Ít hiểu luật, dễ vi phạm…

Thanh, thiếu niên chiếm khoảng 24,5% dân số cả nước, là lực lượng xã hội to lớn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiểu biết của thanh, thiếu niên về các quy định pháp luật còn hạn chế, thậm chí nhiều thanh, thiếu niên không biết quyền của mình được quy định trong Luật như thế nào.

Nhiều thanh niên không biết quyền của mình

Tại tọa đàm các giải pháp, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên giai đoạn 2017 – 2020 vừa được Bộ Tư pháp tổ chức nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho thanh thiếu niên đã được các Sở, ngành, địa phương thảo luận, đề xuất.

Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang ngày càng chiếm tỷ lệ cao và có dấu hiệu trẻ hóa (chiếm 64,21% trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 1,66% so với cùng kỳ 2016). Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết pháp luật.

Luật Thanh niên 2005 đã quy định 8 nhóm quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Tuy nhiên nhận thức của thanh niên về Luật Thanh niên và các chính sách rất thấp. “Một nghiên cứu của Trung ương Đoàn TNCS cho hay, có đến 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật và 46,8% thanh niên được hỏi thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế. Như vậy, khi quyền lợi hợp pháp của thanh niên theo quy định của Luật bị xâm phạm, thanh niên sẽ không biết, không tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình” - ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ thông tin.

Chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết: “Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên còn mang tính phong trào, hình thức. Chủ yếu mới tập trung vào thanh thiếu niên học sinh, sinh viên trong trường học; thanh thiếu niên ở đô thị; thanh niên là công chức viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước. Đối với thanh thiếu niên tự do, cư trú không ổn định, chưa có việc làm; thanh thiếu niên tự do, cư trú không ổn định thì công tác tuyên truyền chưa thực hiện liên tục, thường xuyên. Trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật”.

Bà Vũ Thị Thanh Tú – Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp): “Ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của thanh thiếu niên chưa cao”. ảnh: T.hải

Bà Vũ Thị Thanh Tú – Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp): “Ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của thanh thiếu niên chưa cao”. ảnh: T.hải

Tuyên truyền nội dung thanh niên cần

Góp ý nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Nội- bà Vũ Thị Thanh Tú cho rằng, không thể áp dụng một nội dung, cách thức tuyên truyền chung cho các đối tượng thanh, thiếu niên cũng như các địa phương.

“Ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của thanh thiếu niên chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kiến thức pháp luật trong cuộc sống. Do đó cần có sự bóc tách các nhóm đối tượng để có định hướng tuyên truyền cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với đối tượng thiếu niên trong nhà trường cần tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ. Nhưng đối với đối tượng thanh niên, việc tuyên truyền phải tập trung về các hành vi vi phạm, các chế tài xử phạt. Ngay cả cùng nhóm đối tượng là sinh viên cũng cần tách ra sinh viên đầu khóa, sinh viên cuối khóa để có nội dung tuyên truyền phù hợp”, bà Vũ Thị Thanh Tú đề xuất.

Các ý kiến cũng đồng tình, công tác tuyên truyền phải xuất phát từ nhu cầu của thanh thiếu niên. Tuyên truyền nội dung thanh niên cần chứ không tuyên truyền nội dung mình có. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động PBGDPL. Tận dụng được hiệu quả từ các trang thông tin điện tử, website, mạng xã hội… vào tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên.

“Một khảo sát được thực hiện với 600 thanh niên thì thanh niên cho biết có 21 luật cần tuyên truyền như: Luật Thanh niên, pháp luật về chủ quyền biển đảo quốc gia, lao động, việc làm, phòng chống ma túy, giao thông đường bộ… Thanh niên cũng đánh giá các hình thức tuyên truyền hiệu quả là lồng ghép qua các tiểu phẩm pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí, truyền thanh…”, Trưởng phòng nghiên cứu thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) Đỗ Thu Hà thông tin.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/it-hieu-luat-de-vi-pham-108885.html