J-11B Trung Quốc thành mối đe dọa Mỹ với tên lửa PL-15

Nhờ tên lửa không đối không tầm siêu xa PL-15, tiêm kích hạng nặng J-11B của Trung Quốc sẽ sở hữu năng lực tác chiến vượt trội so với hiện nay.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng J-11B là phiên bản sửa đổi do Trung Quốc tiến hành một cách trái phép dựa trên nguyên mẫu J-11A chính là chiến đấu cơ Su-27SK mà Bắc Kinh mua giấy phép cũng như công nghệ chế tạo của Nga.

So với J-11A thì J-11B có tỷ lệ nội địa hóa rất cao với nhiều thiết bị điện tử hàng không của riêng Trung Quốc, nó được công nhận là một nhánh thuộc họ tiêm kích Flanker chứ chẳng đơn thuần chỉ là biến thể sao chép như quan niệm trước đó.

Tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích J-11B cũng được nhận xét là vượt trội J-11A, khi ngoài khả năng chiếm ưu thế trên không thì nó còn có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước thông qua các loại vũ khí dẫn đường chính xác.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không J-11B mang tên lửa tầm siêu xa PL-15

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không J-11B mang tên lửa tầm siêu xa PL-15

Mặc dù được đánh giá cao ở khả năng vận động linh hoạt cũng như có thể tung đòn tấn công ngoài tầm nhìn uy lực nhưng J-11B vẫn có điểm yếu khi nó chưa được trang bị những dòng tên lửa không đối không tốt nhất do Trung Quốc sản xuất.

Nguyên gốc J-11B chỉ bắn được tên lửa R-77 (RVV-AE) do Nga chế tạo có tầm hoạt động 90 km hoặc loại PL-12 nội địa tầm xa nhìn hơn một chút (100 km), khiến nó phần nào gặp bất lợi khi gặp phải những chiến đấu cơ hiện đại.

Nhưng nhược điểm này mới đây đã được khắc phục, khi truyền thông Trung Quốc lần đầu công bố bức ảnh một chiếc J-11B làm nhiệm vụ trực chiến với tên lửa không đối không tầm siêu xa PL-15 ở giá treo dưới cánh.

Tên lửa không đối không tầm xa PL-15 và tầm ngắn PL-10

Nhờ có tên lửa PL-15 kết hợp cùng radar mảng pha quét điện tử thụ động công suất lớn thì giờ đây tiêm kích J-11B đã có thể tung đòn tấn công từ cự ly 150 - 200 km với độ chính xác cao, trở thành mối đe dọa lớn đối với chiến đấu cơ Mỹ và đồng minh.

Thậm chí khi được tác chiến trong biên đội cùng máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) và được kết nối dữ liệu để nhận dạng mục tiêu từ xa thì thậm chí J-11B đủ sức bắn trúng máy bay tác chiến điện tử, máy bay ném bom hay AWACS của đối phương từ cự ly ngoài 300 km.

Có lẽ sau các tiêm kích hạng nặng thuộc họ J-11, J-15 hay J-16 thì Trung Quốc sẽ sớm xúc tiến kế hoạch "bẻ khóa" để trang bị tên lửa PL-15 cho Su-35SK mua từ Nga để tận dụng tối đa năng lực của radar N035 Irbis-E.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/j-11b-trung-quoc-thanh-moi-de-doa-my-voi-ten-lua-pl-15-3376890/