Israel 'tuyên chiến' với Iran: Trung Đông xoay vần giữa những cơn thịnh nộ

Với việc mở rộng hoạt động quân sự, Thủ tướng Netanyahu đang mạo hiểm đưa Israel tham chiến trên nhiều mặt trận và cùng lúc đương đầu với nhiều đối thủ.

Với việc mở rộng hoạt động quân sự, Thủ tướng Netanyahu đang mạo hiểm đưa Israel tham chiến trên nhiều mặt trận và cùng lúc đương đầu với nhiều đối thủ.

Với việc mở rộng hoạt động quân sự, Thủ tướng Netanyahu đang mạo hiểm đưa Israel tham chiến trên nhiều mặt trận và cùng lúc đương đầu với nhiều đối thủ.

C

hiến dịch quân sự của Israel chống lại Iran, vốn trước kia chỉ giới hạn trong khuôn khổ các cuộc không kích lực lượng của Iran tại Syria nay đã được mở rộng với việc tấn công vào đồng minh của Tehran không chỉ ở Syria mà còn cả Dải Gaza, Iraq và Lebanon. Những diễn biến mới, có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông, xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với Thủ tướng Netanyahu khi ông đang phải đối mặt với thách thức tái tranh cử đầy khó khăn.

Một lần bước qua “ranh giới đỏ”…

Máy bay không người lái và máy bay quân sự của Israel đã tấn công vào cứ điểm của các nhóm thân Iran tại Iraq, Syria và Lebanon liên tiếp trong 2 ngày 24 và 25/8. Đây là diễn biến mới nhất đánh dấu sự leo thang trong cuộc đối đầu ngày càng khốc liệt giữa Israel và các lực lượng do Iran hậu thuẫn vốn mở rộng sự hiện diện trên khắp Trung Đông trong những năm gần đây.

Các nhà điều tra pháp y đến địa điểm nơi diễn ra cuộc không kích vào một tòa nhà của Hezbollah tại Beirut, Lebanon ngày 25/8. Nguồn: Bussiness Insider.

Giới phân tích cho rằng, với việc mở rộng hoạt động quân sự, Thủ tướng Netanyahu đang mạo hiểm đưa Iran tham chiến trên nhiều mặt trận và cùng lúc đương đầu với nhiều đối thủ.

Ba nước Lebanon, Iraq và Iran đã tuyên bố những hành động quân sự của Israel là hành vi tuyên chiến. Ali Rabiei, phát ngôn viên của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/8 cảnh báo: “Với việc bước qua ranh giới đỏ, Israel sẽ phải trả giá đắt cho những hành động của mình”. Ông ca ngợi tuyên bố của các đồng minh trong khu vực, khẳng định chúng "phát đi một thông điệp rõ ràng và nghiêm túc đến chính quyền Do Thái rằng các hành động xâm lược sẽ bị đáp trả".

Phillip Smyth, chuyên gia nghiên cứu các nhóm vũ trang Shiite tại Viện Washington nhận xét rằng: “Iran và các lực lượng do nước này hậu thuẫn chắc chắn sẽ tìm cách đáp trả, không chỉ để giữ thể diện mà còn gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ và Israel. Nhiều khả năng điều đó sẽ làm bùng phát một cuộc xung đột quy mô lớn. Tuy nhiên, Iran và các đồng minh hoặc là chưa đủ khả năng, hoặc là chưa muốn tiến hành các biện pháp trả đũa mạnh mẽ hơn. Họ vẫn kiên nhẫn”.

Thủ tướng Netanyahu đang nỗ lực tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ thứ 5. Nguồn: 112 international.

Ván bài của Thủ tướng Netanyahu

Giới phân tích cho rằng, việc mở rộng chiến dịch quân sự chống Iran đã bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị và yếu tố nội bộ của Israel.

Nó cho thấy “một thời kỳ mới” trong nỗ lực của Israel nhằm kiềm chế sự hiện diện của Iran trong khu vực. Chuyên gia chính trị Hilal Khashan, thuộc Đại học Mỹ tại Beirut cho biết: “Israel đang chứng minh cho mọi người thấy nước này đã mở rộng phạm vi chiến dịch chống lại Iran. Một thực tế là các cuộc tấn công này đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đối đầu giữa một bên là Israel và bên kia là Iran và các đồng minh. Israel cho thấy họ quyết tâm ngăn Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông”.

Thủ tướng Netanyahu được biết đến là người không thích mạo hiểm trong các vấn đề quân sự. Nhưng ông luôn xem việc chống lại Iran là nhiệm vụ chính và hy vọng củng cố di sản của ông khi có một “người bạn” ủng hộ mạnh mẽ trong Nhà Trắng. Quyết tâm ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng và sự bật đèn xanh của chính quyền Tổng thống Trump đã giúp Israel mở rộng phạm vi chiến dịch mà họ thực hiện.

Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có quan hệ tốt đẹp. Nguồn: Mondoweiss.

Bên cạnh đó là yếu tố nội bộ của Israel. Thủ tướng Netanyahu đang nỗ lực tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc bầu cử vào ngày 17/9 tới, chính vì thế ông luôn mong muốn thể hiện chính sách về an ninh và thảo luận vấn đề mà nhiều người Israel coi là ưu tiên hàng đầu là đối phó với Iran và chương trình hạt nhân của nước này.

Các đối thủ của Thủ tướng Netanyahu dù ủng hộ hoạt động ngăn chặn Iran thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở khu vực biên giới Syria nhung họ vẫn đặt câu hỏi về động cơ của ông khi công khai những hoạt động quân sự này. Một số cáo buộc ông đang cố tình phô trương nhằm giành sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử. Một số thì cho rằng ông đang đánh lạc hướng dư luận khỏi những cáo buộc tham nhũng thời gian qua. Israel trước kia thường rất kín tiếng về các chiến dịch quốc tế mà họ thực hiện, nhưng gần đây ngày càng có xu hướng công khai, đặc biệt là ở Syria.

Nhiều nước bị cuốn vào guồng xoáy xung đột

Tận dụng sự ủng hộ của Tổng thống Syria An Assad, Iran đã tìm cách xây dựng một mặt trận nhằm đối phó với Israel trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, do chưa tính đến ưu thế trên không của Israel, trong đó có việc giáp ranh với lãnh thổ Syria, nên Iran đã phải hứng chịu hơn 200 cuộc không kích từ lực lượng phòng thủ Israel (IDF) kể từ năm 2017. Rút kinh nghiệm từ bài học này, Iran đã xem xét tìm kiếm các địa điểm khác nhau để thúc đẩy dự án triển khai tên lửa chính xác. Sự thay đổi về chiến lược khiến Tehran chuyển phần lớn hoạt động liên quan đến tên lửa tới Iraq và Lebanon - nơi mà nước này tin rằng Israel sẽ ít có khuynh hướng tấn công hơn nhằm tránh xung đột với Hezbollah.

Phòng không Syria đánh chặn tên lửa của Israel tại thủ đô Damascus. Nguồn: EPA.

Cần phải lưu ý rằng, khi hoạt động tại Iraq, Iran giành được nhiều lợi thế quan trọng hơn so với Syria. Trước hết Iraq nằm cách xa biên giới Israel. Thứ hai Israel đã thiết lập và duy trì một thông lệ rằng nước này có thể tấn công các mục tiêu của Iran tại Syria mà không vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ, ngoài hỏa lực phòng không, nhưng không có 1 thông lệ nào như vậy tồn tại ở Iraq. Thứ 3, Israel có thể thiết lập các quy tắc trong cuộc chơi tại Syria song tình hình ở Iraq thì phức tạp hơn do có rất nhiều phe phái khác nhau đang hiện diện tại quốc gia này, trong đó có cả các lực lượng của Mỹ. Các binh sỹ Mỹ tại Iraq sẽ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của lực lượng dân quân ủng hộ Iran nhằm đáp trả cuộc không kích của Israel, điều này có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Israel.

Israel tấn công các mục tiêu của Iran tại Iraq. Nguồn Youtube

Tuy vậy, với quyết định lựa chọn Iraq, Iran cũng phải đối mặt với không ít rủi ro. khi cùng lúc phải đối phó với Mỹ và Israel. Khi được hỏi liệu Israel có không kích các mục tiêu của Iran tại Iraq trong trường hợp cần thiết hay không, ông Netanyahu tuyên bố: “Tôi đã trao quyền cho lực lượng an ninh và yêu cầu họ thực hiện bất cứ hành động nào cần thiết để ngăn chặn kế hoạch của Iran”. Còn Washington chắc chắn không chịu ngồi yên xem lực lượng ủng hộ Iran chinh phục Iraq và chuyển nước này thành bệ phóng tên lửa hoặc trung tâm cung cấp vũ khí để tấn công Israel.

Các tay súng Hezbollah tại Lebanon. Nguồn: AFP

Không chỉ riêng Iraq, mà Lebanon cũng dễ bị rơi vào vóng xoáy xung đột giữa hai đối thủ “không đội trời chung” tại Trung Đông. Nhà nghiên cứu chính sách Mỹ tại Trung Đông Ari Heistein cho biết, nếu các căn cứ quân sự mà Iran xây dựng tại Lebanon đi vào hoạt động thì việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng Hezbollah qua lãnh thổ Iraq và Syria sẽ không còn cần thiết nữa. Trong trường hợp đó Israel phải đối mặt với hai sự lựa chọn: hoặc tìm cách nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa của nước này trong đó có hệ thống Vòm Sắt hoặc tiến hành tấn công để phá hủy kho vũ khí nguy hiểm của Hezbollah tại Lebanon. Tuy nhiên, hành động tấn công rất dễ dẫn đến nguy cơ chiến tranh với Lebanon./.

Bài: Hồng Anh | Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/israel-tuyen-chien-voi-iran-trung-dong-xoay-van-giua-nhung-con-thinh-no-949906.vov