John McCain, một cuộc đời nhiều dấu ấn: Con nhà võ

Vào 16 giờ 28 phút ngày 25-8 giờ địa phương (sáng sớm 26-8 giờ Việt Nam), một ngày sau khi quyết định dừng điều trị bệnh ung thư não, Thượng nghị sĩ Mỹ John Sidney McCain đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở bang Arizona, thọ 82 tuổi. Ông đã sống một cuộc đời nhiều dấu ấn - từ anh phi công lái máy bay chiến đấu bị bắt làm tù binh ở Việt Nam cho đến một thượng nghị sĩ nổi tiếng.

Là con và cháu nội của hai đô đốc hải quân, McCain không hổ danh “con nhà võ” khi nối gót bố và ông đi theo đường binh nghiệp trong sắc lính hải quân. Chỉ có điều, đời binh nghiệp của ông thật ngắn ngủi vì thương tật trong chiến tranh.

Từng nổi loạn khi còn trẻ

Tên đầy đủ của ông là John Sidney McCain III, sinh ngày 29-8-1936 tại phi trạm Coco Solo của Hải quân Mỹ nằm trong Vùng kênh đào Panama, nơi bố ông là đô đốc 4 sao John Sidney McCain Jr đóng quân. Điều đặc biệt là ông nội ông, John Sidney McCain Sr cũng là một đô đốc 4 sao và nhà McCain là cặp cha con đô đốc 4 sao đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ. Mẹ ông là bà Roberta Wright, thừa kế gia sản dầu mỏ giàu có của gia đình.

Dòng họ nhà McCain có gốc gác từ Scotland, nhiều thế hệ tham gia mọi cuộc chiến tranh của nước Mỹ. Ông nội ông từng là một người lính tiên phong trên tàu sân bay, đi đầu trong nhiều chiến dịch quân sự trong Chiến tranh thế giới lần II, tham gia cuộc xâm lược Philippines và dẫn đầu chiến hạm Missouri neo đậu trong vịnh Tokyo khi nước Nhật ký văn kiện đầu hàng năm 1945.

Bố ông là một chỉ huy tàu ngầm giàu thành tích trong Chiến tranh thế giới lần II. Sau chiến tranh, cả bố và ông nội McCain đều trở thành những chính khách có thế lực ở Washington. John McCain III là một sự tiếp nối xuất sắc của gia đình.

McCain có một chị, Jean Alexandra, và một em trai, Joseph Pinckney McCain II. Cuộc sống của anh em nhà McCain thường xuyên di chuyển chỗ ở và người cha cũng thường xuyên vắng nhà do công tác. Thuở nhỏ, McCain đã phải thay đổi trường học đến 20 lần và cuối cùng học ổn định tại trường trung học Episcopal, một trường bán trú toàn nam sinh da trắng ở Alexandria, bang Virginia.

Đây cũng là ngôi trường chỉ dành cho con em gia đình giàu có và có địa vị cao ở miền Nam nước Mỹ. Nền nếp nhà trường rất khắt khe nhưng cậu học sinh McCain cũng không chịu theo khuôn phép, và thể hiện sự bướng bỉnh đó bằng cách mặc quần jean “bụi bặm”, chân đi đôi giày rách bươm dán băng keo và chiếc áo sờn cũ lấy từ kho hàng cứu trợ của quân đội khi đến trường.

Phi công trẻ John McCain (đứng bên phải) cùng đội bay vào năm 1965.

Bạn bè trêu chọc ông là “Mc bẩn thỉu” (McNasty). Thời trẻ, ông được bạn bè mô tả là một gã nóng tính, rất dễ bị chọc giận và sẵn sàng lao vào “ăn thua đủ” với bất cứ ai.

Mùa hè năm 1954, McCain tốt nghiệp trung học, nối gót bố và ông nội, vào Học viện Hải quân ở Annapolis, bang Maryland. Tính cách nổi loạn lại trỗi dậy, McCain không chấp hành kỷ luật, gây hấn với những kẻ thuộc tầng lớp trên, vi phạm nội quy học đường khiến hạnh kiểm bị đánh giá yếu kém, điểm số học tập cũng thấp tệ, nhưng tất cả những điều này chưa đủ để nhà trường trục xuất ông. Được này mất kia, McCain là một tay đấm quyền Anh xuất sắc của trường và là “thỏi nam châm” thu hút các cô gái trẻ.

Xét về phong cách cá nhân thì McCain sơ hữu tính độc lập cao của một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Tính cách đó thể hiện rõ nét khi McCain tham gia các bữa tiệc tùng, hội hè cùng đám bạn. Bị tuần cảnh bắt quả tang nhậu nhẹt khi chưa đủ tuổi uống rượu, McCain đã táo bạo lùa cả bọn lên chiếc ô tô cà tàng tẩu thoát. Năm 1958, McCain tốt nghiệp hạng 894 cả khóa, đứng thứ 5 từ dưới lên.

Sau tốt nghiệp, McCain được tham gia khóa huấn luyện bay và ông đã chọn lái một chiếc oanh tạc cơ tại phi trạm của Hải quân ở Pensacola, bang Florida. Ông thích bay nhưng kỹ năng bay của ông được đánh giá rất tệ do tính bất cẩn, thậm chí hết sức cẩu thả. Tính xấu này từng khiến ông bị tai nạn bay vài lần trong thập niên 1960 ở vịnh Corpus Christi, bang Texas và Tidewater, bang Virginia, nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ.

Tuy nhiên, cũng nhờ gặp lỗi nhiều nên dần dần kỹ năng bay của ông được cải thiện theo thời gian. Và ông bắt đầu được phân công nhiệm vụ trên các tàu sân bay: trên tàu Intrepid trong vịnh Caribbe trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Cuba năm 1962 và trên tàu Enterprise tại Địa Trung Hải.

Từng tham gia chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder)

Sau 5 năm trong quân ngũ, McCain bắt đầu được phong chức chỉ huy phó vào năm 1967. McCain hăng hái yêu cầu chỉ huy cho mình tham gia chiến đấu ngay lập tức và ông đã được phân công tham gia cuộc chiến ở Việt Nam trên tàu sân bay Forrestal trong vịnh Bắc Bộ. Trên tàu sân bay này là những chiếc máy bay chiến đấu A-4E Skyhwak thực thi nhiệm vụ ném bom miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch mang tên Sấm rền (Rolling Thunder). McCain được giao thực hiện 5 phi vụ.

Ngày 29-7-1967, một tai nạn khủng khiếp xảy ra khi các máy bay chiến đấu chuẩn bị sẵn sàng cho một phi vụ mới: quả tên lửa từ một chiếc máy bay trong đội đã tự phóng đi trúng vào thùng nhiên liệu bên ngoài chiếc máy bay của McCain tạo thành một đám cháy bùng lên dữ dội. McCain nhoài người thoát khỏi chiếc máy bay nhưng vẫn bị cháy sém quần áo.

Sau đó, ngọn lửa đã kích nổ hàng loạt quả tên lửa trên các máy bay xung quanh, tạo thành một trận bom khủng khiếp trên tàu sân bay làm chết 134 người. McCain may mắn thoát chết, nhưng bị thương ở chân và ngực.

Sau tai nạn, ông được điều động sang tàu sân bay Oriskany. Vào ngày 26-10-1967, McCain cất cánh thực hiện phi vụ thứ 23 của mình trong cuộc chiến, trong phi đội gồm 20 chiếc tấn công vào các nhà máy điện ở trung tâm Hà Nội. Chỉ vài phút sau khi trút loạt bom xuống các mục tiêu, máy bay của McCain trúng một quả tên lửa đất đối không của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông bấm nút thoát ra khỏi chiếc máy bay đang rơi nhưng trúng phải vật cứng, có lẽ là mảnh máy bay của ông, khiến hai tay bị gãy, đầu gối chân trái cũng giập nát.

John McCain được bác sĩ điều trị bệnh trong nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội).

McCain rơi xuống hồ Trúc Bạch và chìm nghỉm xuống đáy hồ do sức nặng của các phụ kiện mang theo ông trong khi tay và chân của ông không thể hoạt động. Dùng răng mở phao cứu sinh trên chiếc áo bay đã giúp McCain trồi lên mặt nước và bị quân, dân Việt Nam bắt giữ.

McCain được đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò, nơi được các tù binh Mỹ đặt biệt danh là “Hà Nội Hilton”. Tại đây McCain được chữa trị vết thương, đầu tiên là cánh tay phải bị gãy làm 3 đoạn. Chấn thương tay và chân của ông đã mau chóng bình phục. Một số bạn tù kể lại rằng lúc đó họ nghe ông nói một ngày nào đó ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ!

2 tháng sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, McCain được trao trả theo một thỏa thuận trong Hiệp định. Rốt cuộc, Hà Nội đã trở thành nơi chốn mà McCain cư trú lâu nhất trong cuộc đời ông tính đến thời điểm đó. Ông trở về quê nhà và được chào đón như một “người hùng chiến tranh”, được thưởng nhiều huy chương.

Tuy nhiên, đối với một phi công hải quân “con nhà võ” như McCain, những huy chương bạc, đồng hay Huy chương Chữ thập dành cho phi công xuất sắc và nhiều phần thưởng khác là chưa đủ. Ông vẫn luôn phấn đấu để noi theo tấm gương của bố và ông nội làm những chỉ huy giỏi của hải quân Mỹ. Nhưng, dù sao thì McCain cũng thấy rất hãnh diện vì những gì mình đạt được và tự hào khi nghe người ta giới thiệu Đô đốc McCain là “bố của chỉ huy McCain”.

Giành ghế nghị sỹ ngay trong lần đầu tranh cử

Sau 2 tháng trở về từ chiến trường, McCain dần bình phục và bắt nhịp với cuộc sống nhưng ở một trạng thái mới. Ông trở lại quân ngũ, với nhiệm vụ mới là liên lạc viên giữa Hải quân với Thượng viện, một nhiệm vụ mà bố ông từng làm.

Nhưng McCain biết rằng tương lai của ông trong hải quân sẽ không sáng sủa vì thương tật do chiến tranh. Có nghĩa là ông sẽ chẳng bao giờ trở thành một đô đốc hải quân như bố và ông nội. McCain bắt đầu nghĩ đến một sự nghiệp chính trị thay vì hải quân. Thế là, với sự động viên, khích lệ của mẹ, McCain xuất ngũ với cấp hàm đại úy vào năm 1981.

Năm 1982, khi nghị sĩ John Rhodes của bang Arizzona nghỉ hưu sau 30 năm làm nghị sĩ, McCain tham gia ứng cử thay thế vị trí của ông này. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, McCain dễ dàng giành ghế nghị sĩ ngay trong lần đầu tranh cử nhờ một phần nguồn tài trợ của vợ.

Ngay từ đầu, McCain đã thể hiện mình là một người Cộng hòa nhưng không chấp nhận đi theo những điều mình thấy không hợp lý. Ông đi theo các chính sách của Tổng thống Reagan về thuế, cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng cường quốc phòng, an ninh nhưng sẵn sàng bỏ phiếu để bác bỏ chính sách cấm vận chống Nam Phi vì chính sách kỳ thị chủng tộc của nước này. Năm 1984, McCain tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ông McCain (bìa trái) cùng bố mẹ năm 1961.

Năm 1986, ông Barry M. Goldwater quyết định không tái ứng cử Thượng nghị sĩ bang Arizona, McCain ra tranh cử thay thế vị trí này và cũng dễ dàng đánh bại đối thủ Richard Kimball, nghị sĩ cấp tiểu bang của đảng Dân chủ. Ngay sau đó, ông được bầu vào Ủy ban Quân vụ, Ủy ban Thương mại và Ủy ban Các sự vụ người da đỏ bản xứ. Bắt đầu từ đó, McCain dần gây chú ý trên phạm vị cả nước bằng những phát biểu và sự quyết đoán thông qua lá phiếu trong nghị trường.

McCain là con người nhiều mặt, theo đánh giá của giới phân tích chính trị ở Washington. Từ tính cách nổi loạn thời trẻ, rượu chè, đàn đúm, cho đến đam mê cờ bạc. Chính điều này tạo cho McCain nhiều mối quan hệ với ngành công nghiệp cờ bạc của nước Mỹ và có sự hiểu biết nhất định đối với ngành công nghiệp này, giúp ông thành công khi lần đầu tham gia soạn thảo một đạo luật, có tên gọi là Luật Quản lý trò chơi dành cho người Indie ban hành năm 1988. Đạo luật này đưa vào các quy định dành cho các doanh nghiệp cờ bạc người Indie bản xứ.

Sau đó, McCain cùng một số thượng nghị sĩ khác ủng hộ thông qua dự luật tự động cắt giảm chi tiêu ngân sách trong trường hợp ngân sách thâm hụt. Ông lọt vào sanh sách đề cử ứng viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử năm 1988 của ông George Bush (Bush cha), nhưng không được chọn (ông Dan Quayle được chọn).

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/john-mccain-mot-cuoc-doi-nhieu-dau-an-con-nha-vo-508103/