JD.com đấu thua 'anh cả' Alibaba ở Trung Quốc

JD.com là nền tảng thương mại điện tử lớn thứ nhì ở Trung Quốc, đang bị mất thị phần nội địa vào tay 'anh cả' Alibaba và các đối thủ mới nổi khác, nhất là tại các thành phố nhỏ hơn.

JD.com đã báo trong năm 2018, mức lỗ ròng 2,4 tỉ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 358 triệu đô-la Mỹ), số người sử dụng trang web tăng chỉ 4% lên khoảng 300 triệu lượt người, một tỉ lệ giảm đáng kể so với sức tăng 29% trong năm 2017.

 JD.com được tiếng giao hàng nhanh, đúng giờ. Ảnh: Nikkei Asian Review

JD.com được tiếng giao hàng nhanh, đúng giờ. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong báo cáo, Tổng giám đốc Richard Liu nói JD.com sẽ phải rao bán nhiều sản phẩm hơn để thu hút nhiều khách mua hơn.

Theo báo Nikkei Asian Review, khi thương mại điện tử đã bảo hòa tại các thành phố lớn của Trung Quốc, lực tăng trưởng đã chuyển về các thành phố nhỏ và các vùng nông nghiệp, là những nơi JD.com thua xa Alibaba.

JD.com nổi tiếng nhờ giao hàng nhanh, đúng giờ, nhờ hệ thống phân phối hàng hóa đến tận nhà khách mua. Nhà bán lẻ điện tử này cũng bán được nhiều sản phẩm riêng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, theo một mô hình kinh doanh giống Amazon.com.

Công ty được lòng khách hàng vì dịch vụ tin cậy so với Alibaba, nơi có chất lượng giao hàng dao động, do tập đoàn này giao khâu chuyển hàng cho các công ty hợp tác.

Nhưng Alibaba đã bắt đầu khắc phục tình hình này. Năm 2018, Chủ tịch Jack Ma nói tập đoàn của ông sẽ đầu tư 100 tỉ NDT vào mạng lưới logistic, và xem xét tăng thêm kinh phí nếu cần. Tập đoàn bán lẻ điện tử này cũng mở rộng quan hệ đối tác với các dịch vụ giao hàng.

Ngược lại, JD.com cứ khăng về tự cung tự cấp, nên quan điểm này có thể tác hại đến uy tín của công ty, vì thiếu các trung tâm phân phối ở các khu vực nhỏ.

Theo Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử, trong năm 2018, JD.com chiếm 25% giá trị trong hoạt động chuyển khoản thương mại điện tử của Trung Quốc, giảm 7% điểm so với toàn năm 2017. Trong khi đó, phần chia thị trường của Aliba tăng 2 điểm lên khoảng 55%.

Các đối thủ mới nổi lên cũng níu chân JD.com. Nhà bán lẻ đồ dùng điện tử Suning.com và Pinduoduo (một trang mạng có tiếng vì bán hàng giá rẻ) đã mở rộng được phần chia thị trường của họ.

Một công chức 34 tuổi ở tỉnh Giang Tây cho biết: anh thường truy cập trang mạng Alibaba, và Pinduoduo để mua đồ dùng hàng ngày, nhưng hiếm khi anh dùng JD.com vì “hàng của họ đắt tiền hơn, lại thu hẹp quyền chọn sản phẩm”.

Các vấn nạn trong quản lý cũng tác động đến hoạt động kinh doanh của JD.com. Hồi tháng 2, khí thế nghỉ Tết Âm lịch của nhân công bị sa sút, vì công ty nói sẽ dựa vào thành tích kém để cho nghỉ việc 10% nhân sự cấp cao.

Động thái này là kết quả của sự thay đổi khâu quản lý phía sau hậu trường. Năm 2004, ông Liu nhảy vào thị trường thương mại điện tử, phát triển JD.com thành một mô hình mẫu cho lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc. Nhưng năm 2018, ông bị Mỹ bắt vì bị cáo buộc quấy rối tình dục. Vụ này làm công ty bị mất uy tín, dẫn đến sự mất giá của cổ phiếu công ty.

Sau đó, ông Liu được thả, không vướng tội danh nào. Ông giao quyền cho các giám đốc khác nắm các mảng như phân phối, kinh doanh trên mạng.

Nhưng sự phân quyền này đã khiến JD.com “không có người cầm cương và tổ chức các chiến lược nội bộ quan trọng”, theo lời một nguồn tin của Nikkei Asian Review.

JD.com đã tìm một giải pháp để hỗ trợ các công ty khác, với các chương trình logistic và một công nghệ siêu thị không người bán (do Trung Quốc thiết kế), một nguồn thu nhập mới sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào thương mại điện tử. Đến tháng 2, công ty phối hợp với công ty bán lẻ điện tử Rakuten (Nhật Bản) để tạo người máy giao hàng.

Theo Cục Thống kê nhà nước trung Quốc, sức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã giảm, từ 39% hồi năm 2017 xuống còn 25% trong năm 2018, đạt tổng cộng 9,65 ngàn tỉ NDT.

Ngay cả Alibaba cũng cảm nhận được sự suy giảm, và đầu tư vào Suning.com cũng như lập các dịch vụ điện toán đám mây, nhằm giảm sự lệ thuộc vào thương mại điện tử.

Tencent cũng mua cổ phần của Pinduoduo, do “khổng lồ” công nghệ này muốn tăng sức đối kháng của mình.

Các công ty bán lẻ điện tử Trung Quốc đã chuyển ra nước ngoài, và đang đầu tư vào nhiều loại “bò sữa” nhằm khắc phục sự lệ thuộc vào thương mại điện tử trong nước, nhưng chưa có dự án nào đem lại nguồn lợi.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/jd-com-dau-thua-anh-ca-alibaba-o-trung-quoc-158995.html