Israel: Iron Dome quá mẫu mực, không phải cướp cò

Trang Jpost dẫn tuyên bố chính thức của IDF về nguyên nhân khiến hệ thống Iron Dome phóng 10 quả tên lửa dù không có vụ tấn công nào tối 25/3.

Theo nguồn tin này, các lực lượng vũ trang Israel (IDF) đã bác bỏ toàn bộ thông tin do lỗi vận hành của con người khiến hệ thống Iron Dome đồng loạt phóng 10 quả đạn. Điều tra ban đầu cho thấy, hệ thống phòng không này đã hoạt động rất tốt khi chúng có thể phát hiện ra cả vụ tấn công bằng súng máy tại Dải Gaza.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa.

Một vị lãnh đạo lực lượng IDF cho biết: "Hệ thống Iron Dome đã xác định một cuộc phóng tên lửa về phía Israel, đặc biệt là phía căn cứ Zikim. Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Không có lỗi nào cả về con người và kỹ thuật. Có thể hệ thống quá nhạy cảm, và chúng tôi đã có năm giây để quyết định ngay khi phát hiện được một vụ tấn công hướng tới lãnh thổ của Israel. Dù không có vụ tấn công nào bằng tên lửa nhưng đó vẫn là một mối đe dọa", vị đại diện này nói.

Trước khi IDF chính thức đưa ra lời giải thích, trang Jpost dẫn nguồn tin quân sự Israel xác nhận, không có bất cứ cuộc tấn công bằng tên lửa nào diễn ra tại Dải Gaza tối 25/3 sau khi còi báo động tên lửa tấn công đã vang lên khắp nơi. Tuy nhiên, đã có cả chục quả đạn của hệ thống Iron Dome đã được phóng.

Lời giải thích chính thức đã được IDF đưa ra nhưng đâu là nguyên nhân thực sự thì cần phải có thêm thời gian để điều tra và có thể nó sẽ không bao giờ được công bố. Tuy nhiên, nếu khả năng Iron Dome bị lỗi xảy ra thì điều này cũng không quá bất ngờ bởi chưa bao giờ hệ thống phòng không này được đánh giá cao.

Theo phân tích của tạp chí Jane's, tồn tại lớn nhất của Iron Dome là không thế phản ứng với các cuộc tấn công trong phạm vi cực ngắn. Phạm vi hoạt động tối thiểu chưa được nhà sản xuất công bố nhưng theo các chuyên gia Iron Dome không thể bắn hạ các quả đạn rocket trong phạm vi nhỏ hơn 5 km.

Đó là lý do tại sao, những khu vực dân cư sát với dải Gaza, vốn là đối tượng bảo vệ hàng đầu của hệ thống vẫn phải sử dụng rất nhiều các biện pháp phòng ngự bị động như xây dựng các hầm chứa bom và hầm trú ẩn.

Điều này là hoàn toàn có thể giải thích, Iron Dome được thiết kế để chống lại các mục tiêu có vận tốc không quá lớn nên nếu như mục tiêu xuất phát từ cự ly gần thì bộ xử lý của hệ thống không đủ thời gian để phản ứng.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, nếu rocket được phóng theo kiểu phóng thẳng ở khoảng cách từ 16-18km thì hệ thống cũng không thể phản ứng, vì khi đó tốc độ của quả đạn cao gấp 4 lần tốc độ đi theo đường bay xiên, tức thời gian để phản ứng cũng là rất nhỏ.

Vấn đề tiếp theo hệ thống Iron Dome gặp phải đó là điểm bão hòa. Tức ngưỡng phản ứng trước số lượng các mối đe dọa của hệ thống phòng không là có giới hạn. Nếu phải đối mặt với quá nhiều cuộc tấn công rocket và đạn cối cùng một lúc từ đối phương, các hệ thống Iron Dome sẽ sụp đổ. Đó là một trong các lý do tại sao Israel lên kế hoạch thiết lập thêm nhiều hệ thống này.

Yiftah Shapir - nhà phân tích cao cấp của viện nghiên cứu chiến lược INSS cho rằng, với số lượng các đại đội Iron Dome hiện tại là không thể đủ để bảo vệ toàn bộ Israel. Thực sự các đối tượng được lựa chọn ưu tiên là các cơ sở quan trọng của nhà nước, và trong một số trường hợp bắt buộc phải lựa chọn thì một bộ phận người dân sẽ không ở trong ô bảo vệ của Iron Dome.

Clip hệ thống Iron Dome phóng loạt tên lửa vì báo động nhầm

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/israel-iron-dome-qua-mau-muc-khong-phai-cuop-co-3355238/