Ít nhất 100.000 hộ nghèo có nhà ở an toàn

Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với nhiều chỉ tiêu quan trọng được đặt ra.

 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể cho các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể cho các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Mục tiêu của chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát nghèo.

Cụ thể: Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1-1,5%/năm; Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Phấn đấu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ giao tối thiểu 75.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương chiếm 64%, tương đương 48.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách địa phương là gần 12.700 tỉ đồng, còn lại là nguồn lực khác.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của chương trình giai đoạn 2016-2020 như: nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững; nguồn lực đầu tư giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng thực tiễn.

Một số nơi có tỉ lệ hộ nghèo trên 40% như: huyện Mường Nhé (Điện Biên), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hay huyện Đồng Văn (Hà Giang)...

Trong chương trình giai đoạn mới, Thủ tướng yêu cầu làm rõ các mục tiêu, và đặt ra nhiều tiêu chí rõ ràng như: 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng; xây dựng, nhận rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh...

Bên cạnh đảm bảo về xây dựng hạ tầng, chương trình còn đặt mục tiêu an sinh xã hội. Trong đó: tối thiểu 100.000 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; tối thiểu 5.700 lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% người thuộc hộ nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; ít nhất 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu thiên tai.

Chương trình gồm 7 dự án, với 12 tiểu dự án, trong đó Tiểu dự án 1 – Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn có tổng vốn thực hiện lớn nhất là 15.300 tỷ đồng. Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo có tổng vốn thực hiện lớn thứ nhì là 10.550 tỷ đồng. Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có tổng vốn thực hiện lớn thứ ba là 8.000 tỷ đồng.

Trong Quyết định phê duyệt số 90/QĐ-TTg, Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; đồng thời quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện một số hoạt động của chương trình nhằm bảo đảm phù hợp thực tế.

Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố, và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện giám sát, phản biện trong quá trình thực hiện chương trình.

Bảo Thắng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/it-nhat-100000-ho-ngheo-co-nha-o-an-toan-d313860.html