Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ cuối

Vinh quang thuộc về Jonas Salk. Ông giống như một đấng Cứu thế trong mắt người Mỹ. Bệnh bại liệt từng khiến từ 13.000 -20.000 đứa trẻ bị liệt mỗi giờ đây đã có vaccine ngăn ngừa.

VINH QUANG VÀ TỦI NHỤC

Jonas Salk nhận lời mời đặc biệt của Tổng thống Eisenhower tại Nhà Trắng năm 1955. Ảnh: Getty Images

Jonas Salk nhận lời mời đặc biệt của Tổng thống Eisenhower tại Nhà Trắng năm 1955. Ảnh: Getty Images

Vinh quang thuộc về Jonas Salk

Dữ liệu lưu trữ cho thấy năm 1955 có khoảng 20.000 ca nhiễm virus bại liệt ở Mỹ. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm, hoạt động sản xuất và tiêm chủng hàng loạt vaccine Salk đã đẩy số ca nhiễm xuống dưới 6.000. Vaccine Salk nhanh chóng được đón nhận trên toàn nước Mỹ và đến năm 1959 thì đã được sử dụng ở 90 quốc gia.

Tất cả mọi người đều muốn sở hữu một dấu ấn của Salk. Thống đốc bang California đã thuyết phục ông làm chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần. Thị trưởng thành phố New York dự định tổ chức một cuộc diễu hành và tung hô Salk trong một trời hoa giấy. Một bệnh viện lên kế hoạch đổi tên thành Bệnh viện Tưởng nhớ Jonas E. Salk.

Người ta còn đề xuất dựng tượng Salk. Hollywood nhận được những đề nghị làm phim tiểu sử về ông, với tài tử Marlon Brando dẫn đầu đề cử cho vai nam chính. Jonas Salk cũng được mời đến dự tiệc sinh nhật lần thứ 74 của cựu Tổng thống Harry Truman.

Nhưng "người bác sĩ của nhân dân" đã từ chối tất cả những điều đó. Khi được tặng một chiếc xe hơi mới, ông đã bán nó và gửi toàn bộ tiền thu được cho chương trình cấp miễn phí vaccine bại liệt cho trẻ em. Tất nhiên, một số danh hiệu ông không thể từ chối. Tổng thống Eisenhower đã tặng huy chương cho Salk. Chính quyền Thủ đô Oslo, Na Uy treo chân dung ông. Và tiểu bang Pennsylvania còn lập một vị trí chuyên môn nhận lương 25.000 USD/năm trong lĩnh vực y tế dự phòng tại Đại học Pittsburgh. Vị trí này mang tên Salk, và ông được bổ nhiệm là người làm việc đầu tiên.

Tiến sĩ Jonas Salk tiêm thử nghiệm vaccine bại liệt cho một bé trai 8 tuổi vào năm 1954. Ảnh: Getty Images

Sự cố trong sản xuất vaccine Salk

Hoạt động tiêm chủng hàng loạt được tiến hành, nhưng chương trình này giờ đã nằm ngoài tầm tay của Salk và những người có năng lực. Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ Oveta Culp Hobby khi đó tự mãn đảm bảo rằng thị trường sẽ làm tốt việc cung cấp đủ nhu cầu vaccine. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra tình trạng thiếu hụt trên diện rộng và nạn thổi giá tràn lan. Mỗi mũi tiêm chỉ có giá 2 USD, nhưng một số bậc cha mẹ buộc phải trả tới 21 USD cho loạt 3 mũi tiêm, tương đương gần 200 USD ngày nay. Và bất chấp sự đảm bảo của Bộ trưởng Hobby rằng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ được tiêm vaccine đầu tiên, các nhà sản xuất vẫn ưu tiên cho nhân viên, bạn bè và gia đình của họ.

Những nỗ lực của chính phủ để trấn an công chúng rằng sẽ có đủ vaccine Salk hầu như không giúp ích được gì, sự hoảng loạn và giận dữ lan rộng khi mùa bại liệt bắt đầu.

Mọi thứ còn trở nên ảm đạm hơn và Jonas Salk lại trở thành tâm điểm chú ý, theo một cách tiêu cực nhất. Vào cuối tháng 4/1955, xuất hiện những báo cáo về tình trạng mắc bệnh bại liệt ở những em nhỏ vừa được chủng ngừa. Khi số ca mắc bệnh nhân lên, bao gồm cả cha mẹ, anh chị em và bạn bè của những đứa trẻ được tiêm chủng, các nhà điều tra xác định virus còn sống đã nhiễm vào một số lượng vaccine nhất định từ Phòng thí nghiệm Cutter.

Một y tá giúp bệnh nhân trong máy "phổi sắt" ở Syracuse, New York, năm 1954. Ảnh: AP

Tất cả những người liên quan đều từ chối trách nhiệm và tìm người khác để đổ tội.

Cutter, cùng với các nhà sản xuất khác, đã nhanh chóng đổ lỗi cho lý thuyết virus bất hoạt của Salk, cho rằng nó chỉ hoạt động với số lượng nhỏ vaccine chứ không phải với số lượng lớn. Các nhà báo bắt đầu viết bài chỉ trích và nhà khoa học đối thủ Albert Sabin cũng đề cập đến “tai nạn Salk”.

Tổng Y sĩ Mỹ, Tướng Leonard Scheele đã triệu tập Salk và những người khác để giúp tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Họ sớm phát hiện ra rằng Cutter đã không tuân thủ các giao thức mà Salk yêu cầu trong quy trình vô hiệu hóa virus bại liệt. Jonas Salk đã sử dụng - và hướng dẫn tất cả các nhà sản xuất sử dụng - một hệ thống amiăng nén để lọc dung dịch virus trước và sau khi bất hoạt bằng formalin. Nhưng Cutter lại sử dụng một hệ thống lọc thủy tinh nhanh hơn nhưng kém hiệu quả hơn. Họ còn giảm số lần lọc so với quy trình của Salk. Vì sự liều lĩnh để cắt giảm chi phí của Phòng thí nghiệm Cutter, 260 người đã mắc bệnh bại liệt.

Bất chấp lời giải thích từ Salk và các cộng sự về những gì đã xảy ra, báo cáo của Tướng Scheele không đổ lỗi cho Cutter và không đề cập đến nguyên nhân thực sự của việc nhiễm bẩn vaccine. Sau đó, Salk tiếp tục phải chống lại nỗ lực của các nhà khoa học Sabin, John Enders và những người khác nhằm ngừng vĩnh viễn việc sử dụng loại vaccine mang tên ông.

Tuy nhiên, sự tủi nhục oan uổng của Salk không kéo dài. Vaccine của ông sau đó đã chứng tỏ là một ơn trời. Đến năm 1961, bệnh bại liệt bị xóa sổ ở Mỹ.

Tiến sĩ Jonas Salk trở thành ân nhân của hàng triệu người trên thế giới nhờ tìm ra vaccine ngừa bại liệt. Ảnh: History

Mặc dù vậy, người ta nói rằng “nếu như những năm 1950 thuộc về Salk thì những năm 1960 thuộc về Albert Sabin”. Năm 1957, Bộ Y tế Liên Xô mời Salk và vợ ông đến Nga, nhưng bà không muốn đi và vì vậy ông từ chối lời đề nghị. Sau đó Salk đã hối tiếc vì để mất cơ hội phát triển vaccine bại liệt mang tên ông ở Liên Xô.

Một cuộc thử nghiệm vaccine bại liệt (từ virus sống) của Sabin ở xứ bạch dương đã cho kết quả hoàn hảo. Đến năm 1960, Liên Xô quyết định sử dụng vaccine bại liệt của Sabin, chỉ cần một liều mà không cần nhắc lại, cho mọi người dân dưới 20 tuổi – tương đương gần 80 triệu người. Cùng năm đó, vaccine uống của Sabin cũng được thử nghiệm chủng ngừa cho 200.000 người ở khu vực Cincinnati, Mỹ. Năm 1961, Hiệp hội Y khoa Mỹ kêu gọi sử dụng vaccine Sabin, chưa được cấp phép, để thay thế vaccine Salk.

Sự phản kháng cay đắng của Jonas Salk lúc này là vô ích. Vaccine Sabin, rẻ hơn và dễ phân phối hơn, đã vươn ra thế giới; chỉ có Hà Lan và khu vực Scandinavia, nơi chính phủ sản xuất và quản lý vaccine là vẫn sử dụng vaccine Salk.

Jonas Salk cùng vợ Donna và các con đọc tạp chí Life vào năm 1955. Ảnh: AP

Khi đó, Albert Sabin lại được đưa lên đỉnh vinh quang. Ông coi thành tích của Salk chỉ là “công việc bếp núc”, điều mà ai cũng có thể làm được. Những danh hiệu dành cho Sabin chưa bao giờ đến với Salk, đáng chú ý nhất là tư cách thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, nơi cũng ghi danh Thomas Francis, John Enders, David Bodian, và gần như mọi nhà nghiên cứu nổi bật khác về bệnh bại liệt.

Trong cuộc đối đầu với đối thủ Sabin, "người anh hùng nhân dân" Jonas Salk cuối cùng cũng giành được một chiến thắng. Cứ 4 triệu liều vaccine Sabin thì có một người được chủng ngừa vẫn mắc bệnh do vaccine chuyển độc lực. Trong khi đó, sau sự cố Cutter năm 1955, không có trường hợp nào bị bại liệt sau khi tiêm vaccine Salk.

Năm 1996 - một năm sau khi Jonas Salk qua đời - Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố vaccine Sabin là trở ngại duy nhất còn sót lại để xóa sổ bệnh bại liệt ở Tây bán cầu, và vào năm 2000, họ kêu gọi lưu hành độc quyền trở lại vaccine Salk ở Mỹ.

Bệnh bại liệt kể từ đó đã được loại trừ trên toàn thế giới. Sáng kiến Xóa bỏ Bại liệt Toàn cầu đã đặt mục tiêu có thể tuyên bố căn bệnh này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trong năm 2020 này.

Xem từ Kỳ 1: VỊ THÁNH BAN PHÉP MÀU

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New Atlantis)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/jonas-salk-vi-cuu-tinh-cua-nhan-dan-my-trong-dai-dich-bai-liet-ky-cuoi-20200817180809387.htm