ “trải nệm” để gài HLV vào thế bị sa thải. Với Mourinho, có thể có hacer la cama hay không? Đó mới là câu hỏi lớn.

Cách quản trị đã lỗi thời

Jose Mourinho không lỗi thời trong chiến thuật, nhưng đội bóng của ông vẫn chơi không tốt. Và khi ông tuyên bố “HLV vẫn vậy, chỉ cầu thủ là khác”, chúng ta có thể hiểu đã có một rạn nứt nào đó giữa ông và một bộ phận cầu thủ. Rạn nứt ấy là kết quả của điều gì đây ngoài một tiến trình quản trị nhân sự không phù hợp.

Huấn luyện viên vẫn vậy, chỉ cầu thủ là khác

- Jose Mourinho -

Mourinho có những “đặc sản” hiếm có mà ít HLV nào có được là khả năng “tiêu khiển” với truyền thông, khả năng kích thích cầu thủ dựa trên việc tạo ra những áp lực đòi hỏi trong công việc và chỉ ra cho họ nhận diện một “kẻ thù chung”. Dưới sự quản trị của ông, cầu thủ rất dễ bùng nổ, chơi hết năng lượng để chinh phục danh hiệu nhưng sau đó có thể sẽ cảm thấy kiệt quệ. Ở trạng thái ấy, có người sẽ vượt qua sự kiệt quệ và nuôi dưỡng lại năng lượng, nhưng cũng sẽ có người quy hàng trước nó và có phản ứng ngược.

Phương pháp quản trị này của Mourinho đã phát huy rất tốt ở thời kỳ đầu tiên ông làm việc tại Chelsea, rồi sau đó là ở Inter. Tuy nhiên, nó có còn phù hợp với thời đại này hay không, khi các cầu thủ đã là một thế hệ thanh niên khác, thế hệ phần lớn sinh ra vào giai đoạn cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000?

Ở thế hệ Terry, Lampard, Drogba... mối quan hệ giữa người với người gắn kết hơn về thể lý. Lúc ấy chưa có những công cụ mạng xã hội. Truyền thông cũng chỉ chủ yếu là truyền hình và báo chí nên do đó, cầu thủ ít bị phân tâm với các chiều kích khác hơn, và thông điệp Mourinho đưa ra luôn được hiểu một cách thống nhất. Khi ấy, quyền lực HLV của ông vững chắc, mệnh lệnh của ông trực tiếp hơn.

Còn thế hệ mới bây giờ đã khác. Họ có thể tạo các nhóm trên mạng xã hội với những trao đổi thường xuyên hơn. Họ đón nhận nhiều chiều thông tin hơn từ tất cả kênh truyền thông sẵn có. Họ ứng xử với bóng đá cũng khác hẳn, bởi nó không chỉ đơn thuần là một cái nghề, nó còn là nền tảng để giúp họ khai thác tốt truyền thông cá nhân trên các mạng xã hội của mình.

Nếu ở thời đại trước, cầu thủ đơn thuần chỉ kiếm lợi ích tài chính từ lương, thưởng, quảng cáo chính thống và đầu tư bên ngoài thì bây giờ, nguồn thu của họ được mở rộng hơn, buộc họ phải xây dựng hình ảnh của mình tốt hơn. Vì thế, việc những cầu thủ thời đại này được yêu cầu phải chơi bóng “xấu xí” để phục vụ mục tiêu “đánh bại một kẻ thù chung nào đó”, họ sẽ có những cân nhắc chứ không đồng ý không hề do dự như thế hệ xưa. Và chính điểm này đã khiến lối quản trị của Mourinho không còn hiệu dụng nữa.

Mourinho cần thay đổi cách quản trị. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, bối cảnh của Premier League bây giờ cũng đã khác. Mourinho có thể tạo ra một “kẻ thù chung” cho Chelsea thời kỳ đầu của ông là Man Utd và từ đó, cầu thủ của ông dồn hết năng lượng cho nhiệm vụ phải vượt qua “kẻ thù chung” ấy. Nhưng bây giờ, ở Premier League, ai là “kẻ thù chung” của Tottenham đây? Premier League đã không còn là cuộc đua song mã từ quá lâu rồi. Và một khi không có đối tượng tiêu biểu để làm đối trọng, đội bóng của Mourinho sẽ mất phương hướng.

Lối quản trị dựa trên việc cô đọng một tâm điểm để cạnh tranh kiểu này của Mourinho có thể hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của La Liga, Serie A, nhưng nó không thể hiệu dụng ở Premier League trong giai đoạn trăm hoa đua nở này. Có thể nói, Mourinho đã lạc trong chính mảnh đất tưởng như quá quen thuộc của mình. Và Tottenham đúng nghĩa đang không có phương hướng khi không xác định được đối tượng cạnh tranh chủ đạo là ai.

“HLV vẫn vậy, chỉ cầu thủ là khác”, câu nói này của Mourinho tuyệt đối đúng trong hoàn cảnh này. Thế hệ cầu thủ mới đã có hành vi khác, quan niệm khác, lối sống khác, ứng xử khác trong khi ông vẫn duy trì cách tiếp cận cũ rích của mình.

Ngày xưa, cầu thủ nể sợ ông còn ngày nay, họ chỉ còn sợ thì đúng hơn. Và cái sợ ở đây là gì? Họ sợ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tiểu xảo của một HLV đã từng mất rất nhiều hình ảnh sau những gì xảy ra ở Chelsea nhiệm kỳ 2 với cô bác sĩ Carniero, và chú bé nhặt bóng bé nhỏ.

Tài năng của Mourinho là không thể phủ nhận nhưng có lẽ thời của ông đã qua rồi, khi mà trong mắt người khác, ông dần mất đi cái “thiêng” của mình. Nhưng dù gì đi nữa, không ai có thể phủ nhận ông là hiện tượng thực sự, đã tạo dấu ấn lớn lao và thay đổi diện mạo bóng đá Anh nói riêng cũng như bóng đá châu Âu nói chung rất nhiều. Đơn giản, bản thân mục tiêu “làm sao để chống lại Mourinho” cũng đã giúp tạo ra cả một lớp HLV mới mẻ, tài năng và hiện đại hơn rất nhiều.

Mourinho: 'Tôi đau lòng lắm rồi' Chiến lược gia người Bồ Đào Nha chia sẻ cảm xúc sau trận thua 0-3 của Tottenham trước Dinamo Zagreb ở lượt về vòng 16 đội Europa League rạng sáng 19/3 (giờ Hà Nội).

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/jose-mourinho-da-loi-thoi-post1203920.html