JBIC tìm kiếm cơ hội hợp tác hạ tầng giao thông tại Việt Nam

Bộ GTVT và JBIC thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, hiện thực hóa hợp tác phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và ông Tastuhiko Takesada, Giám đốc quản lý cấp cao của JBIC thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác hai bên thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông

Sáng nay (19/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tiếp và làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) do ông Tastuhiko Takesada, thành viên Ban Tổng giám đốc, Giám đốc quản lý cấp cao làm trưởng đoàn.

Tại buổi tiếp, ông Tastuhiko Takesada cho biết, JBIC là một định chế tài chính và cơ quan tín dụng xuất khẩu của Nhật Bản, được thành lập thông qua việc sáp nhập Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nhật Bản và Quỹ Hợp tác kinh tế ở nước ngoài. JBIC tổ chức cho vay vốn/bảo lãnh vay vốn có ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, có uy tín và đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ nguồn vốn phát triển các dự án hạ tầng tại các nước trong khu vực.

"Không chỉ cung cấp nhiều khoản vay thúc đẩy FDI của Nhật Bản vào Việt Nam, JBIC còn tài trợ trực tiếp thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực khi có các nhà đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản tham gia. JBIC mong muốn tìm hiểu chính sách phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng GTVT”, ông Tastuhiko Takesada nói.

Hoan nghênh JBIC quan tâm hợp tác đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian qua Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ quý báu để phát triển GTVT nói chung, lĩnh vực hạ tầng giao thông nói riêng. Thông qua nhiều hình thức như: vốn ODA cho các dự án đầu tư hạ tầng; hỗ trợ kĩ thuật; tài trợ đào tạo nhân lực… sự hỗ trợ của Nhật Bản đã giúp nâng cao năng lực GTVT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung triển khai một số dự án trọng yếu, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… trong khi nguồn tài chính công hạn hẹp. Ngoài ra, còn các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác như: phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, hệ thống cảng biển, nâng cấp cảng hàng không, đường sắt nội đô. Chính vì vậy, Việt Nam chủ trương kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn vốn, bằng nhiều hình thức, đặc biệt là hình thức hợp tác đầu tư đối tác công - tư PPP.

“Hiện Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về PPP nhằm tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư ổn định để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm tham gia”, Thứ trưởng Đông nói và cho rằng, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản, kể cả các tổ chức, định chế tài chính tham gia.

Hai bên đã bàn thảo, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP và thúc đẩy phát triển phương thức vận chuyển logistics của thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực. Hai bên cũng thống nhất sẽ tích cực trao đổi thông tin, làm việc nhằm hiện thực hóa tiềm năng hợp tác trong phát triển GTVT nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/jbic-tim-kiem-co-hoi-hop-tac-ha-tang-giao-thong-tai-viet-nam-d272465.html