Jordan - đối thủ tiếp theo của U23 Việt Nam mạnh cỡ nào

Trận đấu tiếp theo tại bảng D của U23 Việt Nam sẽ không dễ dàng khi Jordan là đội bóng có thực lực và nhiều khả năng vẫn chưa bung hết sức sau lượt đầu.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo từng vượt qua Jordan tại vòng 1/8 Asian Cup 2019 trên chấm luân lưu. Dẫu vậy, chỉ có duy nhất một cầu thủ trong đội hình ngày đó góp mặt tại VCK U23 châu Á lần này. Đó là ngôi sao đang thi đấu tại Đảo Cyprus cho APOEL, Musa Al-Tammari.

Tuy nhiên, trong trận ra quân thắng 2-1 trước CHDCND Triều Tiên, Al-Tammari không hề được sử dụng mà Jordan vẫn có được chiến thắng tương đối thuyết phục trước Triều Tiên. Đây có thể tạm xem là bằng chứng cho thấy khả năng của đại diện Tây Á này. Họ chưa hề tung ra hết những quân bài xuất sắc vốn có.

 Các cầu thủ Jordan được đánh giá cao ở bảng D tại giải châu Á. Ảnh: AFC.

Các cầu thủ Jordan được đánh giá cao ở bảng D tại giải châu Á. Ảnh: AFC.

U23 Jordan không dễ chơi

Jordan cũng chơi với sơ đồ chiến thuật 5 hậu vệ như Việt Nam. Tuy nhiên, khác với cách nhập cuộc 5-3-2 thiên về tấn công trước UAE của U23 Việt Nam, đại diện Tây Á này bố trí chơi với sơ đồ 5-4-1 (hay 3-4-3) trước Triều Tiên. HLV Ahmed Qader muốn đảm bảo yếu tố phòng thủ trước tiên.

Hàng phòng ngự UAE có cách tổ chức khá tương đồng với Việt Nam, nhưng cách triển khai tấn công của đội bóng này có nhiều sự khác biệt. Bóng thường được đẩy lên dài ra phía sau hàng phòng ngự Triều Tiên để số 19 Yazan Al-Naimat sử dụng chiều cao, kỹ thuật và tốc độ để bứt tốc.

Số 19 Al-Naimat là cầu thủ đáng gờm nhất bên phía U23 Jordan. Ảnh: Quang Thịnh.

Đây cũng có thể xem là cầu thủ tấn công đáng gờm nhất phía Jordan. Tiền đạo này đã tạo ra 2 pha bóng nguy hiểm nhất trong hiệp 1 khi đi bóng qua hai cầu thủ phòng ngự Triều Tiên để đối mặt thủ môn. Ở pha bóng còn lại vào cuối hiệp 1, Al-Naimat một lần nữa qua người thành công và buộc đối thủ phải phạm lỗi dẫn tới quả phạt đền.

Ở khía cạnh chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại, Jordan cũng làm khá tốt. Do sở hữu hàng phòng ngự có 3 trung vệ, Jordan không ngại việc trả bóng dài về để tái khởi động lại tình huống từ đầu, giống như các đội bóng của HLV Park Hang-seo.

Dẫu vậy, trong trường hợp bị áp sát chủ động, Jordan tỏ ra khá lúng túng và hiếm khi triển khai bóng được như ý muốn.

Cấu trúc 5-4-1 của U23 Jordan.

U23 Jordan có định hướng pressing tốt khi phong tỏa các hướng chuyền của đối thủ thay vì một cầu thủ sẽ lao lên áp sát người cầm bóng.

Tuy nhiên, ở giữa sân lại là câu chuyện khác, Jordan tranh chấp bóng chủ động với tuyến giữa máu lửa.

Đội bóng Tây Á không có cầu thủ làm bóng thực thụ kiểu như Quang Hải của U23 Việt Nam và số 9 Mohammad Atieh phải đóng vai trò quan trọng khâu này khi thường xuyên lui về làm bóng và càn lướt nhằm kéo bóng được lên phía trên.

Ở khâu di chuyển không bóng, U23 Jordan lựa chọn cách thi đấu khôn ngoan khi áp sát có chủ địch và luôn cố gắng giữ được cự ly đội hình. Khu vực trung tuyến trở thành chiến trường quan trọng khi Jordan sở hữu đội trưởng Noor Al-Rawabdeh với chiều cao tốt, khả năng tuân thủ chiến thuật hợp lý và chỉ đạo đồng đội.

U23 Việt Nam cần cẩn trọng điều gì trước Jordan

Cách triển khai tấn công dựa vào tốc độ của cầu thủ đá cao nhất, và sự hung hăng của 5 cầu thủ tiền vệ phía dưới có thể xem như đặc trưng của bóng đá tầm khá ở khu vực Tây Á. Ngoài những nền bóng đá mạnh hẳn lên như Iran hay Saudi Arabia, phần lớn các đội bóng như Bahrain, Jordan, UAE, Oman đều sử dụng lối đá có phần càn lướt này.

U23 Việt Nam gặp khó trước UAE và vì thế sẽ bị Jordan làm khó ở cuộc đấu vào ngày 13/11? Câu trả lời là có thể nếu thầy trò Park Hang-seo vẫn giữ nguyên đội hình thiếu kết nối như trước UAE.

Đức Chiến chơi thiếu cảm giác bóng của U23 Việt Nam trận gặp UAE. Ảnh: Hoàng Hà.

Hàng tiền vệ 3 người của U23 Việt Nam có ít kết nối khi vai trò đá thấp nhất của Đức Chiến không được đảm bảo. Cầu thủ của Viettel thiếu cảm giác bóng, sự bình tĩnh lẫn cả khả năng kết nối với Quang Hải, Hoàng Đức cũng như bộ đôi hậu vệ biên để giúp U23 Việt Nam kiểm soát bóng một cách bình tĩnh từ phần sân nhà.

Điều này buộc Quang Hải, Hoàng Đức hay cả Đức Chinh phải nhận bóng trong tư thế quay lưng về khung thành đối phương. U23 UAE vì thế dễ dàng phá bóng thành công.

Chỉ khi Đức Chiến bị thay ra để Trọng Hùng vào sân, và U23 Việt Nam chuyển sang sơ đồ 3-4-3, chúng ta mới áp đảo và tạo ra nhiều cơ hội trong khoảng hơn 20 phút cuối khi tuyến giữa đảm nhiệm được vai trò làm bóng.

HLV Ahmed Qader của Jordan thừa nhận “sẽ chơi tấn công” trước U23 Việt Nam vì 90 phút sắp tới là trận đấu quyết định của đội bóng Tây Á. Nếu nhà cầm quân này nói thật, U23 Việt Nam sẽ phải đối mặt với đội bóng tạo áp lực, pressing gần giống như cách UAE đã làm.

HLV Park phải đưa ra sự thay đổi nếu không muốn mục tiêu vào vòng knock-out của U23 Việt Nam bị thử thách. Ảnh: Minh Chiến.

Nếu ngôi sao Al-Tammari có mặt trên sân, hàng phòng ngự chưa cho thấy sự chắc chắn của U23 Việt Nam sẽ gặp khó.

Một điểm trước UAE không phải kết quả tệ cho trận mở màn vẫn còn những sức ỳ, song chiến thắng trước Jordan ở lượt đấu tiếp theo sẽ giúp U23 Việt Nam mở ra cánh cửa vào vòng knock-out.

Bởi vậy, HLV Park sẽ phải cân nhắc đưa ra những thay đổi.

U23 Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội trước khung thành của UAE Trong trận hòa 0-0 chiều 10/1, các học trò của HLV Park Hang-seo tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm, uy hiếp khung thành U23 UAE nhưng không thể chuyển hóa thành bàn thắng.

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/jordan-doi-thu-tiep-theo-cua-u23-viet-nam-manh-co-nao-post1035029.html