Israel - tiến thoái lưỡng nan trước nguy cơ Trung Đông 'bùng cháy'

Một loạt báo cáo đáng tin cậy cho thấy, Israel gần đây đã nhắm đến các lực lượng của Iran và cơ sở hạ tầng ở Syria. Các cuộc tấn công này được mô tả như 'cuộc chiến giữa các cuộc chiến' của Israel làm xói mòn khả năng của kẻ thù nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột lớn tiếp theo.

Israel đang áp dụng một chiến lược mới ở Syria. (Nguồn: National Interest)

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12 - ngay trước khi nghỉ hưu, Tham mưu trưởng Lực lượng Quốc phòng Israel Gadi Eizenkot tiết lộ rằng, Israel đã phá hủy hàng ngàn mục tiêu quân sự ở Syria, mà chỉ tốn rất ít công sức. Các báo cáo nguồn mở cho thấy các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp diễn từ đó đến nay.

Gấp rút chuẩn bị cho xung đột

Hiện tại, trọng tâm chính là thời điểm và địa điểm Israel tấn công, và không phải những gì đang bị phá hủy. Nhưng điều này đang thay đổi! Các mục tiêu tấn công không khó để xác định - phần lớn ở Syria, nơi đang trong tình trạng hỗn loạn sau nhiều năm nội chiến và hiện nay là khủng hoảng Covid-19. Iran tiếp tục khai thác sự hỗn loạn để triển khai quân và vũ khí tới nước này hòng chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Israel.

Công tác chuẩn bị bao gồm lực lượng quân sự Iran và phiến quân người Shi’ite cùng vũ khí tối tân. Theo Tham mưu trưởng đương nhiệm của Lực lượng Quốc phòng Israel Aviv Kochavi, mối quan tâm hàng đầu của Israel (chỉ sau mối đe dọa hạt nhân Iran) là Tên lửa Dẫn đường Chính xác (PGM) của Tehran.

Toàn bộ tên lửa, nhưng đôi khi chỉ là các cấu phần và công nghệ để chế tạo hoặc chuyển đổi tên lửa thường thành tên lửa “thông minh”, từ Syria đến Lebanon, nơi Hezbollah tìm cách kiến tạo kho vũ khí PGM mạnh. Các cuộc tấn công của quân đội Israel nằm trong nỗ lực để ngăn chặn kho vũ khí này phát triển. Cả Hezbollah và Israel đều tránh không gây xung đột nhằm giảm thiểu những hậu quả tàn khốc.

Nhưng như Israel đã cảnh báo, nếu Hezbollah có đủ PGM để tạo ra mối đe dọa chiến lược từ lãnh thổ Lebanon, hoặc có được khả năng sản xuất chúng, một cuộc xung đột đẫm máu sẽ nổ ra. Chương trình tên lửa của Iran bắt đầu từ chiến tranh Iraq-Iran (1980-1988), khi các lực lượng và thường dân Iran bị hỏa lực tên lửa Iraq đe dọa. Tìm kiếm các khả năng tương tự, Iran đã nỗ lực để có được tên lửa từ Libya, Syria và Triều Tiên.

Năm 1985, Iran đã mua các Scud-B đầu tiên từ Libya, đồng thời phát triển các khả năng bổ sung với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Pakistan. Bắc Kinh và Moscow giữ một vai trò lớn trong việc giúp Iran có được động cơ tên lửa, trong khi Triều Tiên cung cấp cho Iran toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo. Khi Iran nắm được công nghệ và sản xuất, họ bắt đầu xuất khẩu bí quyết, các bộ phận và đôi khi tên lửa nguyên quả cho các đồng minh trên khắp Trung Đông.

Đáng chú ý, Tehran đã trang bị các lực lượng ủy nhiệm như Hamas và Hezbollah một loạt tên lửa với khả năng khác nhau, nhưng chưa có PGM. Mục tiêu là đe dọa Israel bằng các đợt tấn công tên lửa áp đảo và có khả năng làm tê liệt. Tuy nhiên, Israel đã phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa để vô hiệu hóa mối đe dọa đó.

Át chủ bài PGM

Thất vọng vì công nghệ Israel, Iran bắt đầu chuyển đạn dược dẫn đường chính xác cho các lực lượng ủy thác của mình vào khoảng năm 2013. Một số vũ khí có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Israel. Tất cả đều có khả năng tấn công chính xác, đại diện cho những gì các quan chức Israel gọi là “người thay đổi cuộc chơi”, và thề sẽ ngăn chặn.

Các nhà lãnh đạo Iran hiểu rằng, PGM có thể thay đổi cuộc chơi khi giúp các chiến binh phi nhà nước, như Hezbollah, phương tiện để giành ưu thế trên không khi các lực lượng này không có căn cứ không quân hoặc máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, việc chuyển công nghệ này cho các lực lượng ủy nhiệm là một sự vi phạm nghiêm trọng các quy tắc hiện hữu. Các quan chức Israel lo ngại rằng việc đưa ra chiến lược PGM trong khu vực có thể dẫn đến một kỷ nguyên xung đột nguy hiểm mới.

Chương trình PGM là ưu tiên cao đối với Iran. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 trên tờ Tasnim News, chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Iran IRGC, Tướng Amir-Ali Hajizadeh kể lại rằng, vào năm 2009, ông đã trình bày với lãnh đạo Iran về kế hoạch hiện đại hóa chương trình tên lửa. Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đã ra lệnh cho ông tập trung vào phát triển các tên lửa dẫn đường chính xác. Ý thức được sự nguy hiểm, Israel đã can thiệp và phá hủy các tài liệu PGM bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có thể.

Năm 2016, Iran thay đổi phương thức hoạt động, tạm dừng việc chuyển các tên lửa nguyên quả, thay vào đó là chuyển đổi các tên lửa không được điều khiển hiện có thành các tên lửa “thông minh”. Hiện họ đang chuyển các bộ phận nhỏ hơn (điều hướng, cánh, chỉ huy và kiểm soát...) qua Syria cho Hezbollah. Các nhóm chiến binh đang khai thác một loạt tuyến đường buôn lậu từ Syria đến Lebanon (trên không, trên bộ và trên biển) để trốn tránh sự can thiệp của Israel.

Israel gần đây đã áp dụng một chiến lược mới, vạch trần chương trình PGM của Hezbollah và kêu gọi Iran chấm dứt việc chạy đua PGM. Năm ngoái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiếp xúc với một cơ sở PGM của Hezbollah ở Lebanon, tuy nhiên, các quan chức tình báo Israel cho rằng Iran đã thiết lập thành công các cơ sở mới.

Cho đến tháng Giêng vừa qua, các công việc này được Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo - Thiếu tướng Qassim Suleimani, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ - chỉ huy. Nhưng các hoạt động buôn lậu PGM vẫn tiếp tục và do đó, các cuộc tấn công của Israel cũng vẫn tiếp diễn. Sau mỗi cuộc tấn công, khả năng xảy ra xung đột lớn hơn cũng tăng theo.

Nguy cơ Trung Đông bùng cháy

Israel hiện thiếu các đối tác đáng tin cậy để đàm phán loại lực lượng Iran và PGM khỏi Syria và Lebanon. Tel Aviv đã nỗ lực thuyết phục người Nga gạt Iran ra khỏi Syria, vì lợi ích Moscow. Israel đã nói rõ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng chừng nào mối đe dọa PGM còn tiếp diễn, và chừng nào Iran vi phạm “ranh giới đỏ” của Israel ở Syria và Lebanon, các cuộc tấn công vẫn sẽ nổ ra. Sẽ không có sự ổn định ở Syria và đầu tư của Nga chịu nhiều rủi ro. Đây là một vấn đề gây căng thẳng thường xuyên giữa Tehran và Moscow.

Tại Lebanon, căng thẳng cũng đang gia tăng. Đất nước này đang trên bờ vực sụp đổ tài chính sau khi vỡ nợ hơn 4 tỷ USD tại Eurobonds, và các mối đe dọa siêu lạm phát cũng như tình trạng tham nhũng khiến Lebanon cũng đang đối mặt với một cuộc chiến của riêng họ. Với những cảnh báo ngày càng dồn dập của Israel, mối đe dọa PGM có thể sẽ đóng một vai trò lớn trong cuộc tranh luận sắp tới tại Liên hợp quốc về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Đây cũng có thể là vấn đề chính trong cuộc tranh luận về một khoản cứu trợ tài chính cho Lebanon. Nhưng, thật khó có thể tưởng tượng được rằng Israel sẽ quyết định vô hiệu hóa các vấn đề lớn này trước khi một trong hai vấn đề được đưa ra bàn thảo. Đây là lý do tại sao cuộc khủng hoảng PGM đang tiến đến điểm tới hạn và có thể khiến Trung Đông bùng cháy. Tất cả các vấn đề trên được cho là đang ẩn chứa một viễn cảnh có thể dẫn đến một cuộc đụng độ bất khả kháng.

(theo National Interest)

Hương Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-tien-thoai-luong-nan-truoc-nguy-co-trung-dong-bung-chay-119468.html