Israel: Thủ tướng yêu cầu miễn trừ truy tố tham nhũng vì… 'dính chàm'

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu miễn trừ truy tố trong ba vụ tham nhũng, trong đó ông phải đối mặt với cáo trạng về tội nhận hối lộ, lừa đảo và vi phạm lòng tin.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu miễn trừ truy tố trong các vụ án tham nhũng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu miễn trừ truy tố trong các vụ án tham nhũng.

Sự tự tin của ông Netanyahu

Sau quá trình điều tra dài hơi, những cáo buộc chống lại Netanyahu đã được tung ra vào tháng 11 vừa qua. Trong suốt quá trình tố tụng hình sự đang diễn ra, vị thủ tướng gọi đây là một “cuộc đảo chính đầy toan tính” do phe cánh tả và giới truyền thông lãnh đạo.

Vừa qua, Netanyahu đã gửi yêu cầu miễn trừ tới Knesset (Quốc hội Israel) và nói rằng, ông dự định sẽ lãnh đạo đất nước “trong nhiều năm tới”.

“Những gì đang được thực hiện với tôi là một tòa án quân sự dối lừa công chúng”, Netanyahu nói trong một tuyên bố truyền hình tối thứ Tư tại Jerusalem.

“Luật miễn trừ nhằm bảo vệ các quan chức được bầu khỏi các thủ tục pháp lý bịa đặt cũng như các bản cáo trạng chính trị nhằm làm tổn hại ý chí của người dân. Luật này nhằm đảm bảo rằng những người được bầu có thể phục vụ nhân dân theo ý muốn của người dân, chứ không phải ý chí của các thư ký luật”.

Kể từ khi các cuộc điều tra được công bố ba năm trước, Netanyahu đã tiến hành một chiến dịch chống lại, tố cáo đó là một “cuộc săn phù thủy” do truyền thông điều khiển. Vị thủ tướng này cũng gọi các cuộc điều tra là “bị ô nhiễm” và yêu cầu “các nhà điều tra bị điều tra”.

Netanyahu cũng tấn công hệ thống tư pháp, cảnh sát và văn phòng công tố viên nhà nước. Thậm chí, khi bản cáo trạng được công bố, Netanyahu còn tuyên bố: “Có một luật cho mọi người dân, và một luật cho Netanyahu”.

Bế tắc pháp lý

Theo luật pháp Israel, các thành viên của Knesset, bao gồm cả Thủ tướng, được phép yêu cầu miễn trừ khỏi bị truy tố. Yêu cầu này sẽ được Ủy ban Hạ viện của Israel xem xét. Nếu yêu cầu được ủy ban chấp thuận, thì sau đó sẽ được 120 thành viên Knesset bỏ phiếu.

Tuy nhiên, kể từ cuộc bầu cử vào tháng 4 của Israel vừa qua, cũng là thời điểm bắt đầu thời kỳ bế tắc chính trị kéo dài, Ủy ban Hạ viện chưa được thành lập. Cuộc bầu cử vào tháng 9 vừa qua đã không thể phá vỡ bế tắc đó và một lần nữa, không có Ủy ban Hạ viện nào được thành lập.

Vì vậy, không có cách nào để xem xét yêu cầu miễn trừ của Netanyahu, cũng như bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào chống lại Thủ tướng, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 2/3.

Các thành viên của phe đối lập cho biết, họ sẽ tìm cách thành lập một Ủy ban Hạ viện tạm thời để xem xét yêu cầu miễn trừ, nhưng không rõ liệu điều này có khả năng xảy ra hay không. Nếu được cấp, quyền miễn trừ khỏi truy tố chỉ áp dụng cho Knesset hiện tại, có nghĩa là Netanyahu sẽ phải yêu cầu miễn trừ một lần nữa sau các cuộc bầu cử sau đó.

Khi yêu cầu miễn trừ, ngay cả khi bị từ chối, Netanyahu không phải từ chức ngay lập tức. Theo luật pháp Israel, ông có thể vẫn là Thủ tướng trong khi phiên tòa đang diễn ra. Thủ tướng chỉ phải từ chức nếu ông ta bị kết án và sự kết án đó được duy trì thông qua sau quá trình kháng cáo, mà một quá trình kháng cáo có thể mất nhiều năm.

Phản ứng của đối thủ

Đối thủ của Thủ tướng Netanyahu là ông Benny Gantz, lãnh đạo đảng Xanh và Trắng, tuyên bố các cử tri sẽ có hai lựa chọn: “... Lợi ích của Netanyahu hoặc lợi ích quốc gia sẽ thắng. Hoặc sẽ có một chính phủ miễn trừ cực đoan, hoặc sẽ có chính phủ đoàn kết rộng lớn. Hoặc vương quốc Netanyahu hoặc Nhà nước Israel”, ông Gantz phát biểu sau khi Thủ tướng Netanyahu yêu cầu quyền miễn trừ.

Ngay sau khi Netanyahu kết thúc tuyên bố của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman nói rằng liên minh Yisrael Beiteinu của ông sẽ bỏ phiếu nhất trí chống lại quyền miễn trừ. Liberman một tuyên bố: “Bây giờ đã rõ ràng hơn bất kỳ nghi ngờ nào, tất cả những gì Netanyahu quan tâm là quyền miễn trừ mà thôi… Nhà nước Israel đã trở thành con tin trong một vấn đề cá nhân riêng tư Netanyahu”.

Yuli Edelstein, một thành viên đảng Likud của Netanyahu, là người có quyền cho phép thành lập Ủy ban Hạ viện Knesset. Nếu Edelstein quyết định không cho phép ủy ban thành lập, các thủ tục tố tụng pháp lý chống lại Netanyahu có thể vẫn bị kẹt cho đến sau cuộc bầu cử tháng ba. Bế tắc pháp lý của Israel là hậu quả tất yếu của tình trạng bê bối chính trị ở đất nước này diễn ra trong thời gian dài.

Kể từ khi luật miễn trừ được cập nhật vào năm 2005, chưa có thành viên nào của Knesset được miễn trừ khỏi truy tố. Trước năm 2005, quyền miễn trừ của quốc hội đã được cấp cho các thành viên của Knesset, sau đó, luật đã được thay đổi để buộc họ phải đệ trình một yêu cầu chính thức, sau đó sẽ được Ủy ban Hạ viện Nhà Knesset cân nhắc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/israel-thu-tuong-yeu-cau-mien-tru-truy-to-tham-nhung-vi-dinh-cham-4057022-b.html