'Ivan Papanhin' phải là kamikadze nếu muốn đánh chìm 'Ronald Reagan'

Liệu tàu phá băng Nga có thể đối dầu với các tàu sân bay Mỹ

Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết tiếp của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc, nguyên kỹ sư chính TSIMASH Vladimir Tuchkov về một chủ đề đang được giới phân tích quân sự quan tâm- sự xuất hiện của tàu phá băng đa năng “Ivan Papanhin”. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 31/10/2019.

Chiếc tàu tuần tiễu đầu tiên lớp tàu phá băng “Ivan Papanhin” (Ảnh: Aleksandr Demianchuk/TASS)

Chiếc tàu tuần tiễu đầu tiên lớp tàu phá băng “Ivan Papanhin” (Ảnh: Aleksandr Demianchuk/TASS)

Vào ngày 25/10, Nga cho hạ thủy một con tàu “độc nhất vô nhị” được giới truyền thông quốc tế mệnh danh là tàu phá băng. Tuy nhiên, phải gọi đó là một chiếc tàu chiến mới đúng. Bởi vì nó được trang bị vũ khí, và nó có thể tham gia vào các chiến dịch tác chiến. Đây là một tàu tuần tiễu đa năng khu vực Bắc Cực thuộc lớp tàu phá băng dự án 23550 “Ivan Papanhin”.

Tính (khả năng) đa năng của nó không chỉ nằm ở chỗ con tàu này có khả năng vừa phá một lớp băng dày tới một mét rưỡi và lại vừa có thể hoạt động trên các vùng biển nhiệt đới. Tàu còn có thế thực hiện chức năng giải quyết các nhiệm vụ vừa “chiến tranh” lẫn “hòa bình” – như hộ tống các tàu chở hàng và tàu chờ dầu ở các khu độ vĩ độ phía bắc, tham gia các chiến dịch cứu hộ và tiến hành các chuyến thám hiểm, khảo sát đại dương...

Con tàu này do Phòng Thiết kế Tàu biển Trung ương “Almaz” thiết kế, đã được khởi công đóng mùa xuân năm 2017 tại nhà máy đóng tàu “Admiralteiskie Verfi” thành phố St. Petersburg. Tàu “Ivan Papanin” dự kiến sẽ được bàn giao cho Hạm đội Phương Bắc vào năm 2021.

Sự kiện tàu “Ivan Papanin”, được hạ thủy tại Xưởng số 8 của Nhà máy đóng tàu nói trên đã trở thành một sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý ở các châu lục khác nhau. Tại Mỹ, đã xuất hiện các bài bình luận về việc người Nga đang quân sự hóa Bắc Băng Dương.

Tại Việt Nam, tờ báo chuyên về quân sự “Báo Đất Việt” đã viết rằng "Ivan Papanin"- là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của tàu sân bay Mỹ. Và rằng "những con tàu này đủ để làm nguội các đầu nóng của đối phương."

Nói cho công bằng thì hiện giờ chúng ta mới chỉ có thể nói về một con tàu nữa lớp này đang được đóng (ý tác giả - chưa có đủ nhiều tàu lớp này để làm nguội các đầu nóng-ND). Đó là chiếc thứ hai – “Nikolai Zubov” – cũng sẽ được khởi công đóng tại Nhà máy đóng tàu “Admiralteiskie Verfi” trong năm tới. (2020). Và đến đây thì dự án 23550 này dự kiến sẽ kết thúc.

Và bây giờ, chúng ta sẽ nói về vũ khí của tàu. Vũ khí này sẽ nguy hiểm cho các tàu sân bay đến mức độ nào, nếu như những tàu sân bay này cùng với đoàn “tùy tùng” (các tàu hộ tống) gồm từ 7 đến 9 chiếc tàu chiến và tàu bảo đảm, vẫn quyết định tiến lên vùng Cực Bắc?

Sức mạnh tấn công chủ yếu của “Ivan Papanhin”- hai bệ phóng với 4 quả tên lửa mỗi bệ. Tổng cộng – 8 quả tên lửa, không tính cơ số đạn dự trữ. Các tên lửa đó có thể là “Kalibr” hoặc “Oniks”. Nếu là "Kalibr" thì chúng có thể là “Kalibr” chống hạm, “Kalibr” chống ngầm hoặc “Kalibr” tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Ngoài ra, còn có một tổ hợp pháo đa năng A-190 cỡ nòng 100 ly, có thể tiêu diệt các mục tiêu cả trên biển và trên không. Tốc độ bắn là 80 phát/ phút.Tầm bắn - 21 km, độ cao bắn - 15 km. Khi đó các góc tà của nòng pháo nằm trong khoảng từ - 15 độ lên + 85 độ.

Sector pháo kích theo góc ngang (góc phương vị)- 170 độ. Còn có thêm các phương tiện (vũ khí) phòng không tăng cường cho pháo A-190 đủ sức đánh trả hiệu quả các cuộc tấn công đường không- đó là các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai "Igla".

Ngoài ra, trên tàu còn có một máy bay lên thẳng chống ngầm K-27, Chưa hết, còn 2 máy bay không người lái.

Như đã thấy, về vũ khí- khá ổn. Nhưng phải thấy rằng "Ivan Papanin"- nếu xét theo tiêu chí lượng giãn nước – nó thuộc về lớp khu trục – tức 8.500 tấn “Ivan Papanhin có thể có lượng giãn nước lớn hơn 8.500 tấn, nhưng không nhiều). Khi hoạt động vùng biển ấm, con tàu này rất khó có thể chiến đấu với cụm tàu sân bay tấn công của đối phương – cán cân lực lượng quá chênh lệch.

“Ivan Papanin” của chúng ta sẽ chỉ có thể đánh nhau với tàu sân bay Mỹ “Ronald Reagan” nếu nó chấp nhận làm một kamikaze (cảm tử). Nhưng nếu chỉ để thực hiện chức năng của một tàu tuần tiễu, đảm bảo an toàn hàng hải trên Con đường biển Phương Bắc và khu vực thềm dầu khí, thì như người ta thường nói, nó quá thích hợp, vì được sinh ra để làm những việc như vậy .

Những tính năng (kỹ- chiến thuật) còn lại như sau: Chiều dài - 114 m. Chiều rộng - 20 m. Mớn nước- 6 m. Tốc độ trên nước “sạch” (không có băng)- 18 hải lý/giờ. Cự ly hoạt động trên biển - 6.000 dặm, thời gian hoạt động độc lập - 60 ngày đêm. Có một số trang thiết bị chuyên dụng - một tời kéo có lực kéo 80 tấn và hai cần cẩu điện- thủy lực có sức nâng 28 tấn mỗi cần cẩu.

Tất cả các trang thiết bị, bao gồm cả trang thiết điện tử, - đều được sản xuất trong nước (Nga). Tàu được trang bị hệ thống dẫn đường và liên lạc rất hiện đại, một radar có chức năng thông báo các tình huống trên không- trên mặt biển, và để điều khiển vũ khí. Ngoài ra, trên tàu còn có một trạm khí tượng thủy văn.

Tất cả các bình luận trên các phương tiện truyền thông nhân sự kiện hạ thủy “Ivan Papanin” đều nhất trí với nhau ở khẳng định rằng đây là một con tàu độc nhất vô nhị, duy nhất trên toàn thế giới. Và rằng từ trước đến giờ chưa từng bao giờ tồn tại một con tàu tương tự như vậy.

Vâng, quả thực, nếu nói về phần các tính năng thì “Ivan Papanin” đúng là chiếm vị trí hàng đầu chắc chắn – thì đó là một nhận định không thể tranh cãi. Nhưng những nhẫn xét cho rằng chưa từng bao giờ tồn tại một tàu nào như “Ivan Papanhin” ở bất kỳ đâu – thì đây lại là một dạng quảng cao hơi quá lời.

Trong nửa đầu thập niên 30, tại Leningrad (nay là St. Peterburg-Nga), khi thiết kế tàu phá băng dự án 51, các công trình sư Liên Xô đã cho bố trí trên tàu một số kiểu vũ khí rất mạnh - 3 tổ hợp pháo 130 mm và 4 khẩu pháo 76 mm, cũng như một số súng máy hạng nặng. Chiếc tàu đầu tiên của Dự án 51 là tàu “Joseph Stalin”, tiếp theo là các tàu “Vyacheslav Molotov”, “Lazar Kaganovich”, “Anastas Mikoyan” (đều là tên các nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó-ND).

Các tàu phá băng này có các đặc điểm thiết kế (tính năng kỹ- chiến thuật) rất ấn tượng- có thể so sánh ngang ngửa với “Ivan Papanin” (trong khi chúng được thiết kế từ những năm 30 của thế kỷ XX). Lượng giãn nước - 11.000 tấn. Chiều dài - 107 m, chiều rộng - 23 m, mớn nước - 8,5 m. Tốc độ trên nước không băng - 15,5 hải lý/giờ.

Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, thành phần vũ khí của các tàu phá băng này đã có thay đổi đáng kể. Cụ thể, một số tàu phá băng được trang bị 4 tổ hợp pháo cỡ nòng 100 mm, 14 pháo phòng không cỡ nòng 20 mm với tốc độ bắn 500 phát / phút và 6 súng máy.

Những tàu phá băng này, về bản chất – chính là các tàu chiến, - chúng đã tham gia tích cực vào các trận đánh ác liệt trên biển trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, và tất cả còn nguyên vẹn cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong những năm 50, tất cả bốn tàu trên đều được (bị) đổi tên. Ví dụ, “Stalin” thành “Siberia” và “Lazar Kaganovich” thành “Đô đốc Lazarev”.

Sau đó, các công trình sư Xô Viết đã quyết định sử dụng kinh nghiệm đóng các tàu này khi chế tạo các tàu phá băng hạt nhân. Thực ra, cũng có một số điều chỉnh quan trọng- đó là vũ khí không được lắp ngay trong quá trình đóng tàu, nhưng nếu cần thiết, vũ khí có thể được tích hợp vào các hệ thống trên tàu.

Tàu sân bay Mỹ “Ronald Reagan”

Trên tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô mang tên “Lenin” bàn giao cho Công ty vận tải biển Murmansk khai thác năm 1960, có bố trí sẵn các bệ để lắp đặt pháo tự động bốn nòng 45 ly, hầm chứa đạn dược và các trang thiết bị quân sự khác- nhưng chúng chưa bao giờ được sử dụng. Vũ khí được bảo quản trong các kho trên bờ.

Trên các tàu phá băng của Dự án 10520 "Bắc Cực" được triển khai vào những năm 70, vũ khí còn “đáng sợ hơn”.

Trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa trên Tuyến đường biển Phương Bắc đối với các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân,- tức các tàu tuần tiễu tiềm năng, trên các tàu dự án này có thể lắp hai khẩu pháo hai nòng AK-726 cỡ 76 ly và bốn pháo sáu nòng cỡ 30 ly AK-630. Hơn nữa, việc lắp đặt vũ khí có thể được triển khai trong một khoảng thời gian cực ngắn- các cơ số vũ khí được bảo quản ngay tại các cảng trú quân của tàu.

Vì vậy, cần phải thừa nhận với nhau rằng "Ivan Papanhin"- tuy có vẻ mới, nhưng thực ra đó chỉ là một một loại tàu cũ đã bị lãng quên sâu.

Và cũng cần phải thấy rằng, việc trang bị vũ khí cho các tàu phá băng- không chỉ có mình Liên Xô làm chuyện này, mà các nước khác cũng đã từng làm. Từ năm 2002, Lực lượng bảo vệ bờ Na Uy đã khai thác tàu tuần tiễu lớp phá băng “Svalbard”. Dĩ nhiên, nếu xét về sức mạnh vũ khí, nó thua xa “Ivan Papanhin”, vì chỉ có một khẩu pháo cỡ nòng 76 ly.

Nó cũng có một máy bay lên thẳng đa năng hạng nặng. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ tính đồng bộ, đây lại là một con tàu rất “chất lượng” với lượng giãn nước 6.500 tấn và chiều dài 103 mét. Hệ thống động lực công suất 10 MW. Cự ly hoạt động - gần 9000 dặm. Tốc độ trên nước không băng - 17,5 hải lý/giờ.

Có thể đi qua những “cánh đồng băng” dày tới một mét. Nó đã từng đi đến tận Bắc Cực. 10 năm trước đây, có tin là Na Uy dự định sẽ nâng số lượng tàu này lên 6-8 chiếc. Tuy nhiên, từ đó đến nay không thấy có thông tin nào thêm nữa về chủ đề này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ivan-papanhin-phai-la-kamikadze-neu-muon-danh-chim-ronald-reagan-3390549/