Italy cô lập miền Bắc, dân hoảng loạn chạy khỏi 'vùng đỏ'

Thủ tướng Italy đã ra quyết định phong tỏa khu vực miền Bắc để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tin tức của kế hoạch này rò rỉ khiến nhiều người dân tìm cách tháo chạy khỏi vùng bị cô lập.

Hơn 15 triệu người ở miền Bắc Italy đã bị cô lập sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa khu vực này để ngăn virus corona lây lan, theo South China Morning Post.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã phê duyệt kế hoạch phong tỏa miền Bắc Italy trong gần một tháng. Khu vực này bao gồm Venice và trung tâm tài chính Milan.

“Sẽ có lệnh cấm mọi người ở vùng Lombardy và các tỉnh phía bắc khác mà tôi đã liệt kê di chuyển ra và vào những khu vực này”, theo ông Conte. “Ngoại lệ chỉ được áp dụng cho những nhu cầu đặc biệt có thể chứng minh, các trường hợp đặc biệt và các vấn đề về sức khỏe”.

 Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua Đấu trường La Mã ở Rome. Ảnh: AFP.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua Đấu trường La Mã ở Rome. Ảnh: AFP.

Với 366 ca tử vong, Italy là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất do dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc. Các hạn chế mới được đưa ra ngay sau khi số ca nhiễm mới tăng hơn 1.200 trong vòng 24 giờ.

Tháo chạy khỏi khu vực bị phong tỏa

Khi tin chính phủ đang lên kế hoạch phong tỏa bị rò rỉ vào tối 7/3, thành phố Padua ở vùng Veneto đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Người dân và khách du lịch đã vô cùng hoang mang. Họ cố gắng tìm ra thời điểm kế hoạch này có hiệu lực và cách thức thực hiện.

Các sinh viên tại Đại học Padua ở miền Bắc Italy, đang ở quán bar vào tối 7/3, vội vã quay lại dọn đồ đạc khi đọc được tin từ điện thoại.

Quán bar và nhà hàng đông đúc nhanh chóng trở nên vắng người khi người dân đổ xô đến ga xe lửa ở Padua với vali, đeo khẩu trang, găng tay và dung dịch sát khuẩn tay.

"Hai giờ trước, tôi đọc được rằng họ có thể đưa ra một quyết định khẩn cấp đưa Padua vào vùng đỏ. Vì vậy tôi quyết định rời đi sớm hơn", sinh viên Roberto Pagliara quyết định về quê nhà Puglia ở miền nam Italy.

Nhà virus học người Italy, ông Roberto Burioni, đã gọi vụ rò rỉ tin tức này là “thật điên rồ”.

“Bản dự thảo của một biện pháp mạnh bị rò rỉ, gây ra sự hoảng loạn và khiến mọi người cố gắng chạy trốn khỏi khu vực cấm”, ông viết trên Twitter. “Tác dụng duy nhất của việc này là giúp virus lan rộng. Tôi không còn gì để nói”.

Virus Covid-19 đã lan khắp 22 khu vực của Italy và những ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận ở khu vực phía Nam ít được trang bị về mặt y tế của nước này. Người đứng đầu vùng Puglia ở miền Nam Italy đã kêu gọi bất cứ ai nghĩ đến việc trở về từ Lombardy và 11 tỉnh khác bị phong tỏa hãy “quay đầu lại”.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ dọc theo một trong những con đường của khu thời trang ở Milan. Ảnh: South China Morning Post.

“Bạn đang mang virus đến anh chị em, ông bà, chú bác và cha mẹ của mình. Virus này đã khiến hệ thống y tế miền Bắc Italy phải khổ sở. Đừng đem dịch bệnh đến Puglia”, ông viết trên Facebook.

Trong khi đó, Thủ tướng Czech Andrej Babis hôm 8/3 kêu gọi Italy cấm công dân nước này đi du lịch nước ngoài. Czech đã phát hiện 26 trường hợp nhiễm virus, hầu hết có liên quan đến Italy, và cách ly 1.100 người.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là Thủ tướng Conte kêu gọi tất cả người dân Italy không rời khỏi Italy”, ông Babis nói với Đài truyền hình CH Czech. “Rõ ràng rằng Italy không thể kiểm soát được tình hình”.

“Người Italy không nên đi đến châu Âu vì hầu hết các ca nhiễm ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều có nguồn gốc từ Italy”, ông Babis nói thêm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/3 đã ca ngợi “sự hy sinh cao cả” của Italy khi ra quyết định phong tỏa miền Bắc.

“Chính phủ và người dân Italy đang có những bước đi táo bạo, can đảm nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona, bảo vệ đất nước và thế giới của họ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter. “Đây là sự hy sinh cao cả. WHO ủng hộ Italy và sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn”.

Giáo hoàng Francis hôm 8/3 đưa ra thông điệp trực tuyến đầu tiên từ Vatican về bệnh dịch do virus gây ra.

“Tôi cầu nguyện cho những người mắc phải dịch Covid-19”, vị giáo hoàng 83 tuổi nói trong thông điệp được ghi hình tại thư viện Vatican và phát sóng trực tiếp trên màn hình trên Quảng trường Saint Peter Muff trước một đám đông nhỏ.

Châu Âu tìm cách đối phó Covid-19

Sau khi thành phố Venice hủy bỏ lễ hội Carnival và chính phủ nhiều nước đưa ra cảnh báo du lịch với Italy, quốc gia này phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Tỷ lệ phòng khách sạn được thuê ở thành phố này chỉ còn 2%.

“Mặt nước của kênh đào Grand tĩnh lặng như một tấm kính vì không có chiếc thuyền vận chuyển hàng hóa nào. Chỉ có năm hoặc sáu người trên những chiếc vaporetti (buýt đường thủy)”, bà Stefania Stea, phó chủ tịch hiệp hội khách sạn Venice cho biết.

Trong một cuộc họp khẩn cấp suốt đêm vào hôm 7/3, các bộ trưởng Italy đã quyết định kêu gọi các bác sĩ về hưu quay lại để củng cố thêm 20.000 nhân viên cho hệ thống chăm sóc sức khỏe đang quá tải.

Ông Nicola Zingaretti, lãnh đạo đảo Dân chủ của Italy - một trong các đảng cầm quyền quốc gia, là nhân vật cấp cao mới nhất dương tính với virus corona.

"Tôi đã nhiễm virus corona", ông Zingaretti nói trong video đăng trên Facebook. "Tôi vẫn ổn, tôi chỉ phải tự cách ly ở nhà”.

Khách du lịch đến thăm Đấu trường La Mã tại Rome ngày 7/3. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Thể thao Italy Vincenzo Spadafora cũng kêu gọi ngừng giải vô địch quốc gia Itlay Serie A hôm 8/3.

Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia chuẩn bị cho sự xuất hiện của số lượng lớn các ca nhiễm mới. Các quốc gia phương Tây đã học hỏi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và ngưng các sự kiện công cộng để hạn chế virus lây lan.

Số ca nhiễm mới cũng tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia khác.

Bộ Y tế nước Anh cho biết tổng số ca nhiễm đã đạt 206 tính đến ngày 8/3. Nước này cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì virus Covid-19..

Theo trang tin France 24 của Pháp, quốc gia này có 716 ca nhiễm virus Covid-19 được xác nhận và 11 trường hợp tử vong.

Chính phủ các nước châu Âu và công chúng cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị trong bối cảnh mọi người lo ngại dịch bệnh có thể tiếp tục lan rộng. Các biện pháp này bao gồm hủy bỏ các sự kiện, đóng cửa trường học và các biện pháp khác để giảm thiểu tác động của virus.

Tại Đức, nơi có gần 800 trường hợp nhiễm virus được phát hiện, vấn đề này sẽ được đưa ra bàn bạc trong một cuộc họp của các nhà lãnh đạo liên minh vào ngày 8/3. Trong cuộc họp này, các chính trị gia cũng xem xét các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19.

Các sự kiện với hơn 1.000 người tham gia nên được hủy bỏ để ngăn chặn virus lây lan rộng hơn, bộ trưởng Y tế Đức cho biết hôm 8/3.

5 quốc gia, 5 cuộc đua chống lại virus corona Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện có nhiều trường hợp lây nhiễm hơn ngoài Trung Quốc như Iran, Hàn Quốc và Italy và đồng thời kêu gọi thế giới chuẩn bị đối phó với Covid-19.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/italy-co-lap-mien-bac-dan-hoang-loan-chay-khoi-vung-do-post1056860.html