Jerusalem - quá khứ và hiện tại: Hành trình của người Do Thái

'Năm sau ở Jerusalem' là câu nói mà người Do Thái chúc nhau suốt hàng ngàn năm vào mỗi dịp lễ Vượt qua, tức dịp lễ quan trọng nhất hằng năm của dân tộc này.

Xe tăng của Israel ở phía đông Jerusalem vào tháng 6.1967 - Ảnh: AFP

Có lẽ, sự mong mỏi suốt hàng ngàn năm như thế đã tạo động lực cho người Do Thái thắng lợi trong 2 cuộc chiến 1948 và 1967, giành quyền kiểm soát Jerusalem.

Tháng 5.1948, khi kết thúc quyền ủy trị của người Anh tại đây, ông David Ben-Gurion, người đứng đầu Cơ quan Do Thái, tuyên bố “thành lập một nhà nước Do Thái tại Eretz-Israel, được gọi là nhà nước Israel”.

Để chuẩn bị cho sự ra đời trên, bà Golda Meir (người về sau làm Thủ tướng Israel từ năm 1969 - 1974) đã đi đến một số nước, bao gồm một số quốc gia Ả Rập để thuyết phục việc đồng ý một nhà nước của người Do Thái. Tại Jordan (khi đó có tên là Transjordan), bà được vua Abdullah của nước này cảnh báo đừng vội vã thành lập nhà nước Israel. Đáp lại, bà Meir nói rằng: “Chúng tôi chờ suốt 2.000 năm thì sao là vội vã”.

Bà Meir không hề quá lời. Khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên, sau bao năm sống ly hương ở Ai Cập, nhà tiên tri Moses đã dẫn dắt dân tộc Do Thái trở về vùng đất Israel hiện nay. Nhưng dân tộc này lại trải qua vô số biến cố trong hơn 1.000 năm tiếp theo. Và rồi, một lần nữa, họ ly hương do bị các đế chế khác trục xuất, nên phải trải qua giai đoạn 2.000 năm tiếp theo lưu lạc khắp thế giới. Thế nhưng, khoảng thời gian đó không đủ sức chôn vùi ý chí dân tộc này, họ vẫn hằng năm nhắc nhau rằng: “Năm sau về Jerusalem”.

Vào thế kỷ 19, ông Theodor Herzl (1860 - 1904) sáng lập phong trào phục quốc Do Thái. Rồi mãi đến năm 1948, nhân sự kiện người Anh không còn quyền ủy trị với vùng đất cha ông người Do Thái, nhà nước Israel mới ra đời. Trong bối cảnh tồn tại giữa khu vực Ả Rập, cảnh báo của vua Abdullah được hiện thực hóa bằng chiến tranh - điều mà chính quyền của ông Ben-Gurion đã lường trước.

Đối đầu liên quân

Ngày 14.5 (năm 1948), quân đội các nước Lebanon, Syria, Iraq, Jordan và Ai Cập đồng loạt tấn công Israel - một nhà nước chưa có quân đội quốc gia và cũng chưa có các đồng minh như ngày nay, theo cuốn Tiểu sử David Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel (tác giả Michael Bar-Zohar). Những máy bay Ai Cập đánh bom Tel Aviv. Ở phía bắc, người Do Thái phải tử thủ trước các cuộc tấn công của quân Syria và Libăng.

Các thành viên Palmach chiến đấu ở Jerusalem vào năm 1948 - Ảnh: GPO

Tại Jerusalem, liên quân Ả Rập giành lại được những gì người Do Thái đã chiếm trước đó và cắt đứt một tuyến đường quan trọng. Trước khi cuộc chiến trên nổ ra, lực lượng Do Thái đã không ít lần đụng độ với lực lượng Ả Rập để giành ảnh hưởng tại Jerusalem.

Trong tình huống Israel bị tấn công mọi mặt và vũ khí thì thiếu thốn do chưa mua về kịp, liên quân chiếm các khu ven Jerusalem, đe dọa toàn bộ khu vực Do Thái, oanh tạc không ngừng. Đến ngày 22.5, tình hình ở Jerusalem xấu đi đáng kể, liên quân chiếm hết làng này đến làng khác ở vùng lân cận.

Vào thời điểm trên, chiếc máy bay Messerschmitts đầu tiên (do Đức chế tạo) đã từ Tiệp Khắc về đến Israel. Một con tàu cập bến mang theo 5.000 súng trường cùng 45 đại bác. Ben-Gurion ra lệnh cử một đội quân gồm các đơn vị được huấn luyện và vũ trang, mang theo tất cả những gì đang có, để chiếm lại các làng xung quanh, mở đường đến Jerusalem.

Tuy nhiên thực tế, lực lượng có thể huy động lúc đó thì chỉ có Lữ đoàn số 7 vừa thành lập, với hàng trăm tân binh chưa qua huấn luyện, nói đủ các thứ tiếng khác nhau. Cấp chỉ huy đành huấn luyện những điểm chính yếu về vũ khí. Lực lượng này cũng được tăng viện một tiểu đoàn từ Lữ đoàn Alexandroni. Tình thế ngày càng căng thẳng hơn tại khu vực Do Thái của thành cổ, bị cô lập khỏi các khu vực Do Thái khác, phát đi lời kêu gọi chi viện một cách tuyệt vọng.

Đêm 24.5, khi lực lượng còn yếu, Israel nghe tin các nước lớn muốn khu vực này ngừng bắn. Nếu điều đó xảy ra thì người Do Thái sẽ mất trắng Jerusalem một khi chưa kịp thoát khỏi tình trạng bị phong tỏa. Ông Ben-Gurion bắt buộc các lực lượng tấn công giành lại đất thánh. Tuy nhiên, dù tiếp tục bổ sung lực lượng, mọi cuộc tấn công của lực lượng bộ binh Israel đều bị bẻ gãy cho đến đầu tháng 6.

May mắn cho Israel, một số thành viên của Palmach (nhóm xung kích ưu tú thuộc lực lượng đặc nhiệm Haganah của người Do Thái) phát hiện một ngả đường đồi không đi ngang qua Latrun. Thông qua đó, Israel đưa quân đến Jerusalem để khu vực này không còn bị cô lập ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào tháng 6.1948. Sau cuộc chiến, Israel giữ một phần Jerusalem, Jordan chiếm giữ một phần có bao gồm Thành cổ Jerusalem.

Giành lại đất thánh

Sau cuộc chiến năm 1948, Israel và khối Ả Rập liên tục xảy ra xung đột, nổi bật là xung đột kênh đào Suez năm 1956, rồi căng thẳng từng bước dâng cao. Đến đầu năm 1967, Ai Cập đồn trú khoảng 100.000 - 160.000 binh sĩ, 950 xe tăng, 1.100 xe bọc thép và 1.000 đơn vị pháo binh tại bán đảo Sinai cận kề Israel. Syria thì điều động 75.000 binh sĩ đến cao nguyên Golan và Jordan góp mặt với 55.000 binh sĩ cùng hàng loạt khí tài khác nhằm vào Israel. Kèm theo đó là sự hỗ trợ từ các đồng minh Ả Rập như Iraq, Ả Rập Xê Út, Ma Rốc, Libya... Tất cả thể hiện tham vọng rõ ràng: xóa sổ Israel. Đến ngày 22.5.1967, Tel Aviv bị phong tỏa tuyến giao thông huyết mạch qua eo biển Tiran để ra biển Ả Rập, xem như Israel bị phong tỏa hoàn toàn.

Giữa tình thế như vậy, tối 1.6.1967, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc bấy giờ Moshe Dayan nhóm họp lực lượng chủ chốt để tấn công phủ đầu các nước Ả Rập. Khi đó, Mỹ và Pháp đều tỏ ý không ủng hộ Tel Aviv đơn phương hành động.

Tuy nhiên, sáng 5.6.1967, gần 200 chiến đấu cơ Israel bất ngờ xuất kích. Không quân nước này chỉ giữ lại 12 máy bay canh giữ bầu trời, còn lại đồng loạt tấn công tổng lực nhằm vào các sân bay của Ai Cập. Với thông tin tình báo chính xác và yếu tố bất ngờ, Israel khiến đối phương không kịp trở tay. Kế đến, lực lượng không quân của Syria và Jordan cũng thúc thủ. Đến chiều tối cùng ngày, Israel hoàn toàn làm chủ bầu trời khu vực, hàng trăm máy bay của Ai Cập, Syria và Jordan bị phá hủy.

Song hành cùng việc vô hiệu hóa không quân đối phương. Tel Aviv bắt đầu mở cuộc tấn công tổng lực trên khắp các chiến trường từ bán đảo Sinai, Dải Gaza đến vùng bờ Tây và cao nguyên Golan. Đến tối 5.6.1967, Syria thiệt hại 2/3 lực lượng không quân khi mất đến 32 chiến đấu cơ MiG-21, 23 chiếc MiG-15 và MiG-17. Thiếu hệ thống phối hợp và hậu cần hiệu quả, lực lượng bộ binh Syria nhanh chóng rơi vào nguy nan. Sáng sớm 9.6.1967, Damascus thông báo việc đồng ý ngừng bắn nhưng quân đội Israel tiếp tục tấn công mạnh mẽ. Đến chiều cùng ngày, 4 lữ đoàn Israel tiến vào Golan và nhanh chóng kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn này. Cùng khoảng thời gian trên, tình thế của Ai Cập và Jordan cũng chẳng khá hơn đồng minh. Từ ngày 7.6.1967, quân đội Do Thái tiến vào tiếp quản phía đông Jerusalem, lấy lại thành cổ.

Đến ngày 10.6.1967, lực lượng Ả Rập gần như thua trắng trên hầu hết các mặt trận nên đành phải đình chiến. Thắng lợi áp đảo, Tel Aviv chính thức thâu tóm nhiều khu vực, trong đó có cao nguyên Golan, Dải Gaza, bán đảo Sinai... Tất nhiên, khu vực có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị vẫn là phía đông Jerusalem, giúp người Do Thái hoàn toàn kiểm soát miền đất thánh.

Năm 1994, Israel và Palestine (cùng phía Ả Rập và cũng tuyên bố nhà nước lấy Jerusalem làm thủ đô) đạt thỏa thuận Gaza-Jericho. Theo thỏa thuận này, người Palestine thừa nhận nhà nước Israel, tham gia ngăn chặn bạo lực. Ngược lại, Israel rút quân khỏi nhiều khu vực ở Dải Gaza (không bao gồm khu vực định cư của người Do Thái và các vùng lân cận) và thị trấn Jericho thuộc vùng Bờ Tây mà Tel Aviv chiếm giữ từ sau Chiến tranh 6 ngày. Nhờ đó, người Palestine bắt đầu có quyền tự trị tại đây.

Ngô Minh Trí

Ngô Minh Trí

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/jerusalem-qua-khu-va-hien-tai-hanh-trinh-cua-nguoi-do-thai-907982.html