Italia: Sự khủng hoảng của mô hình dân chủ phương Tây

Thoạt nhìn, châu Âu tưởng như đã xóa tan 'bóng ma' nghi kỵ về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) sau những động thái tích cực trong lộ trình đàm phán đưa Anh ra khỏi liên minh này (hay còn gọi là Brexit).

Thế nhưng, chỉ trong vỏn vẹn vài tuần, "cơn địa chấn" Italia lại khiến giới quan sát buộc phải thay đổi suy nghĩ. Khủng hoảng chính trị phát triển nhanh chóng tại "quốc gia hình chiếc ủng" cùng sự trỗi dậy của làn sóng chủ nghĩa dân túy kể từ sau cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 3 đã trở thành "cú đánh chí mạng", tạo nên viễn cảnh EU tan rã thêm một lần nữa.

Khủng hoảng toàn diện

Italia bắt đầu được "theo dõi" kể từ cuối năm 2017 khi hai khu vực giàu có Lombardy và Veneto ở phía Bắc bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị. Lombardy và Veneto chiếm tới 1/4 dân số Italia và đóng góp tới 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Với lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước, hai vùng này muốn chính phủ Italia trao cho quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu mang tính chất tượng trưng nhưng giới quan sát nhận định nó có thể mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương.

Nguy hiểm hơn, động thái này làm gia tăng căng thẳng khu vực, gây chia rẽ hai miền Bắc - Nam và đổ thêm dầu vào ngọn lửa li khai cũng như chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, trong bối cảnh vùng Catalonia đang cố tách khỏi Tây Ban Nha vào thời điểm đó.

Tháng 3-2018, Italia một lần nữa phải chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của làn sóng dân túy sau khi cử tri quay sang ủng hộ các đảng có lập trường phản đối EU. Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) với tư tưởng bài EU đã chiến thắng và trở thành chính đảng lớn nhất tại Italia.

Bất ổn mới lại khuấy lên nỗi bất an về số phận hệ thống tài chính châu Âu cùng đồng tiền chung euro khi Italia là một mắt xích cực kỳ quan trọng của Eurozone.

Kết quả cho thấy, đảng Dân chủ không đạt được mục tiêu còn trong liên minh trung hữu, hai đảng Tiến lên Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và Liên đoàn phương Bắc (LN) của chính trị gia Matteo Salvini - một "anti-EU" khác, tiếp tục cạnh tranh gắt gao vai trò thủ lĩnh cánh trung hữu.

Tuy nhiên, dù liên minh trung hữu của 4 đảng, trong đó nòng cốt là Tiến lên Italia và LN, là liên minh giành nhiều phiếu nhất, nhưng cũng không đủ đa số tuyệt đối cần thiết để tự thành lập chính phủ, tạo nên nguy cơ đẩy Italia vào thời kỳ bế tắc chính trị.

Phe cầm quyền buộc phải thừa nhận thất bại, cho rằng cử tri cả nước đã đưa ra tiếng nói "rõ ràng và không thể tranh cãi", cùng với sự chiến thắng của những cá nhân theo chủ nghĩa dân túy.

Ở vào thời điểm hiện tại, chính trường Italia vẫn "rối như canh hẹ". Trong một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc, hai đảng M5S và LN đạt được thỏa thuận liên minh với nhau, khiến các nước châu Âu khác quan ngại.

Chưa hết, Tổng thống Sergio Mattarella đã phủ quyết "Chương trình kinh tế - xã hội" dài 57 trang đầy tham vọng của M5S và LN bởi mang đậm tư tưởng dân túy, mị dân và "hão huyền" như kêu gọi cải tổ toàn bộ các hiệp ước của EU hay không chấp nhận nhập cư.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt của khủng hoảng Italia hiện nay chính là việc danh sách nội các mới mà Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte đưa ra bị phủ quyết hoàn toàn vì xuất hiện quá nhiều cái tên "chống EU, coi đồng euro là công cụ chi phối quyền lực của riêng nước Đức".

Mâu thuẫn lên đến cao trào: trong khi M5S và LN đang khiến "cơn bão" dân túy lên cao, với tham vọng tách Italia khỏi các giá trị chung và tương lai của EU thì Tổng thống Sergio Mattarella lại không muốn Italia trở thành "vật cản", khiến kế hoạch cải cách châu Âu bị "đóng băng".

Không được sự đồng ý của Tổng thống Sergio Mattarella, Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte đã thất bại trong việc thành lập một chính phủ mới và phải trả giá bằng việc từ chức, để lại một tương lai bất định cho chính trường Italia.

Trên phương diện kinh tế, Italia đang chứng kiến một bức tranh xám xịt. Hệ thống ngân hàng đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ euro và đang rất cần tái cấp vốn.

Điều này đặt ra thách thức không nhỏ và có thể dẫn đến chính phủ phải ra tay giải cứu hệ thống ngân hàng - vốn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Đây thực sự là là một nhiệm vụ nặng nề khi bản thân "quốc gia hình chiếc ủng" đang phải gánh một khoản nợ công lớn, lên đến 130% GDP.

Ngân hàng trung ương Italia ngày 29-5 cảnh báo, quốc gia này chỉ còn "vài bước nữa" là mất niềm tin từ các nhà đầu tư. Thị trường tài chính Italia thì vừa hứng chịu đợt bán tháo lớn nhất nhiều năm do lo ngại những cuộc bầu cử tiếp theo có thể quyết định tư cách thành viên của Italia trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Người dân tỏ ra thất vọng khi EU để mặc Italia chống đỡ một mình với làn sóng tị nạn.

Giới quan sát đánh giá, quy mô khủng hoảng lần này sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Italia đã chật vật kể từ đợt suy thoái kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009 với khoản nợ gần bằng của Hi Lạp, từng đẩy Athens xuống vực suy thoái, đồng thời gây sốc đến tận nền móng của Eurozone.

Đối với Italia, khủng hoảng nợ chính là vấn đề trung tâm trong tình trạng bất ổn hiện nay, và nó vẫn "lì lợm sống sót" trong suốt nhiều năm liên tiếp.

Với quy mô kinh tế gấp 10 lần Hi Lạp, giải cứu Italia sẽ cực kỳ nan giải khi số tiền cứu hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ thuộc vào loại "khổng lồ". Đây chính là lí do khiến chính trường Italia bao năm qua luôn rất bất ổn, các chính phủ liên tiếp đổ vỡ, trong khi các ý định cải cách thể chế như cải cách Nghị viện hay Luật bầu cử… luôn thất bại.

Châu Âu chao đảo

Kể từ sau Brexit, EU xem cuộc khủng hoảng ở Italia là nguy cơ hàng đầu đối với châu Âu trong năm 2018. Không giống như vụ Brexit - sự kiện gây nguy cơ cao đối với Anh chứ không phải với Eurozone, những vấn đề ở Italia có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống cho Eurozone.

Các diễn biến tại Italia hiện nay được quan tâm sát sao bởi bất cứ biến động nào tại nền kinh tế lớn thứ 3 EU này (sau khi Anh rời khỏi Liên minh) đều có thể gây ra tác động lớn đến cả khối.

Italia được đánh giá là một ví dụ điển hình của sự khủng hoảng mô hình dân chủ phương Tây, bao gồm nền kinh tế mong manh, sự thoái trào của các đảng phái chính trị truyền thống, và sự nổi lên của các đảng dân túy làm suy yếu các thiết chế chính trị và cản trở các cải cách quan trọng.

Bất ổn chính trị khoét sâu thêm vết rạn nứt giữa Đức - "trụ cột" chính của EU và những nền kinh tế gặp trục trặc trong Eurozone như Italia. Sự chia rẽ này được cho là sẽ gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ khổng lồ của Italia.

Ngoài ra, sự bế tắc hiện nay khiến tương lai của Italia với tư cách là một thành viên của EU và một nước sử dụng đồng tiền euro càng trở nên bấp bênh.

Chỉ cần chứng kiến châu Âu đã rất vất vả để giải cứu Hi Lạp, nền kinh tế có quy mô chỉ bằng 1/8 Italia, cũng đủ hiểu rằng một khi chính trường Italia biến động khiến kinh tế nước này lâm nguy thì thách thức duy trì sự ổn định của Eurozone lớn đến mức nào.

Một số thế lực chính trị ở Italia hiện tại đang liên tục thể hiện ủng hộ đưa quốc gia này rời khỏi Eurozone, làm gia tăng sự chia rẽ chính trị giữa Rome với các quan chức EU. Đó là một cuộc chơi chính trị có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Chưa hết, châu Âu có thể phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng mới trên diện rộng liên quan đến làn sóng tị nạn. Italia hiện là tiền tuyến của cả "lục địa đen" trong cuộc chiến tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông.

Nước này đang là chốt chặn quan trọng nhất của châu Âu nên bối cảnh bất ổn sẽ khiến các mâu thuẫn xã hội hay bạo lực sắc tộc nhằm vào người nhập cư bùng nổ, khiến "quốc gia hình chiếc ủng" không thể kiểm soát được làn sóng tị nạn.

Rõ ràng, EU đứng trước nguy cơ bị mất đi một mắt xích quan trọng, khi mà làn sóng dân túy lên cao bởi sự thất vọng của người dân trước các chính sách EU "đối xử bất công" với Italia.

Điều này có thể được nhìn thấy ở việc EU từng không san sẻ gánh nặng mà bỏ mặc để Italia chống đỡ một mình với làn sóng tị nạn khổng lồ lên tới 600.000 người từ năm 2013 đến nay.

Từ đây, tâm lý bài trừ EU xuất hiện và dần lan rộng, cho rằng dù có gắn bó mấy với châu Âu thì cũng sẽ chẳng được đền đáp.

EU thực sự chao đảo khi bất ổn ở Italia đang bùng phát mạnh mẽ với một chính phủ dân túy tiềm tàng, trong bối cảnh "trụ cột" Đức rối ren khi phải mất đến 6 tháng mới thành lập được chính phủ liên minh sau khi chịu tổn thất vì các đảng cực hữu mới nổi, hay "niềm tin" Hungary đang tiếp thêm hi vọng vào sự thống trị của chủ nghĩa dân túy khi Thủ tướng Viktor Orban theo đường lối cực hữu có thêm nhiều quyền lực và nung nấu ý định tái tạo EU theo hình mẫu "phi tự do".

Ngoài ra, sự bất ổn chính trị tại Madrid, các cuộc khủng hoảng dân chủ ở Đông Âu và cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương ở Tây Âu khiến EU đứng trước thách thức "sống còn" trên mọi mặt trận.

Có thể nhận định, Rome đã trở thành một trong nhiều "gót chân Achilles" của châu Âu, đứng trước ngưỡng cửa ra khỏi Eurozone, hay thậm chí ra khỏi EU. Đây hoàn toàn có thể là bước tiếp theo trong "lộ trình tan rã" từ từ của toàn bộ Liên minh châu Âu...

Nguyễn Tuyết

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/25githang___-italia-su-khung-hoang-cua-mo-hinh-dan-chu-phuong-tay-496309/