Italia chật vật tìm lại đà tăng trưởng

Dù rất sốt sắng để tìm cách phục hồi nền kinh tế vốn đang bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng Italia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Từ núi nợ công đang ngày càng phình to đến sự suy giảm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là những tác nhân có thể 'cuốn trôi' toàn bộ mọi nỗ lực của đất nước Hình chiếc ủng trên con đường tìm lại đà tăng trưởng...

Italia đã dần dỡ bỏ phong tỏa, tuy nhiên nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo ước tính mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), nợ công của Italia sẽ tăng lên mức gần 158,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay trước khi giảm xuống mức 153,6% GDP trong năm 2021. Đây là mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tỷ lệ nợ của Italia đang cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), đứng sau Hy Lạp - được dự báo tăng lên gần 200% GDP trong năm 2020. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách của Italia sẽ tăng lên mức 11,1% GDP, cao hơn nhiều so với mức trần 3% GDP mà EU đề ra.

Những chỉ số không mấy khả quan nói trên là do hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu - những trụ cột quan trọng để Italia duy trì nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nợ công và thất nghiệp. Không chỉ có khối sản xuất chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 mà khối bán lẻ và dịch vụ của Italia cũng phải hứng chịu tác động nặng nề do các biện pháp phong tỏa đất nước.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Demoskopika cho thấy, ngành Du lịch Italia đang bị tàn phá nặng nề với hơn 40.000 doanh nghiệp lữ hành có nguy cơ bị phá sản do sụt giảm doanh thu ít nhất 10 tỷ euro. Số lượng lớn các công ty du lịch phá sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường việc làm với hơn 184.000 lao động.

Thực tế, trong vòng 20 năm trở lại đây, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn luôn là mối lo ngại thường trực của EU vì gần như không có tăng trưởng và được xem như một "mắt xích rệu rã" của khu vực. Sau hơn một thập niên mất mát do hậu quả của cuộc khủng hoảng kép (khủng hoảng kinh tế - tài chính bắt nguồn từ phố Wall (Mỹ) và khủng hoảng nợ bắt nguồn từ Hy Lạp), trong khi hầu hết các nước châu Âu đã hồi phục thì kinh tế Italia vẫn trì trệ. Italia từng 3 lần rơi vào “suy thoái kỹ thuật” - tình trạng GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Tăng trưởng GDP của Italia trong năm 2019 chỉ đạt 0,2%. Ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức kinh tế đã cảnh báo nước này có thể rơi vào tình trạng suy thoái lần thứ tư.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với một viễn cảnh khá u ám, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte lại phải chứng kiến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” trong nội bộ liên minh cầm quyền, đặc biệt là về những vấn đề xoay quanh các biện pháp tái khởi động nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Các đồng minh của ông G.Conte, trong đó có đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD) bất đồng với nhau về kế hoạch gia tăng thanh khoản cho doanh nghiệp cũng như các khoản hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những tranh cãi trong liên minh cầm quyền đang cản trở việc thông qua gói kích cầu trị giá 55 tỷ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Giới chuyên gia cảnh báo, bất kể một cú sốc kinh tế nào ở Italia cũng có thể gây tác động mạnh tới EU. Hiện tại, hệ thống ngân hàng thuộc các nước thành viên EU đang nắm giữ gần 450 tỷ euro trong số nợ công của Italia. Nếu tình trạng không được cải thiện, Italia sẽ giống như Hy Lạp cách đây hơn 10 năm, trở thành "hiệu ứng domino" kéo nền kinh tế Eurozone vào vòng xoáy của những rủi ro. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ đối với các nhà lãnh đạo tại đất nước bên bờ Địa Trung Hải khi giải bài toán cân bằng giữa kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/968153/italia-chat-vat-tim-lai-da-tang-truong