John Paul DeJoria: Trở thành tỉ phú từ 700 USD

Người ta có thể cho rằng John Paul DeJoria đã đạt được mọi thứ mà một doanh nhân mơ ước. Tuy nhiên, khó có thể hình dung được những gì mà DeJoria đã phải trải qua để có được danh tiếng và tiền bạc như hôm nay.

Khởi đầu sự nghiệp với việc đánh cược 700 USD để thành lập Công ty Paul Mitchell Systems, đến nay công ty đã trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực chăm sóc tóc với doanh thu năm 2008 đạt 900 triệu USD. Doanh nhân 65 tuổi này cũng vừa được tạp chí Forbes đưa vào danh sách các tỉ phú của thế giới. Ông có được vị trí đó cũng là nhờ kinh doanh rượu Patrón tequila, công việc thứ hai gắn bó với ông trong suốt 20 năm qua.

Tuổi thơ cực nhọc

DeJoria lớn lên trong một túp lều tại một khu dành cho người nhập cư cạnh thành phố Los Angeles, Mỹ. Bố mẹ là người châu u chuyển sang Mỹ sinh sống. Họ chia tay lúc cậu bé mới 2 tuổi. DeJoria và anh trai sống với mẹ. Sau này khi đã giàu có, DeJoria thường kể rằng ngôi nhà tuổi thơ nơi mình lớn lên có diện tích chỉ bằng một phần tư phòng khách của ông hiện nay.

Cậu bé DeJoria bắt đầu phải lao động từ năm 9 tuổi với công việc chuyển thiệp giáng sinh. Lên 10, cậu cùng anh trai đi đưa báo buổi sáng. Hai anh em sáng nào cũng thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, đưa báo xong là về chuẩn bị đi học. Song công việc khó khăn nhất nhưng cũng cho DeJoria nhiều kinh nghiệm quý giá nhất là việc giao bán sách tại nhà. Cậu bé từng gõ cửa hơn 30 nhà để rồi bị đuổi ra với cánh cửa đóng sập trước mặt trước khi có một khách hàng chịu đứng nghe cậu nói và mời cậu vào nhà. Sau thời gian này, tất cả các công việc khác đối với cậu đều trở nên dễ dàng hơn.

Đi lên trong khốn cùng

DeJoria từng bị cảnh bơ vơ không nhà cửa 2 lần. Lần đầu tiên lúc 22 tuổi, khi cô vợ chán cảnh nhà và bỏ đi, bỏ mặc người bố trẻ và đứa con trai 2 tuổi. DeJoria đã phải vật lộn để kiếm việc làm nuôi con. Thậm chí anh phải đi nhặt vỏ coca bán và hai bố con phải sống trên hè phố vì không có tiền trả tiền thuê nhà. Được một thời gian, hai bố con về ngủ nhờ một người bạn của anh. Lần thứ hai là khi DeJoria thành lập Công ty John Paul Mitchell Systems vào năm 1980. Lại là do xích mích với người vợ lúc đó, DeJoria đã bỏ đi và để lại tất cả tiền cho vợ. Do đánh cược nửa triệu USD đầu tư cho Paul Mitchell Systems song bị thất bại trắng tay, ngài giám đốc DeJoria lại phải lấy ô tô làm nơi nương náu qua đêm.

Thành lập John Paul Mitchell chỉ với 700 USD, rất nhiều người cho rằng DeJoria suy nghĩ không bình thường. Ông vay mẹ 350 USD và Paul Mitchell góp một nửa còn lại. Mẹ ông không bao giờ biết rằng việc kinh doanh của con trai khởi đầu tồi tệ đến mức nào. Sau khi mất 2 tuần để làm sản phẩm, họ chỉ có 2 tuần còn lại bán hàng để lấy tiền thanh toán các hóa đơn chi phí. DeJoria đã phải đến từng nhà, gõ cửa từng trung tâm chăm sóc sắc đẹp… để bán hàng. Nhưng chỉ sau 2 năm họ đã có thể trả mọi hóa đơn đúng hạn. Và lần đầu tiên ông có thể vào nhà hàng, tự thưởng cho mình những món ăn mình thích mà không phải quan tâm đến cột giá trên thực đơn.

Cơ duyên của DeJoria với rượu Patrón tequila đến vào năm 1989. Lúc đó ông có người bạn là Martin đang làm trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng. Công việc của Martin không tốt lắm. Anh thường đến Mexico mua đá lát nền và đồ dùng nội thất đem về Mỹ bán lại. Ông kể: “Tôi đã gợi ý Martin mua ít rượu tequila ngon ở Mexico về mà bán. Và chai rượu mà Martin mang về cũng chính là sản phẩm mà hiện tại Patrón đang sản xuất ngày nay”.

Ông vẫn nhớ cuộc trao đổi giữa ông với Martin. “Martin bảo tôi thử loại rượu anh mang về và tôi thấy nó có vị dịu ngọt hơn tất cả các loại rượu tôi từng uống. Anh ta nói: Tôi có thể làm cho nó dịu ngọt hơn. Tôi có thể mời một chuyên gia pha chế rượu từ Mexico đến đây. Chúng ta sẽ đóng rượu vào loại chai này, và tôi sẽ thiết kế nhãn mác thật đẹp cho nó. Anh nghĩ sao về ý tưởng chúng ta cùng hợp tác trong vụ này? Thế là chúng tôi mua loại rượu này về rồi pha chế lại cho dịu hơn một chút, sau đó đóng trong những loại chai được sản xuất thủ công. Tôi đã mua một nghìn thùng - 12.000 chai. Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu không có ai mua thì tôi sẽ giữ lại bởi vì Paul Mitchell đang làm ăn tốt.

Nhắc đến sản phẩm này, CEO hiện tại của Patrón - ông Ed Brown, nhận xét: DeJoria là người nhìn xa trông rộng. Thời điểm đó ai có thể nghĩ đến việc làm lại rượu tequila như ông ấy? Song lúc đó chính DeJoria cũng không nghĩ rằng thương hiệu rượu của ông lại thành công như thế. “Chỉ sau khoảng 10 năm, tôi thấy tất cả những người tôi biết đều mua một chai Patrón cho bữa tiệc sinh nhật, Giáng sinh hay bất kỳ dịp kỷ niệm hoặc lễ hội nào của họ,” DeJoria tự hào kể lại.

Hiện tại ở thị phần tequila cao cấp thì Patrón đang giữ vị trí số 1 về doanh số bán ra. Nó chỉ đứng sau thương hiệu José Cuervo có giá bán thấp hơn. Patrón vẫn đang lập thêm các chi nhánh mới và gần đây đã mua lại thương hiệu rượu vodka Ultimat của Ba Lan. Dù khủng hoảng kinh tế, doanh thu của Patrón trong quý đầu tiên năm 2009 vẫn tăng.

Kinh nghiệm quý giá

Khi được hỏi rào cản lớn nhất mà ông đã gặp phải trong kinh doanh là gì, DeJoria cho biết đó chính là việc bị từ chối. “Hãy chuẩn bị kỹ trước khi bắt đầu bất cứ việc gì”, ông chia sẻ. “Sự khác nhau giữa người thành công và người không thành công là: người thành công làm tất cả những việc mà người không thành công không muốn làm. Khi cả 10 cánh cửa đóng sập trước mắt bạn, hãy đi đến cánh cửa thứ 11 với một nụ cười hăng hái”.

Ông luôn cho rằng chất lượng chính là nhân tố đầu tiên đóng góp cho sự phát triển của thương hiệu Patrón. “Dù bạn đang cung cấp sản phẩm hay dịch vụ thì cũng nên làm với chất lượng tốt nhất. Những khách hàng tốt sẽ muốn quay lại với bạn”.

Hiện DeJoria đang ngự trị ở trên đỉnh của vinh quang; ông có nhà ở Malibu, California, Las Vegas, Austin, Texas… Song ông luôn nổi tiếng là người rất thực tế. Có vợ và 6 con, ông từng trải qua những khốn khó tột cùng cũng như vinh quang tột đỉnh, do đó ông rất thấu hiểu, thông cảm và dành nhiều tình cảm cho những người vô gia cư.

“Những ngày tháng lang thang không nhà cửa đã khiến tôi cảm thấy trân trọng những gì mình đang có hiện nay. Tôi đặc biệt thấy thương cảm cho những gia đình, những ông bố bà mẹ có con nhỏ mà phải chịu cảnh không nhà cửa. Vì vậy tôi tham gia vào rất nhiều các tổ chức từ thiện giúp đỡ những người vô gia cư”.

(Theo Entrepreneur Magazine tháng 7.2009)

Phong Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/john-paul-dejoria-tro-thanh-ti-phu-tu-700-usd-187906.html