Jobex và giải pháp hướng nghiệp cho bạn trẻ của nhóm sinh viên Sư phạm

Hướng nghiệp thông qua trải nghiệm, cộng với tư vấn tâm lý 1-1, kết nối cố vấn trong doanh nghiệp là cách đề xuất mà dự án Jobex Network đang giải bài toán hướng nghiệp cho bạn trẻ.

Jobex Network, dự án của nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM, với Nguyễn Thị Việt Hà và Đàm Thượng Hải là “thủ lĩnh”, là mô hình hướng nghiệp toàn diện kết hợp khoa học tâm lý và trải nghiệm, tác động toàn diện vào các yếu tố ảnh hưởng lên người học như xã hội, nhà trường, gia đình.

Hướng nghiệp và trải nghiệm

Theo nhóm, với tốc độ biến đổi và phát triển của thị trường nghề nghiệp Khiến phụ huynh và học sinh khó khăn khi quyết định trước quá nhiều loại hình công việc. Tại Việt Nam, bên cạnh sự tham gia của gia đình, những mô hình hướng nghiệp như: tham vấn, tư vấn nghề nghiệp trực tiếp hay cung cấp thông tin về đặc thù công việc tại các trường học và trung tâm khá phổ biến. Tuy nhiên, những hình thức này vẫn chưa chú trọng vào nhu cầu của học sinh và thiếu cơ hội cho người trẻ được chủ động tham gia vào công tác có liên quan trực tiếp đến tương lai của họ.

Hướng nghiệp là chủ đề không quá xa lạ tại Việt Nam. Nhưng chúng ta chỉ đang tổ chức những chương trình mang tính bề nổi, "mì gói" như tư vấn tuyển sinh đại học, tham quan cơ sở doanh nghiệp... mà quên mất giải quyết 3 nhóm năng lực cốt lõi quyết định trực tiếp đến kết quả hướng nghiệp là: nhận thức bản thân, nhận thức về nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp.

Các thành viên nhóm Jobex Network.

“Nhóm đã trăn trở rất nhiều để tìm ra một giải pháp mới, một phương pháp hướng nghiệp có thể tăng mức độ chủ động của người được hướng nghiệp để từ đó đem lại hiệu quả tối đa cho quá trình hướng nghiệp. Sau khi nghiên cứu, Jobex lựa chọn kết hợp giữa “Hướng nghiệp” và “Học tập trải nghiệm”, một phương pháp giáo dục còn khá mới lạ tại Việt Nam nhưng đã thể hiện được hiệu quả tại nhiều nước giúp học sinh trở nên chủ động hơn trong học tập”, Việt Hà cho biết.

Việt Hà và Thượng Hải thiết kế các khóa học và chương trình trải nghiệm hướng nghiệp bao gồm 3 hoạt động cốt lõi là Tư vấn hướng nghiệp; Trải nghiệm dự án; Kết nối cố vấn trong doanh nghiệp.

Sự kết hợp giữa Hướng nghiệp và Trải nghiệm là nhằm mục đích nâng cao sự tự tin vào khả năng bản thân (self-efficacy), thực hiện hoặc trải nghiệm một công việc cụ thể sẽ giúp tăng cảm giác tự tin vào khả năng của người đó khi phải thực hiện công việc đó một lần nữa.

Để không còn “60% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành”

Số liệu mà nhóm có được cho thấy 60% sinh viên tốt nghiệp làm việc trái ngành. Theo nhóm, thực tế, ngay từ năm thứ nhất, năm thứ hai, sinh viên đã có nguy cơ đối mặt với những vấn đề tâm lý khi phát hiện học trái ngành. Trái ngành có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng hầu hết xuất phát từ khâu hướng nghiệp chưa đúng.

“Phát triển nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở giáo dục. Yếu tố then chốt tác động đến học sinh là sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình và xã hội. Gia đình ngày nay, tuy đã tiến bộ trong suy nghĩ, nhưng vẫn bị mắc phải thói quen áp đặt. Dù không gián tiếp nói ra, nhưng phụ huynh vẫn đưa con em vào tình thế khó khăn hơn, khi có những lời bâng quơ so sánh, bình luận. Con số 60% là con số xác thực trực tiếp hậu quả của công tác yếu kém trong phân luồng học sinh”, nhóm cho biết.

Bạn trẻ tham gia "24h làm nhà truyền thông 4.0" của Jobex.

Jobex bao gồm ba hoạt động cốt lõi: tư vấn tâm lý nghề nghiệp được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm giúp bạn trẻ khám phá bản thân qua các hình thức trắc nghiệm tâm lý, trò chuyện hoặc gợi ý tìm ra đam mê phù hợp. Tiếp theo là hoạt động trải nghiệm trực tiếp trong các dự án để cảm nhận môi trường làm việc trong thực tế của bất kỳ ngành nghề nào.

“Sau khi đưa ra quyết định chọn nghề, Jobex sẽ có đội ngũ cố vấn cá nhân cho từng bạn để hỗ trợ học sinh vạch ra kế hoạch phát triển về sự nghiệp, học tập và bản thân họ trong tương lai”, Thượng Hải nói. Các chương trình của nhóm hướng đến giải pháp cá nhân hóa là học kỹ năng tự nhận thức bản thân - Trải nghiệm dự án thực tế - Kết nối cố vấn. Ba hoạt động này được tổ chức linh hoạt, đa dạng, kết hợp giữa online và offline

Jobex Network của nhóm đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Sinh viên Sư phạm với ý tưởng khởi nghiệp 2020 và Top 50 Cuộc thi CiC 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án có tính khả thi khá cao vì có sự quan tâm và hỗ trợ từ các chuyên gia giáo dục thuộc trường ĐH Sư phạm TP. HCM và những người thành công đi trước có kinh nghiệm trong đa dạng ngành nghề. Tính cạnh tranh của Jobex cao vì đã có các dự án đã được triển khai: 5 tuần trải nghiệm chủ đề "Giải mã xu hướng nghề nghiệp của thị trường lao động Việt Nam trong 5 năm tới", Tọa đàm "Cha mẹ cùng con hướng nghiệp thời 4.0". Mới đây, nhóm tổ chức sự kiện “24h làm nhà truyền thông 4.0” thu hút nhiều bạn trẻ tham dự nhằm nâng cao nhận thức trước tin giả và chủ động trong tư duy phản biện.

Dự định sắp tới, nhóm sẽ phi lợi nhuận hóa dự án và kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng như: hỗ trợ địa điểm tổ chức dự án, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chuyên môn công việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/jobex-va-giai-phap-huong-nghiep-cho-ban-tre-cua-nhom-sinh-vien-su-pham-1773968.tpo