John McCain và hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh Việt - Mỹ

John McCain dành phần lớn cuộc đời cho nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, vun đắp mối quan hệ giữa hai cựu thù, đồng thời chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối di sản của ông.

Đó là ngày 23/5/1995. Hai thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry cùng đến gặp ông Bill Clinton tại Phòng Bầu dục để thuyết phục tổng thống Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Sau một hồi nói chuyện, ông McCain chốt lại: "Ngài tổng thống, chuyện ai ủng hộ, ai phản đối cuộc chiến giờ tôi thấy không quan trọng nữa. Tôi mệt mỏi khi phải nhìn lại quá khứ với sự tức giận. Điều quan trọng là chúng ta phải tiến về phía trước".

Ông Clinton tỏ ra bất ngờ trước những lời lẽ của ông McCain, cảm ơn thượng nghị sĩ, nhưng không hứa hẹn điều gì.

Và rồi vào ngày 11/7/1995, ông Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sau khi phát biểu, nói rằng đây là lúc để "băng bó vết thương của chính chúng ta", ông lập tức quay sang người đang đứng cạnh ông: John McCain. Họ bắt tay và sau đó ôm nhau đầy xúc động.

 Đám tang ông John McCain vào ngày 2/9/2018. Ảnh: AP.

Đám tang ông John McCain vào ngày 2/9/2018. Ảnh: AP.

Khoảnh khắc đó sẽ mãi là ký ức quan trọng và đáng nhớ trong quan hệ Việt - Mỹ, đánh dấu sự khởi đầu của tình hữu nghị giữa hai nước từng là kẻ thù. Khoảnh khắc đó cũng là một trong những niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời ông McCain.

"Đó là một chuyến đi khá thú vị. Tôi đã biết đến những niềm đam mê lớn lao, nhìn thấy những kỳ quan tuyệt vời, chiến đấu trong một cuộc chiến và góp phần tạo nên hòa bình", ông McCain viết về cuộc đời mình trong cuốn sách cuối cùng. "Tôi đã tạo một vị trí nhỏ cho chính mình trong câu chuyện về nước Mỹ và lịch sử thời đại tôi".

Người đàn ông ấy, người được gọi là "con sư tử cuối cùng của Thượng viện Mỹ", đã rời xa thế giới vào những ngày này cách đây 2 năm, nhưng di sản của ông, những gì ông đã làm cho quan hệ Việt - Mỹ sẽ mãi được ghi nhớ.

Bóng tối quá khứ

Có nhiều lý do khiến Việt Nam và Mỹ phải mất đến 20 năm để bình thường hóa quan hệ. Một trong những lý do đó - và có lẽ là rào cản lớn nhất - là vết thương chiến tranh sâu đậm ở cả hai bên. Với nhiều người Mỹ, đó là "hội chứng Việt Nam".

Cuộc chiến ở Việt Nam đến nay vẫn là cuộc chiến duy nhất mà Mỹ từng thua, và nhiều người đã không trở về - hoặc thiệt mạng, hoặc mất tích. Việc tìm kiếm người thân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) trở thành "cuộc chiến thứ hai" của nhiều gia đình Mỹ, sau khi "cuộc chiến thứ nhất" kết thúc vào năm 1975.

Tuy nhiên, những con số thống kê không nhất quán của chính phủ Mỹ chỉ góp phần khiến ngọn lửa giận dữ bùng lên. Số lượng người mất tích theo thống kê năm 1973 là 1.303, đến năm 1978 chỉ còn 224, tăng lên thành 2.500 năm 1980 và vào năm 1987 lại giảm còn 269. Đến khi đó, nhiều cựu binh và gia đình quân nhân không còn tin vào tuyên bố của chính phủ nữa, theo bài viết của tác giả James Carroll trên New Yorker năm 1996.

Xã hội nước Mỹ vật lộn trong "hội chứng Việt Nam". Một số nghị sĩ hay cựu binh muốn thúc đẩy bình thường hóa hay cải thiện quan hệ với Việt Nam ngay lập tức sẽ bị quy kết là phản quốc.

Chính trong bối cảnh đó, năm 1991, ông McCain tham gia ủy ban đặc biệt về POW/MIA của Thượng viện Mỹ, nơi ông John Kerry là chủ tịch. Cùng nhau, họ xua tan những nghi ngờ mà 5 tổng thống Mỹ đã không làm được, bất chấp việc họ bị phản đối, phỉ báng bởi công chúng, bởi những nhóm vận động MIA và bởi chính những đồng nghiệp ở Thượng viện.

Duyên nợ giữa ông McCain bắt đầu với Việt Nam từ trước đó rất sớm. Ông là phi công quân đội từng bị giam giữ hơn 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, sau khi chiếc A-4E Skyhawk mà ông lái bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch vào năm 1967.

Ông John McCain khi được giải cứu từ hồ Trúc Bạch năm 1967 và khi được thả khỏi Hỏa Lò năm 1973. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ, AP.

Khi ra tù vào năm 1973, ông vẫn nghĩ sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam. Song cuối cùng, ông quay lại vào năm 1985, khi đã trở thành hạ nghị sĩ bang Arizona, và đi thăm nơi mình từng bị giam giữ.

"Tôi đoán đó là lúc ông ấy bắt đầu thấu hiểu câu chuyện bình thường hóa này, việc xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Việt Nam trở thành một phần ADN của ông ấy", Thomas Vallely, người sáng lập Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, đồng thời là bạn của ông McCain, nói với Zing trong cuộc phỏng vấn qua Zoom.

Trong ký ức của ông Vallely về chuyến thăm đó - ông McCain đi cùng nhà báo kỳ cựu Walter Cronkite - ông vẫn nhớ như in hình ảnh vị nghị sĩ Arizona bước ra từ nhà tù Hỏa Lò, mua hoa từ một người bán hàng rong và rồi tặng hoa cho một phụ nữ.

"Ngay lúc đó tôi đã tự bảo với mình rằng tôi thích người này. Anh ta rất được, anh ta có điều gì đó", ông Vallely nói.

Ông McCain thăm nhà tù Hỏa Lò năm 2000 cùng con trai. Ảnh: AP.

Bước qua hận thù

Đến năm 1988, khi ông McCain vận động cho việc thành lập "bộ phận lợi ích" của Mỹ tại Hà Nội, cũng như của Việt Nam tại Washington, DC, ông Vallely đã hoàn toàn ủng hộ, dù rất nhiều người phản đối ý tưởng này.

Trong bài viết cho Washington Post, đăng ngày 21/3/1988, ông McCain nói "di sản của cuộc xung đột" vẫn còn đó với nhiều người, và việc thành lập "bộ phận lợi ích" ở thủ đô mỗi nước sẽ tạo điều kiện thực hiện các cuộc đối thoại cấp cao cần thiết để giải quyết các vấn đề nhân đạo.

13 năm sau khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam, ông nói, "giờ là lúc để tăng cường nỗ lực giải quyết các di sản" của cuộc chiến.

"Thượng nghị sĩ McCain đã vượt qua những tổn thương và hận thù sau những năm bị cầm tù, và cùng với John Kerry, họ trở thành những người đấu tranh chủ chốt cho quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam", Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2017, nói với Zing qua email.

Một trong những bước ngoặt của nỗ lực đó là hai ông McCain và Kerry thành công trong việc yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ giải mật hàng triệu trang tài liệu. Dựa vào đó, báo cáo cuối cùng của ủy ban đặc biệt về POW/MIA, được đưa ra vào tháng 1/1993, kết luận "không có bằng chứng thuyết phục cho thấy vẫn còn người Mỹ sống trong tình trạng bị giam cầm ở Đông Nam Á".

Ông McCain và ông Kerry. Ảnh: AFP/Getty.

Song kết luận đó không làm hài lòng những người phản đối ông McCain, mà trái lại, càng khiến họ tức giận hơn.

"Người ta không nhớ vấn đề POW/MIA đã trở nên xấu xí như thế nào", Bob Kerrey, cựu thượng nghị sĩ Dân chủ, người cũng từng tham chiến tại Việt Nam, nói với AP. "Tôi đã nghe thấy người ta hét vào mặt ông ấy (McCain), bắt ông ấy phải chịu trách nhiệm cho cái chết của các quân nhân".

Ủy ban đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay khi ông Bill Clinton nhậm chức tổng thống. Bước tiếp theo sẽ là dỡ bỏ lệnh cấm vận, tiến đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Song liệu ông Clinton có làm được không? Tổng thống George H.W. Bush, cựu binh của một cuộc chiến khác, có thể đã thực hiện bước đầu tiên, nhưng với lý do riêng của mình, ông đã chọn không làm.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ông đã bị la ó tại hội nghị của các nhà hoạt động POW/MIA. Theo phỏng đoán của ông Vallely, ông Bush "cha" đã quyết định "để lại mớ hỗn độn này cho người kế nhiệm, một người chưa từng phục vụ trong chiến tranh".

Ông McCain điều trần tại Thượng viện vào năm 1995. Ảnh: Getty.

Nỗ lực cuối cùng

Ông Clinton, trong những tháng đầu nhiệm kỳ, đã được các nhà lãnh đạo của các nhóm cựu binh cảnh báo không nên xuất hiện tại Đài tưởng niệm Cựu binh tham chiến tại Việt Nam.

Khi nghe điều đó, ông McCain liền đề nghị tháp tùng tổng thống tới đó. Ông Clinton bác bỏ lời đề nghị, song ông McCain công khai việc này và thượng nghị sĩ đã nhận mưa chỉ trích từ những người bạn cựu binh.

Trong cuộc họp quan trọng tại Nhà Trắng ngày 11/6/1993, chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm nhà tù Hỏa Lò, hai Thượng nghị sĩ Kerry và McCain thúc giục tổng thống dỡ bỏ lệnh cấm vận, đưa ra các lý do địa chính trị và kinh tế nhưng cũng nhấn mạnh vấn đề danh dự quốc gia. Việt Nam đã hợp tác toàn diện và tích cực với Mỹ trong vấn đề POW/MIA.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Smith, Phó chủ tịch ủy ban đặc biệt về POW/MIA, kêu gọi ông Clinton "đừng để bị lừa dối" và phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Vào tháng 1/1994, một nghị quyết của Thượng viện Mỹ do hai ông Kerry và McCain đồng bảo trợ kêu gọi ông Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận. Sự bảo trợ của ông McCain thuyết phục 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu tán thành, và nghị quyết được thông qua với số phiếu 62/38. "Cuộc bỏ phiếu sẽ cung cấp cho tổng thống vỏ bọc chính trị mà ông ấy cần để dỡ bỏ lệnh cấm vận", ông McCain nói.

Ngày 4/2/1994, Tổng thống Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài 19 năm với Việt Nam. Xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time là dòng tít lớn về sự kiện và hình ảnh "em bé napalm" nổi tiếng.

Bob Dole, người lúc đó là lãnh đạo đảng Cộng hòa, nói rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là “quyết định sai lầm". Mùa xuân năm 1995, ông và Thượng nghị sĩ Phil Gramm, bang Texas, giới thiệu dự luật kêu gọi ông Clinton không thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam; họ muốn khơi lại vấn đề 619 người Mỹ mất tích.

Trong bài viết cho Washington Post vào ngày 21/5/1995, ông McCain mạnh mẽ kêu gọi "Hãy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam". Ông khẳng định Việt Nam đã hợp tác đầy đủ để có thể tiến hành bình thường hóa ngay lập tức, đồng thời cho rằng uy tín của Mỹ sẽ bị tổn hại nếu không giữ lời.

Ông cũng cho rằng việc bình thường hóa quan hệ là hành động cần thiết cho sự cân bằng quyền lực tại khu vực, trước khả năng Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề số 1 về an ninh mà Mỹ phải đương đầu.

Và rồi đến câu chuyện ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 23/5/1995. Những gì diễn ra sau đó là lịch sử.

Tổng thống Bill Clinton quay sang bắt tay ông McCain sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995. Ảnh: AFP.

"Khoảnh khắc này cho chúng ta cơ hội để băng bó vết thương của chính mình. Chúng đã nằm đó quá lâu. Bây giờ chúng ta có thể đi tới nhận thức chung. Bất cứ điều gì chia cắt chúng ta trước đây hãy gửi chúng vào quá khứ", ông Clinton nói trong tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tại Nhà Trắng ngày 11/7/1995.

Động lực thúc đẩy

Theo học giả Carl Thayer, người có nhiều năm nghiên cứu về chính trị Việt Nam, hai yếu tố chính thúc đẩy ông McCain trong bình thường hóa và sau đó xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là lòng nhân đạo và lòng yêu nước.

"Trước tiên, John McCain là người nhân đạo. Ông đã trải qua những năm dài trong tù, giúp ông có thời gian để tự vấn. Giống như các cựu binh Mỹ khác - John Kerry, Chuck Hagel và Pete Peterson - ông đi đến quan điểm rằng Việt Nam là một nơi, không phải một cuộc chiến. Ông đồng cảm với người dân Việt Nam cũng như các cựu binh Mỹ và chủ trương hòa giải", ông Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Canberra, trả lời Zing.

"Thứ hai là lòng yêu nước của ông. Ông cho rằng Mỹ với tư cách là một cường quốc nên để Chiến tranh Việt Nam lại sau lưng và vì lợi ích quốc gia, hãy hỗ trợ Việt Nam phát triển cũng như đóng góp vào sự ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Chứng kiến ASEAN thành công cũng là lợi ích quốc gia của Mỹ".

Ông McCain giữa vòng vây của phóng viên năm 2017. Ảnh: AP.

Kể từ chuyến đi đầu tiên năm 1985, ông McCain đã trở lại Việt Nam nhiều lần sau đó. Hầu hết chuyến đi là vì mục đích công việc: tìm kiếm POW/MIA, thúc đẩy bình thường hóa, và vun đắp quan hệ tương lai.

"Tôi đã kết bạn với những người từng là kẻ thù của tôi. Tôi trở nên yêu thích một nơi mà tôi từng ghét bỏ. Tôi vui mừng vì Mỹ và Việt Nam đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc xây dựng mối quan hệ hữu ích, cùng có lợi, giữa tàn tích của cuộc chiến tranh là bi kịch cho người dân hai nước", ông viết trong bài đăng trên Wall Street Journal năm 2013.

Trong bài điếu văn sau khi ông qua đời ngày 25/8/2018, báo New York Times bình luận: "Không nơi nào khác mà tính cách (của McCain) lại thể hiện rõ ràng như ở Việt Nam".

Theo cựu đại sứ Osius, nếu mô tả cố thượng nghị sĩ trong ba từ, ông sẽ chọn: "danh dự", "lòng yêu nước" và "sự thật". Trong đó, việc ông McCain tôn trọng và bảo vệ sự thật đôi khi đã tạo nên mối quan hệ không thoải mái với đảng Cộng hòa.

"Ông ấy 'chia tay' với đảng của mình khi cho rằng điều đó là sai, và 'chia tay' với các cựu binh, những người phản đối bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, khi ông cho rằng những cựu binh đó đã sai", ông Osius nói với Zing.

Thế hệ tương lai

Nhiều người Việt Nam cũng yêu quý và kính trọng thượng nghị sĩ Mỹ, dù rằng ông có thể chưa bao giờ là một tiếng nói phản chiến. Khi nghe tin ông mất, một số người đã mang hoa đến đặt tại di tích ở hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của ông McCain bị bắn rơi năm xưa.

Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, ông McCain có lẽ là một trong những người tiếp đón nhiều lãnh đạo và quan chức Việt Nam nhất. Trong những lần đó, ông không chỉ tiếp đón theo lễ nghi mà nhiều lần còn trở thành "hướng dẫn viên" tham quan.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho hay, là thượng nghị sĩ cuối cùng của Mỹ thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam, ông McCain dường như rất lưu tâm đến việc xây dựng thế hệ nghị sĩ tiếp theo tiếp nối các nỗ lực của ông và những người cùng thời trong quan hệ với Việt Nam.

Ông McCain trong phòng làm việc. Ảnh: Getty.

Với sự ra đi của ông McCain và việc ông Kerry đã không còn ở Thượng viện Mỹ, người ta bắt đầu nghĩ về tương lai quan hệ Việt - Mỹ khi không còn "hai ông John", và rộng hơn là không còn một thế hệ cựu chiến binh Mỹ từng có mối liên hệ cá nhân với Việt Nam. Khi những tiếng nói quyền lực đó dần ra đi vì tuổi già, mối quan hệ 25 năm có thể phải đối mặt với những thách thức mới.

"Những lần tôi gặp John McCain thì đều được ông giới thiệu cho rất nhiều người. Chính bản thân khi thăm Việt Nam thì ông cũng luôn luôn kéo theo những nghị sĩ trẻ khác", ông Vinh cho hay, chỉ ra một số cái tên như Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse hay Hạ nghị sĩ Ted Yoho.

Đây cũng là điều mà cựu đại sứ Osius và học giả Vallely nhấn mạnh.

"Đối với McCain, việc mang theo những người bạn mới từ Thượng viện và nhường sân khấu cho họ không chỉ đơn giản là phép lịch sự của một thượng nghị sĩ", ông Osius nói. "McCain muốn những người còn tại vị sau khi ông mất hiểu về Việt Nam và xem quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam là ưu tiên quan trọng của Mỹ".

Ông Vallely nói Thượng nghị sĩ Whitehouse là cái tên nổi bật nhất, trong khi ông Osius tiết lộ ông McCain từng nhường sân khấu cho các Thượng nghị sĩ Jack Reed, Joni Ernst và Dan Sullivan trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015.

Khi ông McCain qua đời vào năm 2018 vì ung thư não, người ta nói "con sư tử cuối cùng của Thượng viện Mỹ" đã ra đi.

Song bản thân ông McCain chưa từng mất niềm tin vào những gì ông đã gây dựng.

"Hai đất nước chúng ta có một quá khứ khó khăn và đau thương. Nhưng chúng ta không ràng buộc mình với quá khứ đó, và chúng ta đang đi trên con đường từ hòa giải đến tình bạn thực sự", ông viết cho Wall Street Journal năm 2013.

"Triển vọng đầy hứa hẹn này là một trong những bất ngờ lớn nhất và hài lòng nhất trong cuộc đời tôi, điều mà tôi mong đợi sẽ khiến tôi kinh ngạc hơn nữa trong những năm sau này".

Vũ Mạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/john-mccain-va-hanh-trinh-han-gan-vet-thuong-chien-tranh-viet-my-post1125424.html