Italia tìm câu trả lời cho vụ sập cầu Morandi

Số nạn nhân trong vụ sập cầu Morandi tiếp tục tăng trong bối cảnh Tổng thống Italia kêu gọi 'điều tra nghiêm túc và kỹ càng' để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.

Số nạn nhân trong vụ sập cầu Morandi tiếp tục tăng trong bối cảnh Tổng thống Italia kêu gọi “điều tra nghiêm túc và kỹ càng” để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.

Trực thăng cứu hộ quần quanh khu vực hiện trường cầu sập. Ảnh: CNN

Tính đến ngày 15-8, ít nhất 39 người đã thiệt mạng và nhiều người khác vẫn còn mất tích trong đống đổ nát sau vụ sập cầu đường cao tốc tại thành phố Genoa ở Italia.

Trong một tuyên bố trên trang mạng, Văn phòng Thị trưởng Genoa đã thông báo, giao thông trên một số đường phố xung quanh cầu Morandi sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, các nhà chức trách Italia và Pháp đang phối hợp để ngăn chặn dòng xe tải đi vào Italia nhằm giảm tắc nghẽn. Các nhà chức trách cũng tư vấn người dân tránh xa lộ và sử dụng đường nội thành cho các hoạt động hàng ngày.

Số nạn nhân tiếp tục tăng

CNN dẫn lời cảnh sát trưởng Riccardo Sciuto cho biết, có cả một gia đình đã thiệt mạng trong tai nạn. Theo ông, số nạn nhân có thể tiếp tục tăng cao do vụ sập cầu để lại hiện trường hàng ngàn tấn bê-tông, trong khi các nhân chứng cho biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn có rất nhiều phương tiện đang lưu thông trên cầu. Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia, Angelo Borrelli, cho biết, khoảng 30 ô-tô và một số xe tải hạng nặng đang ở trên cầu khi tai nạn xảy ra. Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy, một khối lượng lớn xe và các tấm bitum bị xé toạc.

Bất chấp mưa to, gió lớn, các lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm để cố gắng tìm kiếm các nạn nhân còn bị chôn vùi trong hàng ngàn tấn bê-tông đổ nát. Tuy nhiên, Giám đốc phòng cháy chữa cháy Emanuele Gissi nói với CNN rằng, không có người sống sót mới được tìm thấy qua đêm. Các đội cứu hộ với chó nghiệp vụ đang làm việc hết sức nhưng vẫn chưa nghe hoặc nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Ông Gissi nói thêm rằng, tình hình xung quanh khu vực cầu sập vẫn còn nguy hiểm.

Khi các giới chức vẫn đang nỗ lực xác định danh tính các nạn nhân, thành phố Genoa bắt đầu 2 ngày để tang. Cả thành phố treo cờ rũ trong ngày 14 và 15-8 trong khi người dân mặc niệm chia buồn, ủng hộ nạn nhân và gia đình của họ.

Cần điều tra nghiêm túc và kỹ càng

Tổng thống Italia Sergio Mattarella kêu gọi “điều tra nghiêm túc và kỹ càng” để làm rõ nguyên nhân vì sao cây cầu này bất ngờ sụp đổ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italia, Matteo Salvini tuyên bố, chính quyền Italia sẽ làm đến cùng để đưa những người có trách nhiệm trong bi kịch này ra ánh sáng.

Chính quyền địa phương ban đầu cho rằng, nguyên nhân gây sập cầu có thể do những cơn bão lớn, nhưng sau đó, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố, các nhà điều tra đang tập trung vào nguyên nhân về cấu trúc xây dựng của cây cầu này. Giám đốc Kỹ thuật Kết cấu và Phòng thí nghiệm Vật liệu tại Đại học Công nghệ Georgia, Lauren Stewart, nói với CNN rằng, có thể có vấn đề về bảo trì khi cầu Morandi đã 50 năm tuổi. “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi đang lão hóa…Thép có thể bị ăn mòn gây nứt khiến cây cầu có thể bị mất tải khả năng chịu lực suy giảm”, Giám đốc Lauren Stewart nói thêm. Phản bác vấn đề này, Cty phụ trách đường cao tốc Italia, Autostrade, cho biết, cầu Morandi, còn được gọi là cầu vượt Polcevera, vẫn được bảo trì thường xuyên.

Trong khi đó, theo truyền thông địa phương Italia, đây là thảm họa mà một số kỹ sư ở Italia đã cảnh báo trong nhiều năm. Năm 2016, Giáo sư khoa Công trình của trường Đại học Genoa, Antonio Brencich cho rằng, cầu Morandi có nhiều lỗi thiết kế, đặc biệt liên quan đến phần bê-tông làm trụ cầu. Tuy nhiên, các cảnh báo bị phớt lờ. Người dân địa phương cũng nói rằng cây cầu gặp phải vấn đề trong nhiều năm, và nó thường được sửa chữa, nhưng rồi cũng không kéo dài lâu. Và nhiều người ở Genoa đã yêu cầu chính quyền thay thế cây cầu.

Tuy nhiên, việc xây dựng một cây cầu mới có thể mất nhiều năm và tầm quan trọng của cây cầu này, như là một phần của trục đường chính nối miền nam nước Pháp và Italia khiến việc xây mới liên tục bị trì hoãn dù thực tế là chính quyền Genoa phải chi một khoản tiền bảo dưỡng thường xuyên còn cao hơn cả chi phí xây dựng cây cầu.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_193871_italia-tim-cau-tra-loi-cho-vu-sap-cau-morandi.aspx