Jack Ma: Biểu tượng của một thế hệ khởi nghiệp Trung Quốc

Khá lâu trước khi trở thành doanh nhân nổi bật nhất nhì Đại lục, tỉ phú Jack Ma chỉ là giáo viên Anh ngữ cố gắng thuyết phục bạn bè mình rằng sẽ có một ngày nào đó, họ mua sắm mọi thứ trên internet.

Ông Jack Ma - Ảnh: Reuters

Tầm nhìn của Jack Ma đã thay đổi Trung Quốc, Bloomberg viết. Dù ông lên kế hoạch rời khỏi Alibaba Group vào năm sau, di sản mà ông để lại vẫn sẽ đứng vững dài lâu. Nhiều năm trên thương trường, ông không chỉ biến hãng thương mại điện tử Trung quốc trở thành công ty có giá nhất châu Á mà còn làm được nhiều hơn thế.

Jack Ma cho thấy doanh nghiệp tư nhân sáng tạo có thể phát triển mạnh dưới mọi chế độ. Thành công đột phá của ông tạo ra hình mẫu, giúp thúc đẩy một ngành công nghiệp sẵn sàng cạnh tranh với Thung lũng Silicon, thúc đẩy kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng để đuổi kịp Mỹ.

Hiện ông Ma là người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản khoảng 40 tỉ USD. Ông còn là nhân vật được chào đón tại các buổi trò chuyện toàn cầu như Hội nghị Davos. Cùng lúc, ông vẫn tuân thủ quy định mà chính quyền đưa ra, ngay cả khi đó là quy định kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, internet và phát biểu bất đồng chính kiến. Cách tiếp cận của ông chứng minh rằng thành công của doanh nhân có thể tồn tại cùng chế độ, mở đường cho làn sóng khởi nghiệp.

Jack Ma là khách mời trong nhiều sự kiện diễn thuyết hoặc hội nghị quốc tế - Ảnh: Reuters

“Ông ấy là hình mẫu cho thế hệ chúng ta”, doanh nhân khởi nghiệp Peiran Wei nói. Người đàn ông 36 tuổi này chia sẻ rằng ông có can đảm đồng sáng lập startup VideoUP phần lớn là nhờ Jack Ma và Alibaba.

Chuyện đời Jack Ma còn là “huyền thoại”. Ông sinh năm 1964 ở Hàng Châu, nơi nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và cảnh đẹp thiên nhiên. Ngày còn trẻ, ông mài dũa khả năng Anh ngữ bằng cách đi chơi quanh khách sạn lớn để trò chuyện, tập nói tiếng Anh với du khách.

Ở tuổi thiếu niên, Jack Ma đã mon men đến khách sạn lớn tại Hàng Châu để trò chuyện với khách Tây, nâng cao khả năng Anh ngữ - Ảnh: Crocodile in the Yangtze

Sau khi làm giáo viên, ông chuyển sang làm kinh doanh. Alibaba.com ra đời năm 1999 với 17 nhà đồng sáng lập. Ông không phải doanh nhân giỏi công nghệ nhất, cũng không phải người thông minh nhất, song ông chứng minh rằng mình là nhà lãnh đạo đầy cảm hứng, có thể dùng nội lực và đội ngũ của mình để nói lên tầm nhìn hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc.

“Những người thông minh cần một kẻ ngốc dẫn đường họ. Sẽ dễ thắng hơn nếu bạn có nhiều người cùng nhìn mọi thứ từ nhiều quan điểm khác nhau”, ông Ma nói.

[VIDEO] Tỉ phú Jack Ma nói gì về bí quyết thành công?

Alibaba đưa thương mại điện tử đến nhiều vùng quê hẻo lánh của Trung Quốc, mở rộng sang cả mảng trí tuệ nhân tạo, y tế và phim Hollywood. Chưa đầy 20 năm kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp mà ông và những nhà đồng sáng lập chung tay tạo ra được định giá 240 tỉ USD, cao hơn bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào được nhà nước hậu thuẫn.

“Ông ấy khởi động công ty riêng với nhiều người trong một căn hộ, và ngay cả hôm nay mỗi khi đi qua nơi đó, tôi nhớ đến ông ấy. Đó là chung cư 20 năm tuổi không đẹp đẽ gì, nhưng vẫn gợi cho tôi cảm hứng”, ông Wei, người cùng quê Hàng Châu, chia sẻ.

Jack Ma và những người bạn - Ảnh: The Crocodile in the Yangtze

Một trong những người đầu tiên nhìn thấy sự hứa hẹn tiềm năng của ông Ma là tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son. Hãng SoftBank Group của ông Son dẫn đầu khoản đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba trong năm 2000, và hiện số cổ phần trên trị giá khoảng 120 tỉ USD.

“Ông ấy khi đó không có kế hoạch kinh doanh, 0 đồng doanh thu. Nhưng tầm nhìn ông ấy rất mạnh. Tôi có thể nhận ra qua cách ông ấy nói, rằng ông ấy có uy tín, có khả năng lãnh đạo”, ông Son nói về ông Ma trong chương trình The David Rubenstein Show.

Thời điểm IPO Alibaba kỷ lục chính là lúc Jack Ma thay đổi ngành công nghệ đất nước vĩnh viễn. Ông Ma và đội ngũ của mình huy động được 25 tỉ USD ngày đầu lên sàn, nhiều hơn bất cứ doanh nghiệp nào trước đó.

Jack Ma trong ngày IPO Alibaba vào tháng 9.2014 - Ảnh: Reuters

Tác động tích cực đến ngay lập tức. Hãng smartphone Trung Quốc Xiaomi huy động được vốn mạo hiểm vài tháng sau đợt IPO có giá nhất thế giới 46 tỉ USD. Dù kỷ lục của hãng Trung Quốc sớm bị Uber Technologies làm lu mờ, song sự kiện vẫn đánh dấu cánh cửa mở cho các hãng công nghệ quốc gia Đông Á.

Số thương vụ mạo hiểm ở Trung Quốc tăng từ 4,4 tỉ USD năm 2013 lên 16,6 tỉ USD năm 2014, đạt đến 62,6 tỉ USD năm 2017, theo số liệu từ hãng Preqin. Năm nay, Trung Quốc trên đà vượt Mỹ cả về vốn mạo hiểm lẫn giá trị IPO.

“Bối cảnh startup Trung Quốc sẽ không tồn tại như hôm nay nếu không có Jack Ma. Sự nổi danh của Jack Ma và thành công của Alibaba khiến startup trở thành lựa chọn nghề nghiệp được chấp nhận, giúp thúc đẩy một trong các thị trường công nghệ lớn nhất thế giới”, đối tác William Bao Bean của hãng đầu tư mạo hiểm SOSV cho hay.

Tỉ phú Jack Ma vừa công bố kế hoạch về hưu, chuyển quyền chủ tịch kiêm CEO cho ông Daniel Zhang bắt đầu từ năm 2019 - Ảnh: Bloomberg

Ông Ma không chỉ thành công mà còn phá vỡ sự rập khuôn của giới lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, thường là những người đứng đầu ẩn mình tại nhiều doanh nghiệp quốc doanh như PetroChina và China Mobile. Hãng tin Bloomberg so sánh những gì ông Ma làm như cách ông ăn mặc như Michael Jackson và thử nhảy kiểu “moon walk” trên sân khấu. Ông cởi mở với công chúng về cung cách cá nhân.

“Với nhiều người, ông ấy là bộ mặt của internet Trung Quốc. Nhiều người không thực sự biết Pony Ma (sếp Tencent Holdings) trông như thế nào”, ông Bean nói.

Trong chuyện kinh doanh, ông Ma thỉnh thoảng bị so sánh với sếp Amazon Jeff Bezos, tỉ phú giàu nhất lịch sử hiện đại, vì cả hai công ty đều thuộc mảng thương mại điện tử. Dù vậy, hai doanh nhân có nhiều nét riêng. Cố vấn nội các Trung Quốc kiêm nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Wang Huiyao cho hay: “Ông Ma đại diện cho thế hệ quốc tế đầu tiên của giới doanh nhân Đại lục”.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/jack-ma-bieu-tuong-cua-mot-the-he-khoi-nghiep-trung-quoc-1001914.html