Italy và EU đạt được bước đột phá về chi tiêu ngân sách sau vài tuần tranh cãi

'Chính phủ Italy đã đi một chặng đường dài sau một vài tuần có vài lời đối đầu hoa mỹ', Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis phát biểu tại Brussels ngày 19/12.

EU thông qua dự thảo chi tiêu ngân sách năm 2019 của Italy. Ảnh: Reuters

Vào đầu tháng 10, với lý do chi tiêu quá nhiều và vi phạm các quy định tài chính của EU, lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Italy.

Cuộc tranh "đối đầu" đã chấm dứt sau khi Brussels chính thức thông báo bản dự thảo ngân sách sửa đổi của Italy không vi phạm quy định của khối.

Theo thỏa thuận được công bố bởi Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis ngày 19/12, Italy đã sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019, điều chỉnh giảm mục tiêu thâm hụt từ mức 2,4% GDP xuống còn 2,04% GDP. Italy cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống còn 1% thay vì 1,5% như trước kia.

Hơn thế nữa, Italy đã chấp nhận rút lại các biện pháp quan trọng nhất trong dự thảo, gồm áp dụng một mức thu nhập cơ bản cho tất cả lao động và tăng lương hưu cho người có thu nhập thấp, và cam kết không làm tăng thêm khối nợ công khổng lồ hiện nay của mình.

“Chính phủ Italy đã đi một chặng đường dài sau một vài tuần có lời đối đầu hoa mỹ”, Phó Chủ tịch Valdis Dombrovskis phát biểu.

Theo ông Valdis Dombrovskis, giải pháp trên của Italy tuy “chưa phải là lý tưởng nhưng trước mắt đã tránh được nguy cơ phải áp dụng các quy định trừng phạt”.

Mặc dù Italy đã sửa đổi kế hoạch chi tiêu, ông Dombrovskis nhấn mạnh rằng một vài thành phần của trong gói chi tiêu vẫn gây lo ngại, đặc biệt là biện pháp quay lại cải cách lương hưu (bao gồm giảm tuổi nghỉ hưu).

"Khi các biện pháp này hoàn toàn có hiệu lực, chúng sẽ đẩy thâm hụt của những năm tiếp theo lên cao hơn. Vào năm 2020 và 2021, Italy dự định sẽ bù đắp thâm hụt bằng cách tăng thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên trong quá khứ, Italy đã không kích hoạt biện pháp này", ông Dombrovskis nói.

Là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song Italy lại là quốc gia có năng suất lao động thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao, cộng thêm khối nợ lên tới 2.300 tỷ USD – tương đương với 130% GDP, cao hơn gấp đôi so với mức trần 60% GDP mà EU quy định. Italy hiện là quốc gia có mức nợ công cao thứ hai trong khu vực đồng Eurozone, chỉ thua mỗi Hy Lạp.

Kim Nai (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/italy-va-eu-dat-duoc-buoc-dot-pha-ve-chi-tieu-ngan-sach-sau-vai-tuan-tranh-cai-53104