Israel thừa nhận tấn công cơ sở hạt nhân Syria

Sau khi xác nhận thông tin mà cơ quan tình báo Mossad của Israel nhận được năm 2006 về một lò phản ứng hạt nhân được xây dựng tại khu vực Deir al-Zor dưới sự giúp đỡ từ CHDCND Triều Tiên, chính quyền nhà nước Do Thái quyết định triển khai chiến dịch không kích táo bạo bất chấp sự bất đồng bên trong chính trường.

Nay đã 10 năm trôi qua, các chi tiết chiến dịch tấn công phá hủy cơ sở hạt nhân của Syria vào năm 2007 được chính quyền Israel chính thức thừa nhận.

Thông tin gây choáng từ Mossad

Chiến dịch không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân al-Kibar của Israel là kết quả của một loạt động thái tình báo, ngoại giao, chính trị và quân sự diễn ra hết sức căng thẳng trong nhiều tháng vào giữa 2 năm 2006 và 2007. Tất cả diễn ra ở vùng sa mạc Syria, bên trong các văn phòng của Mossad ở Israel, tại Nhà trắng, trong dinh thự Thủ tướng ở Jerusalem và tại tổng hành dinh không quân Israel cũng như tại các khách sạn ở thủ đô các quốc gia châu Âu.

Tổng thống George Bush (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Ehud Olmert năm 2007.

Thực ra, trong nhiều năm trước khi triển khai Chiến dịch Orchard, Mỹ và Israel đều rất lo ngại về tham vọng hạt nhân của Syria. Trong thập niên 1990, tổng thống Haez Assad (cha của Bashar al-Assad) đã có nỗ lực mua các lò phản ứng hạt nhân từ Argentina và Nga, nhưng mọi kế hoạch giao dịch đều bị Mỹ ngăn cản. Cuối năm 2006, Israel bắt đầu nhận được thông tin về sự tiếp tục hoạt động liên quan đến hạt nhân ở khu vự miền bắc Syria.

Theo thông tin từ Mossad, cơ sở ở Deir al-Zor được xây dựng vào khoảng năm 2002 và Triều Tiên giúp nơi đó trở thành lò phản ứng hạt nhân từ năm 2004. Theo nhà báo Israel Ronen Bergman của nhật báo Yedioth Ahronoth, những chuyên gia liên quan đến chương trình hạt nhân bí mật của Syria liên lạc với nhau qua những phong bì niêm phong cẩn mật được chuyển giao bởi mạng lưới giao liên đặc biệt nhằm mục đích phòng ngừa khả năng lộ tẩy từ máy tính hay Internet. Trong khi đó, Mossad có trong tay 10 hình ảnh chụp bên trong cơ sở ở Deir al-Zor cho thấy đó là lò phản ứng hạt nhân plutonum. Các công nhân Triều Tiên cũng xuất hiện trong những bức ảnh này.

Vào đầu tháng 3-2007, giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Syria Ibrahim Othman tham dự một hội nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở thành phố Vienna nước Áo. Vào một ngày trong thời gian diễn ra hội nghị, Ibrahim Othman đột nhiên rời khỏi căn hộ đang lưu trú và không hiểu tại sao ông không mang theo bên mình chiếc laptop cá nhân. Chộp bắt cơ hội, một nhóm điệp viên Mossad đột nhập căn hộ và sao chép toàn bộ tài liệu chứa trong laptop, cài đặt phần mềm kiểm soát thiết bị từ xa rồi nhanh chóng rời di.

Vài hôm sau đó, lãnh đạo Mossad lúc đó là Meir Dagan liền báo cáo phát hiện “thú vị” đến thủ tướng Ehud Olmert. Ý tưởng táo bạo liên quan đến hành động của thủ tướng tiền nhiệm Menachem Begin bất chợt nảy sinh trong đầu Olmert. Năm 1981, Begin quyết định tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Iraq với lý do Israel không cho phép một quốc gia thù địch trang bị sức mạnh hạt nhân. Đó là lúc Chiến dịch Orchard được hình thành.

Israel quyết định hành động bất chấp sự do dự của Mỹ

Quyết định bí mật tấn công hủy diệt lò phản ứng hạt nhân của Israel được Ehud Olmert đưa ra nhưng vẫn chưa xác định chính thức thời gian triển khai. Vào giữa tháng 4-2007, Ehud Olmert quyết định “cập nhật” thông tin cho Washington đồng thời đề xuất kế hoạch ném bom và muốn Mỹ tham gia. Đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Amir Peretz mở cuộc họp kín với đối tác Mỹ Robert Gates khi người này đến Israel.

Thủ tướng Israel Ehud Olmert (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Amir Peretz.

Ngay sau đó, Meir Dagan được phái đến Washington cùng với 2 trợ lý của Olmert – Yoram Turbowicz và Shalom Turgeman – với nhiệm vụ báo cáo tình hình khẩn cấp đến cho giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden, phó tổng thống Richard Cheney và Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley.

Họ hết sức sửng sốt sau khi xem những bức ảnh về lò phản ứng hạt nhân ở Syria mà Meir Dagan đưa ra. Ngay lập tức, họ nhận được lệnh từ tổng thống George Bush xác minh tính chân thực của những bức ảnh cũng như báo cáo của Israel. Trong khi đó, giới chức CIA cũng chỉ định một đội chuyên gia đặc biệt nghiên cứu vấn đề và những bức ảnh được đem đối chiếu với mọi hình ảnh do vệ tinh cung cấp.

Không dừng lại ở đó, Cục Tình báo Địa-Không gian Mỹ (NGA) và các chuyên gia hạt nhân cũng được huy động để thẩm định giá trị những bức ảnh do Israel cung cấp. Một nguồn của Mỹ viết: “Nếu như đó không phải là lò phản ứng hạt nhân thì dám chắc nó là bản mô phỏng”. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn có thái độ chần chừ chưa biết có nên hành động theo yêu cầu từ Israel hay không.

Trước mắt thấy cần thiết phải tiến hành chiến dịch ngoại giao cho nên Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley liền triệu tập một ủy ban bao gồm: người phó của ông là Elliott Abrams; James Jeffrey, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao; Eric Edelman, trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nội dung những cuộc họp kín của ủy ban không được tiết lộ với bất cứ ai, các email trao đổi giữa họ với nhau được giữ bí mật tuyệt đối và bất cứ tài liệu nào cũng bị cấm đưa ra khỏi Phòng Tình huống Nhà Trắng.

Một vài thành viên ủy ban có vẻ hoài nghi về sự thành công của chiến dịch ngoại giao và tin rằng tổng thống Syria al-Assad sẽ cố gắng tranh thủ thời gian để lò phản ứng hạt nhân ở Deir al-Zor không bị cản trở giữa chừng.

Thực ra, có 2 lý do chính khiến cho Washington không dám quyết định mở chiến dịch tấn công Syria.

Thứ nhất, Washington sợ phản ứng mạnh từ người dân Mỹ vốn đã chán ngấy sự can thiệp quân sự của nước này ở Trung Đông. Thứ 2, Washington phải giải quyết 2 sáng kiến quốc tế của Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Condoleezza Rice có thể cản trở cuộc tấn công lò phản ứng của Syria – đó là những cuộc đàm phán của các cường quốc với Triều Tiên về chương trình hạt nhân nước này và một hội nghị Trung Đông sắp được tổ chức ở thành phố Annapolis bang Maryland.

Sơ đồ Chiến dịch Orchard của Israel được tiết lộ.

Ngày 19-6-2007, thủ tướng Ehud Olmert chính thức gặp tổng thống Bush để tiếp tục bàn luận về vấn đề lò phản ứng hạt nhân của Syria. Nhưng, Bush vẫn tiếp tục tỏ thái độ do dự đồng thời nghi ngờ giá trị thông tin của Israel. Ngày 13-7-2007, Bush bảo với Olmert rằng nếu Mỹ muốn ném bom lò phản ứng thì chính phủ cần giải thích với Quốc hội rằng thông tin tình báo đến từ Israel.

Nhưng, Olmert – người luôn cam kết thông tin của Mossad rất đáng tin - lập tức bác bỏ sự lựa chọn này của Bush. Về sau, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Elliott Abrams tiết lộ câu nói cương quyết của Olmert: “Nếu các ông không ném bom thì chúng tôi sẽ làm điều đó. Đó là tất cả những gì mà tôi muốn nói với các ông”.

Chiến dịch Orchard và sứ mạng bí mật của không quân Israel

Lúc 11 giờ trưa ngày 5-9-2007, 10 chiếc máy bay ném bom F-15 cất cánh từ căn cứ quân sự Ramat David ở phía nam thành phố cảng Haifa của Israel hướng về Địa Trung Hải để thực hiện sứ mạng huấn luyện. Khoảng nửa giờ sau, 3 chiếc F-15 nhận được lệnh bay trở về căn cứ trong khi những chiếc còn lại đổi hướng qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bay thẳng đến biên giới Syria.

Sau khi phá hỏng một trạm radar tại vùng biên giới Syria bằng tín hiệu gây nhiễu điện tử, số máy bay nhắm hướng đến thành phố Deir al-Zor, nằm trên bờ sông Euphrates. Mục tiêu của chúng là ném bom khu phức hợp al-Kibar ở phía đông thành phố bằng tên lửa Maverick và những quả bom nặng 500kg. “Chiến dịch Orchard” sử dụng đến 17 tấn bom - được tuyên bố thành công sau khi những chiếc F-15 trở về căn cứ an toàn.

Ảnh chụp lò phản ứng hạt nhân al-Kibar.

Ở Jerusalem, Thủ tướng Ehud Olmert đều tin rằng “Chiến dịch Orchard” hết sức táo bạo sẽ cứu thế giới trước thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, họ không thông báo với Mỹ trước khi tiến hành kế hoạch ném bom được giữ bí mật mà chỉ gọi điện đến Washington sau khi chiến dịch hoàn thành.

Sau vụ ném bom, chính quyền Syria tuyên bố không phận nước này bị xâm phạm và tấn công một “nhà kho”. Thế giới lúc đó không hề biết chuyện gì thật sự đã xảy ra. Bức tranh rõ ràng về “Chiến dịch Orchard” của Israel cùng với những chi tiết về cuộc không kích chỉ phơi bày ra ánh sáng vào năm 2009, sau sự tiết lộ từ giới lãnh đạo chính trị, chuyên gia hạt nhân và tình báo.

Năm 2018, sau 10 năm luôn phủ nhận cuộc tấn công cơ sở hạt nhân bí mật của Syria, chính quyền Israel chính thức thừa nhận chiến dịch táo bạo. Khác với Israel và Pakistan, Syria là quốc gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và do đó cam kết chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình. Sau sự tiết lộ về khu phức hợp al-Kibar, IAEA ở Vienna yêu cầu thanh tra địa điểm.

Tháng 6-2008, tổng thống Assad cuối cùng buộc phải chấp thuận cho đoàn chuyên gia IAEA dưới sự lãnh đạo của Olli Heinonen, người Phần Lan, được phép đến cơ sở al-Kibar đã bị không quân Israel phá hủy vào năm trước đó. Tuy nhiên, chính quyền Damascus đã nhanh chóng xóa hết mọi dấu vết tại al-Kibar trước khi đoàn thanh tra IAEA bay đến Syria. Mặc dù vậy, đoàn chuyên gia nguyên tử IAEA vẫn có thể tìm thấy các mẫu uranium đáng ngờ - một phát hiện mà chính quyền Syria cố chối quanh rằng đó là hành động phá hoại.

Mặc dù không nắm được chứng cứ rõ ràng trong tay, song IAEA vẫn yêu cầu được thanh tra 3 cơ sở hạt nhân khác do nghi ngờ có mối liên quan đến al-Kibar, nhất là cơ sở làm giàu uranium Marj al-Sultan nằm ở cách Damascus 15km về phía bắc. Tuy nhiên, chính quyền Syria thẳng thừng từ chối, cho rằng đó là “tin đồn không có cơ sở”.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Der Spiegel năm 2009, tổng thống Basar al-Assad kiên quyết phủ nhận tham vọng hạt nhân của mình: “Chúng tôi muốn một Trung Đông không vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Israel”. Nhưng, báo cáo điều tra tháng 5-2011 của IAEA và câu chuyện trên tạp chí Mỹ New Yorker năm 2012 hoài nghi chính quyền Syria đang đùa với lửa!

Báo cáo IAEA nêu rõ: “Cơ quan kết luận cơ sở bị đánh bom hủy diệt rất giống lò phản ứng hạt nhân”. Về sau, các hình ảnh vệ tinh về khu vực al-Kibar cho thấy mọi hoạt động ở nơi này đã ngưng hẳn. Trong khi đó, các cơ quan tình báo phương Tây khẳng định tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của mình, có lẽ được tiến hành ngầm ở dưới lòng đất.

Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/israel-thua-nhan-tan-cong-co-so-hat-nhan-syria-484815/