Jack Kerouac chưa đi Hyperloop

1. Gọi 'ba lô' người Mỹ dùng hai từ 'backpack' và 'rucksack', 'backpack' thì thông dụng hơn.

Triển lãm “Thế hệ Beat và Văn hóa Đối ngược 1940-1975” (The Beat Generation & Counterculture 1940-1975) tại Đại học Emory (tiểu bang Georgia, Hoa kỳ). Ảnh: Tâm Trương

Tim tôi, quả thật, đã nhịp nhanh khi vừa thoạt thấy rucksack của Jack Kerouac màu cỏ úa với nhiều túi phụ - ba lô con cóc tại Đại học Emory (tiểu bang Georgia) - đại học tư thục danh tiếng nước Mỹ.

Từ 28.9.2017 đến 15.5.2018, tại thư viện Robert W.Woodruff của trường, lần đầu tiên có một triển lãm đặc biệt quy mô về “Thế hệ Beat và Văn hóa Đối ngược 1940-1975” (The Beat Generation & Counterculture 1940-1975) có tên “Cỗ máy ước mơ” (The Dream Machine), với nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm của Allen Ginsberg, Jack Kerouac, William S.Buroughs - ba nhà văn - “thủ lĩnh” Beat Generation - “trào lưu văn hóa xã hội của Mỹ nổi lên cuối thập niên 50-60 thế kỷ 20; và ngày nay khi nhìn lại, không ai có thể phủ nhận Beat là một trào lưu văn học quan trọng của nước Mỹ; những người tạo văn hóa Beat đều có học vấn cao, đặc biệt khả năng tự học rất lớn…”.

Triển lãm có ấn bản đầu tiên bài thơ “Howl” (Hú) từ 16.5.1956 của Allen Ginsberg; thư từ, hộ chiếu, ấn bản đầu tiên tiểu thuyết nổi tiếng nhất của J.Kerouac “On the road” vào năm 1957 (ở Việt Nam, bản dịch “Trên đường” ấn hành bản gần nhất năm 2014 và 2016); “Thi Vietnam - Nhất Hạnh”; “Những bài thơ phản đối chiến tranh Việt Nam” những năm 1960…

Nhìn thấy chiếc rucksack trứ danh, đọc “Trên đường” được sáng tác như là bột phát với câu chữ lan man đượm buồn - một ký sự hành trình - ký sự cuộc sống của người trẻ phiêu lưu “ngửi mùi thế giới”, tích trữ kinh nghiệm sống, và cao hơn là tìm kiếm những điều trong tâm linh để nhận diện chính mình, có lẽ mới lờ mờ hiểu vì sao J.Kerouac cho tới giờ, sau 70 năm, vẫn được đón đọc ở khắp nơi, nhất là những người trẻ.

Nổi bật trong triển lãm là phần “Rucksack revolution” (tạm hiểu: Cuộc cách mạng ba lô), với câu chữ nổi tiếng của J.Kerouac tôi tạm hiểu: “Tôi thấy rõ một cuộc Cách mạng vĩ đại của chiếc ba lô”. Tôi “phiên ngang”: Lên đường đi để “ngửi mùi cuộc sống”!

Người Việt mình thì có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

2. Con đường từ New York tới thủ đô Washington dài 364km chúng tôi đi xe đò khuya mất gần 5 giờ đồng hồ. Giả sử nếu đi bằng Hyperloop, chỉ mất 30 phút. Tôi đã nhẩm tính: Đường sắt Hà Nội-Sài Gòn dài hơn 1700km, nếu xài Hyperloop chỉ hết hơn 90 phút.

Hyperloop là ý tưởng được tỉ phú-doanh nhân thông minh dị thường - Elon Musk đề xuất từ 2012 - đưa con người vù vù trong một hệ thống ống tốc độ 1126km/giờ. Xài Hyperloop, theo Elon Musk, nhanh gấp đôi máy bay dân dụng, tiết kiệm điện, không sợ nắng mưa gió bão…

Vào tháng 5. 2016, Billy Pham được mời tới Los Angeles thăm một trong những công ty đang hiện thực hóa ý tưởng Hyperloop. Qua giọng kể của Billy về chuyến thăm ấn tượng, tôi hiểu, một trong những điều Billy thích nhất nếu xài Hyperloop là tiết kiệm thời gian, vì ngay cả các tuyến đường sắt cao tốc so với Hyperlop vẫn quá chậm chạp và đắt đỏ. “Thời gian dư để làm gì? Câu trong sách: Việc làm máy móc sinh tâm máy móc - có dùng được trong chuyện xài Hyperloop này?”, tôi nhớ mình đã hỏi một câu ngơ ngẩn. Billy cười phá “Khi bắt đầu có xe ngựa, rồi xe lửa, máy bay, người ta cũng hỏi lo lắng vậy. Mọi việc rồi cũng ổn thỏa.”

Ừ, chào xuân mới 2018, mơ thôi, Việt Nam rồi cũng sẽ có Hyperloop. Tôi sẽ thử đi. Thì tôi vẫn thương nhớ và mong những con tàu từng chạy cà xịch cà đụi trên khổ ray một mét được giữ lại làm kỷ niệm. Nhẩn nha có cái hay của chậm nhẩn nha…

Còn ông, J.Kerouac, người như ông có muốn xài Hyperloop? J. Kerouac chết vì nát rượu ngày 21.10.1969, ở tuổi 47. Hơn 20 năm thanh xuân J.Kerouac lang bạt nhiều nẻo đường nước Mỹ cùng nhiều người theo lối đi nhanh mà chậm, thấy nhiều, gặp nhiều và viết nên những cuốn tiểu thuyết khích lệ tinh thần tự do, tự mình tìm hiểu mình.

J.Kerouac chưa đi Hyperloop, nhưng tôi tin, Elon Musk thì đã đọc sách của J.Kerouac.

TUYỀN LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/jack-kerouac-chua-di-hyperloop-584808.ldo