Israel-UAE: Hận thù đã đủ hay chưa?

Việc Israel-UAE bình thường hóa quan hệ tạo ra làn sóng cả ủng hộ và phản đối. Nhưng có lẽ, chính người dân UAE mới là người cảm nhận rõ hơn cả, liệu rằng hận thù đã đủ hay chưa.

Ngày 29/8, Tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan của UAE đã ban hành sắc lệnh chính thức chấm dứt việc tẩy chay Israel. (Nguồn: AP)

Ngày 29/8, Tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan của UAE đã ban hành sắc lệnh chính thức chấm dứt việc tẩy chay Israel. (Nguồn: AP)

Lợi ích được cảm nhận từ điều nhỏ nhất

Ngày 29/8, Tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ban hành sắc lệnh chính thức chấm dứt việc tẩy chay Israel, cho phép các hoạt động giao thương và buôn bán giữa hai quốc gia này. Đây là một bước đi mới tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian hồi đầu tháng 8/2020.

Hãng thông tấn WAM của Nhà nước UAE cho biết, sắc lệnh này cho phép người dân và các công ty Israel được hoạt động kinh doanh chính thức với UAE. Sắc lệnh cũng cho phép các hoạt động mua bán và giao dịch sản phẩm của Israel tại UAE. Theo WAM, sắc lệnh đã đưa ra “một lộ trình hướng tới việc khởi động các dự án hợp tác chung, có tác động tích cực tới quan hệ song phương qua việc kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ”.

Sắc lệnh này đã chính thức chấm dứt một đạo luật năm 1972 với nội dung thiết lập hoạt động tẩy chay đối với Israel - một chính sách chung của thế giới Arab - do cách đối xử của nước này đối với người Palestine. Sắc lệnh đã đưa UAE tiến thêm một bước trên con đường bình thường hóa quan hệ với Israel, tiếp sau tuyên bố ngày 13/8 của Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo hai nước về việc đạt được thỏa thuận liên quan vấn đề này.

Hiện chỉ có 2 quốc gia Arab là Ai Cập và Jordan có quan hệ ngoại giao bình thường với Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh sắc lệnh này. Ông nói: “Đây là một bước quan trọng để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”. Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi cũng ra tuyên bố khẳng định “quyết định của UAE là một bước quan trọng hướng tới hòa bình, sẽ mang lại những thành tựu kinh tế và thương mại đáng kể cho người dân cũng như củng cố sự ổn định trong khu vực”.

Trước khi có bước đột phá về ngoại giao, UAE và Israel vẫn âm thầm có quan hệ kinh tế và an ninh không chính thức. Sau khi sắc lệnh được công bố, một số công ty của Israel cũng ký kết các hợp đồng với các đối tác UAE. Avi Barssessat, chủ một hãng kinh doanh nệm cao cấp có trụ sở ở Israel cho biết, trước đây ông đã phải chuyển sản phẩm của mình tới UAE qua đường Slovakia để tránh hoạt động tẩy chay chính thức, song thời gian tới các nhà phân phối sản phẩm của ông ở UAE có thể sớm được sang thăm các nhà máy của ông tại Israel.

Hãng hàng không El Al của Israel lên kế hoạch thực hiện chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên tới UAE vào ngày 31/8 với các hành khách gồm các quan chức Israel và Jared Kushner - con rể Tổng thống Trump. Trước đó, từ ngày 16/8, người dân hai nước đã có thể gọi điện thoại cho nhau.

Thành phố Dubai có một thị trường giao dịch vàng lớn và cũng có một thị trường giao dịch kim cương đang phát triển. Các công ty của UAE cũng muốn tiếp cận các bí quyết công nghệ của Israel. Nhà báo Mahmood Alawadi của UAE cho biết một số người dân UAE rất lạc quan với thông tin này: “Rất nhiều bạn bè và người thân của chúng tôi nói thế là quá đủ rồi. Họ cần kinh tế. Họ cần một khu vực ổn định. Thù hận thế là đủ rồi”.

Phá vỡ thông lệ

Mặc dù thỏa thuận này được lãnh đạo hai nước ủng hộ song cũng gặp phải nhiều chỉ trích. Người dân Palestine đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước việc UAE phá vỡ thông lệ đã được thiết lập giữa các quốc gia Arab về việc tẩy chay quan hệ với Israel do cách đối xử của nước này với người Palestine. Trong một cuộc thăm dò của Viện Washington cách đây vài tháng, khoảng 80% số người dân UAE được hỏi đã thể hiện quan điểm phản đối các mối quan hệ kinh doanh với Israel.

Israel đã đồng ý tạm dừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây như một phần của thỏa thuận. Mặc dù vậy, các quan chức Palestine vẫn chỉ trích UAE đã phản bội lại sự nghiệp của người Palestine; cho rằng thỏa thuận này đã làm mất đi một trong số rất ít những lợi thế mặc cả của Palestine trong những cuộc đàm phán hòa bình hiếm hoi với phía Israel.

Hanan Ashrawi, một thành viên thuộc Ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đã đăng trên Twitter nội dung liên quan đến vấn đề này, kêu gọi tẩy chay, rút vốn đầu tư và trừng phạt trên phạm vi toàn cầu đối với Israel nhằm gây sức ép buộc nước này phải thay đổi chính sách với Palestine. Trước đó, ông Ashrawi đã chỉ trích thỏa thuận giữa Israel và UAE: “Israel đã được hưởng lợi vì đã không tuyên bố công khai những gì họ đã và đang làm đối với người Palestine từ khi bắt đầu các hoạt động chiếm đóng đến nay”.

Trong khi đó, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas cũng chỉ trích thỏa thuận UAE-Israel cũng như sắc lệnh chấm dứt tẩy chay do chính quyền UAE đưa ra. Ông Bassem Naim – một quan chức của Hamas, cho rằng “sắc lệnh đã hợp pháp hóa các hoạt động chiếm đóng của Israel trên lãnh thổ của người Palestine”.

Elham Fakhro, nhà phân tích cấp cao về các vấn đề Vùng Vịnh thuộc tổ chức International Crisis Group, nhận định sắc lệnh này cho thấy UAE mong muốn thúc đẩy quan hệ và tối đa hóa lợi ích tiềm năng của nước này trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Bà nói: “Quyết định này đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng UAE cam kết tuân thủ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Sắc lệnh này cũng đặt ra câu hỏi về những hậu quả có thể xảy ra đối với bất kỳ người dân nào của UAE kêu gọi tẩy chay hàng hóa Israel, vì điều này đi ngược lại với chính sách của nhà nước".

(theo AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-uae-han-thu-da-du-hay-chua-122793.html